Mỹ Thuận (ghi)
(VNTB) – Cá ăn kiến giờ kiến ăn cá!
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị FIMEX Việt Nam, kể rằng thời dịch giã Covid này, rất thấm thía câu chuyện cá ăn kiến giờ kiến ăn cá! “Ôi kinh tế thị trường, biết bao điều không minh bạch, không sòng phẳng còn ẩn chứa trong đó”.
Sòng phẳng? Thế công bằng là gì?
Ông Hồ Quốc Lực kể: Một lão nông khá thân, nuôi tôm lâu năm, điện tôi. Câu đầu tiên tự dưng anh ta chửi đổng. Chắc cho bớt bực tức, xong anh ta rề rà: “Tao nghe nói tụi chế biến chơi sang, thậm chí mướn khách sạn 5 sao cho công nhân nghỉ đêm để tham gia chế biến. Nếu nghỉ ở nhà trọ, khách sạn tầm trung thì đâu có gì, nhưng dám mướn cả khách sạn 5 sao, tao nghĩ tụi chế biến “chịu chơi” chia sẻ khó khăn cùng bọn nuôi tôm tụi tao!”
Nghe tới đây, tưởng chừng câu chuyện sẽ không có gì đáng ghi lại, bởi chỉ là một nhận xét thông thường. Nhưng anh ta lại nói tiếp và cũng bắt đầu bằng tiếng chửi thề phổ biến đồng bằng: “Chắc em mày biết giá tôm bây giờ ra sao, giảm 30-40%. Thương lái ít hoạt động, tụi nó hét giá nào, tụi nuôi tôm tao cũng phải cắn răng gật đầu. Chắc tại tụi mày trừ giá tiền mướn khách sạn vào giá mua tôm hay sao?”
Không để tôi chen tiếng, anh ta tiếp liền: “Nói vậy, đâu phải tụi chế biến chơi sang, mà chính bọn cực khổ một nắng sương chưa dám bước chân tới khách sạn 5 sao như tụi tao, nay trả tiền cho công nhân nghỉ chỗ sang trọng như vậy. Không sòng phẳng!”
Tôi có chút giật mình về cách suy nghĩ tam đoạn luận như vậy. Đó là một góc nhìn, dĩ nhiên có cách biện luận riêng. Nhưng sự thật là như thế nào, phải minh bạch để tạo ra sự sòng phẳng. Bởi mối quan hệ mắt xích người nuôi, nhà chế biến mà không tốt thì chỉ có thiệt cho cả đôi bên.
Vậy là sau vài giây đắn đo, tôi “trình” với anh ta là các doanh nghiệp chế biến phải thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Nhưng hoàn cảnh không cho phép vì trong khuôn viên các nhà máy không có nhiều chỗ trống để sắp xếp công nhân nghỉ ngơi, phải thuê khách sạn để bảo đảm quy định “1 cung đường 2 điểm đến”, như vậy hoạt động chế biến mới duy trì.
Công nhân quá đông, thuê khách sạn trung bình không đủ chỗ, mới cắn răn thuê khách sạn hạng sang. Mà thật tình mang tiếng hạng sang nhưng khách sạn lúc vắng khách giảm giá mềm lắm. Chi phí lo công nhân ăn, nghỉ như vậy, kéo dài sẽ làm doanh nghiệp giảm lợi nhuận, thậm chí bị lỗ.
Nhưng qua đó, duy trì chế biến, tôm nuôi mới có chỗ tiêu thụ, khách mua hàng của doanh nghiệp mới bảo đảm duy trì hoạt động…
Anh bạn già kia không tha: “Vậy giải thích sao tôm rớt giá thê thảm?”. Tôi lại tiếp tục uốn lưỡi, nói là giá tôm bị tác động nhiều yếu tố. Có lúc lên cao, vì sao? Vì nhu cầu nhiều mà cung ứng có hạn. Bây giờ, năng lực chế biến ở các nhà máy còn không tới phân nữa vì ba tại chỗ, mối quan hệ cung cầu bất lợi cho bên cung ứng – người nuôi, giá sẽ giảm.
Mặt khác, khi sản xuất của ba tại chỗ chi phí tại các doanh nghiệp chế biến tăng rất nhiều do năng suất giảm, chi phí kiểm tra y tế định kỳ không nhỏ… thật tình các doanh nghiệp tôm mua giá tôm có “gởi” chia sẻ ít nhiều chi phí trong đó, thêm yếu tố làm giảm giá tôm.
Song song đó, tình hình thực thi chỉ thị 16 khiến việc đi lại khó khăn, tốn kém hơn, nên thương lái mua giá thấp xuống để bù trừ. Mà cũng không loại trừ có thương lái mượn cơ hội này ép giá mua quá đáng.
Thêm yếu tố giá giảm. Nhiều yếu tố giảm giá tôm nói trên, tôi nói ra chưa chắc anh bạn già kia hiểu hết. Nhưng biết làm sao, đâu có đủ số liệu cụ thể lý giải để bảo đảm là các yếu tố kia cộng lại là giá phải giảm bao nhiêu phần trăm là phù hợp.
