VNTB – Đất quốc phòng nhưng làm “kinh tế”

Ls. Trần Thành (VNTB) “Đất quốc phòng” hiện nay tiếp tục là lá bùa cho những dự án chẳng liên quan gì đến chuyện an ninh quốc phòng, nếu không muốn nói là nhiều dự án “đất quốc phòng” còn đe dọa cả an ninh, quốc phòng. Vụ việc đang diễn ra ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là một đơn cử.

Không khả thi nhưng không trả lại


Năm 1980, phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đỗ Mười ký quyết định thu hồi 47,36 ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, để phục vụ cho Dự án an ninh quốc gia, làm sân bay Miếu Môn và tạm bàn giao cho Lữ đoàn 28, Quân chủng Phòng không – Không quân quản lý.

Năm 2007, Dự án làm sân bay Miếu Môn không khả thi, nên Lữ đoàn 28 vẽ sơ đồ và cắm mốc giới bàn giao toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi cho UBND xã Đồng Tâm. Ngày 30/7/2007, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm ký xác nhận và quản lý. Cùng ngày, UBND xã Đồng Tâm xác nhận mốc giới, phân định rõ ràng giữa đất Quốc phòng và đất nông nghiệp.

Tuy nhiên đến tháng 10-2014, Bộ Quốc phòng giao cho Quân chủng phòng không không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân của Lữ đoàn 28 (đất quốc phòng), với các mốc giới trên thực địa không thay đổi.

Sau đó, Bộ Quốc phòng đã thu hồi 50,03 ha đất quốc phòng do Quân chủng Phòng không không quân đang quản lý, sử dụng để giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội Vietel tiếp nhận quản lý sử dụng vào công trình quốc phòng A1 (Quyết định số 551/QĐ-TM ngày 27-3-2015), trong đó bao gồm 46 ha thuộc xã Đồng Tâm.

Người dân nơi đây không đồng ý, bởi họ cho rằng đang canh tác trên đất nông nghiệp, không phải “đất quốc phòng”.

Trách nhiệm lòng vòng


Luật sư Nhâm Thị Lan – Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Phát, người đã theo đuổi vụ việc này, cho biết:

Ngày 20/10/2014 ông Vũ Hồng Khanh, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ký Quyết Định số: 5383/QĐ- UBNDTP về việc giao 236 ha đất sân bay Miếu Môn cho lữ Đoàn 28 thuộc D31 quản lý. Trong đó tại xã Đồng Tâm diện tích tăng thêm (28 ha), so với Quyết định thu hồi số: 113/TTG năm 1980. Mặc dù diện tích thực tế tăng lên (do kỹ thuật bây giờ đo bằng máy, khác việc đo đạc trước đây), nhưng điều quan trọng, ông Lê Đình Kình (một người dân của xã Đồng Tâm) cho rằng: “Vì diện tích tăng lên so với thực tế, nhưng vẫn nằm trong mốc giới của Lữ Đoàn 28 thuộc D31 quản lý và không vượt sang mốc giới đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, cho nên nhân dân xã Đồng Tâm sẽ không ý kiến về việc tăng diện tích này”.

Ngày 27/3/2015 Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc Phòng ra Quyết Định số: 551/QĐTM về việc thu hồi 50,03ha đất Quốc phòng hiện D31 đang quản lý, để bàn giao cho Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) thực hiện dự án.

Vụ 12.000.000 m2 đất của ông Trần Ngọc Viễn


Trong mối bùng nhùng đó, liên quan đến câu chuyện nguồn gốc diện tích đất 12.000.000 m2 của ông Trần Ngọc Viễn, do cơ quan nào giao đất?.

Sự việc của ông Trần Ngọc Viễn có được 12.000.000 m2 đất nông nghiệp, diễn ra như sau: Năm 1974 ông Nguyễn Văn Chanh mượn 360 m2 và ở tạm đất nông nghiệp của hợp tác xã Đồng Tâm (thời điểm cho ông Chanh mượn đất là do ông Lê Đình Kình, làm cán bộ hợp tác xã “người đại diện đứng đơn tố cáo hiện nay” ký xác nhận cho ông Chanh mượn, vì ông Chanh quê ở Thái Bình làm bộ đội đóng quân tại xã Đồng Tâm, khi có điều kiện ông Chanh chuyến đi nơi khác, phải trả lại đất cho Hợp tác xã.

Năm 1990 ông Chanh chuyển về quê Thái Bình, nhưng không trả lại đất cho Hợp tác xã, mà ông Chanh bán lại cho ông Viễn và không hiểu sao cho đến thời điểm này, cán bộ UBND xã Đồng Tâm lại xác nhận cho ông Trần Ngọc Viễn có đến 12.000.000m2 đất nông nghiệp, với nguồn gốc được cho là của nhân dân xã Đồng Tâm.