Tóm lại, bối cảnh tranh tối tranh sáng này khó mà thuyết phục anh ta tôm giảm giá khá sâu là hợp lý. Nhưng có điều an ủi là làm anh ta không còn khăng khăng là “bọn” nuôi tôm trả tiền thuê khách sạn 5 sao cho các doanh nghiệp chế biến.
Anh ta chào, cúp điện thoại nhưng chắc với tâm trạng chưa thoả đáng.
Lỗi ở đâu khi minh bạch đôi khi là điều xa xỉ?
Ông Hồ Quốc Lực nhìn nhận bức xúc của ông bạn ở trên là đúng.
Nuôi vất vả, khá trúng cũng mừng, nhưng cầm đồng tiền bán tôm mỏng đi khá nhiều, lỗ vốn, ai không bức xúc. Nhìn lại chuỗi cung ứng tôm hiện nay, có nhiều điểm đáng ghi nhận. Đó là việc tiêu thụ có xu thế thuận lợi hơn từ nay đến cuối năm do chuỗi cung ứng từ các cường quốc tôm khác bị ít nhiều gãy đổ, thiếu hàng cho các đầu mối tiêu thụ ở các thị trường lớn. Đây là điểm thuận lợi hết sức cơ bản. Nếu nhìn vào điểm này, giá tôm mua của người nuôi phải tăng lên chớ không phải giảm.
Nhưng liền đó là các yếu tố bất lợi như chi phí thuê tàu giao hàng tăng quá mạnh so trước đây, chục ngàn đô la Mỹ cho lô hàng tôm 10-15 tấn.
Năng suất lao động giảm do thực hiện 5k và kiểm soát y tế định kỳ. Sản lượng chế biến giảm vì giảm lao động khiến phí cố định trong giá thành tăng. Các yếu tố chi phí sản xuất khác, nhất là bao bì, phụ liệu đều tăng do nhiều yếu tố như phí vận chuyển, hạn chế cung ứng…
Khái quát, chi phí ở doanh nghiệp tăng rất nhiều, chưa kể chi phí ba tại chỗ ăn nghỉ nói ở trên. Nhưng đâu thể vì phí tăng chung chung mà giảm giá tôm quá nặng. Phải minh bạch sự sòng phẳng này người nuôi tôm mới an tâm cho công việc mưu sinh của mình và không có ấn tượng không tốt với các thương lái và nhà chế biến.
Làm sao có sự minh bạch?
Bản chất thương trường là cuộc cạnh tranh ngầm gay gắt, sống còn. Còn chấp nhận được. Bản chất các nhà kinh doanh là trục lợi tối đa ở mọi cơ hội có được. Chuyện này chưa thoả đáng, đó là suy nghĩ bóc ngắn cắn dài, không chấp nhận được.
Nếu mua tôm giá thấp, các doanh nghiệp chế biến lãi nhiều, vui lắm. Nhưng bạn đồng hành – người nuôi phá sản thì sau này làm sao các doanh nghiệp có đủ nguyên liệu chế biến. Phải có sự sẻ chia ở điểm này.
Nhưng cũng cần tìm hiểu chi tiết tới tận nguồn sự lý giải mới thoả đáng hơn.
Một doanh nghiệp có trình độ quản trị tốt, hoạt động hiệu quả cao, doanh nghiệp đó có thể lãi cao, nhưng không phải do o ép mua nguyên liệu giá thấp mà do nội lực thực sự của mình.
Nhưng có doanh nghiệp ngược lại, giá mua nguyên liệu không cao nhưng hiệu quả thấp. Cho nên nhìn kết quả kinh doanh cuối năm các doanh nghiệp chế biến để nghĩ lại về thời điểm này, các doanh nghiệp có thật sự ép giá người nuôi hay không thì cũng không thoả đáng lắm.
Nói gì nói, ông bà ta có câu rất hay “cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”.
Thời điểm này, tôm giảm giá mạnh cứ đổ thừa do Covid. Bao nông phẩm khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí có nông phẩm ứ đọng, hư hỏng. Trăm dâu cứ đổ đầu tằm. Theo tiến trình phát triển, mọi sự đều có thể minh bạch thật sự, nhưng hãy đợi.
Thật tình, ngay bây giờ trong suy nghĩ các chủ cơ sở thu mua đều tính nhẩm được mình đã thu lời được bao nhiêu trong đợt giảm giá tôm hơn tháng qua. Các nhà chế biến thì chậm hơn chút, đợi kết sổ kỳ báo cáo tài chánh gần nhất!
Nếu phân tích góc độ sự năng nổ nhưng không tích cực, chuyện này là họ “vận dụng” giải pháp tìm “cơ” trong “nguy” đó! Nói gì nói, Covid sẽ qua thôi, cầu trời qua mau, giá tôm sẽ phục hồi ngay vì các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động bình thường sẽ hối hả tìm nguyên liệu trả nợ hợp đồng, nếu không sẽ bị phạt, dù nguyên liệu giá cao, bị lỗ cũng phải mua.
Song song các hợp đồng mới giá bán cải thiện thì giá mua cũng sẽ tăng. Hy vọng chuyện này đến sớm. Lúc đó, người nuôi sẽ có chút an ủi. “Cá ăn kiến giờ kiến ăn cá! Ôi kinh tế thị trường, biết bao điều không minh bạch, không sòng phẳng còn ẩn chứa trong đó” – ông Hồ Quốc Lực, cảm thán.