Sau khi nhận được 12.000.000 m2 nông nghiệp, từ đây ông Viễn đã làm thủ tục di chúc thừa kế cho 07 người con và chuyển nhượng một loạt cá nhân khác trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2012. Tất cả các văn bản chuyển nhượng và di chúc thừa kế này, đều được cán bộ xã Đồng Tâm, cụ thể là ông Nguyễn Văn Sơn và Lê Đình Thuần, nguyên chủ tịch xã Đồng Tâm xác nhận với tư cách là người làm chứng, trong giao dịch chuyển nhượng này.

Nguồn gốc diện tích đất 11.000.000m2 của ông Nguyễn Văn Toán cơ quan nào giao đất?


Năm 1987 ông Nguyễn Văn Toán nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Phạm Công Thi là công nhân xí nghiện đá vôi, thời gian này đất nằm trong quy hoạch của dự án sân bay Miếu Môn. Nội dung hợp đồng ông Toán diện tích đất được thỏa thuận sau “ba gian nhà ở, ba gian bếp, một gian chuồng bò là 02 sào, hai miếng ở ngoài khu vực ở, một miếng ở cổng ngõ, một miếng sát bờ ruộng và nữa sào chè”.

Cũng giống như ông Viễn, không hiểu sao UBND xã Đồng Tâm phù phép thế nào, mà diện tích của ông Viễn lên tới 11.000.000 m2 đất nông nghiệp, từ đó ông Viễn liên tục chuyển nhượng cho các cá nhân khác như bà Vũ Thu Hà, ông Nguyễn Tất Thắng, ông Nguyễn Văn Minh… hàng nghìn mét vuông đất. Đồng thời ban lãnh đạo xã Đồng Tâm qua các thời kỳ như ông Nguyễn Văn Sơn và Lê Đình Thuần, nguyên chủ tịch xã Đồng Tâm xác nhận với tư cách là người làm chứng, cho tất cả các văn bản chuyển nhượng đất nói trên.

Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?


Xác minh vấn đề thực tế, diện tích đất của hai ông Toán và ông Viễn, luật sư Nhâm Thị Lan được nhân dân xã Đồng Tâm, chỉ dẫn cột mốc (mốc giới), được cho là ranh giới để phân biệt giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, thì khá bất ngờ là diện tích đất của hai hộ gia đình (ông Toán và ông Viễn) đều nằm ngoài cột mốc, tức là ngoài mốc giới lữ Đoàn 28 và D31 quản lý.

Tháng 9 và tháng 10/2015, Văn phòng luật sư Hoàng Phát hỗ trợ người dân làm đơn tố cáo gửi tới các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết cho hành vi nêu trên để phân định trách nhiệm rõ ràng đâu là đất của dân và đâu là đất quốc phòng và trách nhiệm xử lý hình sự của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội, chưa bị truy cứu. Ngày 02/11/2015 nhân dân xã Đồng Tâm nhận được văn bản số 457/TB – CAHN – PC46 của phòng Cảnh sát kinh tế – Công an thành phố Hà Nội, thông báo chuyển hồ sơ của ông Lê Đình Kình (người đại diện đứng đơn cho nhân dân xã Đồng Tâm) đến Cơ quan Điều tra hình sự – Quân chủng phòng không, không quân – Bộ quốc phòng để giải quyết theo thẩm quyền.

Lá bùa “đất quốc phòng”


Tuy nhiên sau đó văn bản của thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định khu vực này là đất quốc phòng, đã được Chính phủ giao Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng; dự án A1 là dự án lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của quân đội và đất nước.

Dự án A1 mà Viettel xây dựng là gì thì không được văn bản nào giải thích. Bế tắc ở đây là nếu căn cứ theo các quy định hiện hành, thì “đất quốc phòng” (quy hoạch dự án với mục đích là “đất quốc phòng” thì các yêu cầu đền bù cho người dân sẽ không căn cứ theo “thuận mua vừa bán”, mà các mức quy định theo túi tiền ngân sách) vẫn được mang đi kinh doanh cho những dự án không liên quan đến chuyện an ninh, quốc phòng.

Lá bùa đó chính là Thông tư số 35/2009/TT-BQP, do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh ký ngày 20 tháng 07 năm 2009, vẫn đang hiệu lực thi hành. Theo đó, các doanh nghiệp quân đội cổ phần hóa được quyền thuê đất quốc phòng để làm trụ sở hoặc sử dụng vào hoạt động kinh tế; Các đơn vị và doanh nghiệp sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế theo phương thức tự đầu tư và triển khai thực hiện các ngành nghề sản xuất kinh doanh phù hợp với chức năng của từng đơn vị và doanh nghiệp. Chủ đầu tư phải là các đơn vị quân đội và doanh nghiệp quân đội.

Như vậy, chuyện Viettel đầu tư vào đất quy hoạch sân bay quân sự Miếu Môn, hay chuyện Him Lam xây sân golf, cất cao ốc ở khu Tân Sơn Nhất… là hoàn toàn hợp pháp.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)