VNTB – Đâu phải bây giờ công nhân mới “không đủ sống”!

VNTB – Đâu phải bây giờ công nhân mới “không đủ sống”!

Thới Bình

 

(VNTB) – Tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 65 – 70% mức sống tối thiểu.

 

Năm 2013, tại hội thảo về “Mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra đối với việc xác định lương tối thiểu và lương đủ sống cho người lao động” do Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội mới tổ chức, khi ấy, Phó vụ trưởng Vụ Lao động – Tiền lương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông Lê Xuân Thành thừa nhận, với mức lương thời điểm đó, lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu. Con số này ở khu vực sản xuất là 70%. Cũng vì vậy mà năm 2012 vừa qua có tới 80% các cuộc đình công nổ ra với nguyên nhân chính là tranh chấp về lương.

Tuy nhiên, theo ông, nếu điều chỉnh lương tối thiểu theo đúng lộ trình thì sợ doanh nghiệp không chịu đựng được. Còn nếu điều chỉnh để đảm bảo ngay nhu cầu sống tối thiểu của người lao động trong năm 2013 thì rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm dệt may, da giày, gia công sẽ phá sản.

“Với mức lương hiện tại, các doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn, họ nợ lương, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động. Nếu tăng nữa, sợ họ không chịu nổi”, ông Lê Xuân Thành cho biết.

Còn ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân – Công đoàn, thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, khi ấy cho biết, cơ quan này vừa kết thúc một cuộc khảo sát tại các loại hình doanh nghiệp ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước về tiền lương.

Kết quả khảo sát cho thấy, để đảm bảo có đủ dinh dưỡng 2.300 kcal/ngày, người lao động phải chi trả 750.000 – 900.000 đồng/tháng. Cộng với nhu cầu lương thực, thực phẩm và chi phí nuôi con, mức sống tối thiểu của người lao động vào khoảng 2,4 – 3,7 triệu đồng/tháng. Với cách tiếp cận này, phía công đoàn cũng khẳng định, tiền lương tối thiểu khu vực sản xuất kinh doanh chỉ đáp ứng được 65 – 70% mức sống tối thiểu.

Theo bà Văn Thu Hà (đại diện tổ chức Oxfam Việt Nam), lương tối thiểu của Việt Nam đã rơi xuống mức quá thấp nên có điều chỉnh, có tăng lên đến mấy vẫn không thể cân đối được với mức sống người dân.

“Ít nhất có 9,4 triệu người đang đóng bảo hiểm xã hội chiếm 18% lực lượng lao động năm 2009 sẽ tham gia vào một lớp người nghèo mới khi họ nghỉ hưu. Trong số họ, những lao động nghèo sẽ trở thành nhóm người về hưu cực nghèo, sẽ tham gia vào các nhóm bảo trợ xã hội trong tương lai”, bà Văn Thu Hà cảnh báo.

“Tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn như hình với bóng, chưa bao giờ gặp nhau. Mục tiêu năm 2015 lương tối thiểu đủ sống còn viển vông lắm” – ông Đặng Quang Điều nhìn nhận.

Năm 2018, theo khảo sát của Viện Công nhân – Công đoàn, thì người lao động còn gặp rất nhiều bức xúc liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập, trong đó bức xúc vì lương thấp, không có thêm các khoản phụ cấp để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống chiếm tỉ lệ cao nhất (25,7%).

Kết quả khảo sát cho thấy, với thu nhập và chi tiêu ở năm 2018 khi không có biến động về việc làm, thu nhập và đời sống, có 32,1% số người lao động được hỏi cho biết gia đình họ có khoản tiền tiết kiệm chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Đây là khoản tiền mà người lao động dành dụm để chi tiêu dịp lễ tết, lúc ốm đau, hoạn nạn, thất nghiệp và tích lũy đầu tư cho việc học hành của con cái.

So sánh thu nhập với chi tiêu của người lao động và gia đình, kết quả như sau: 17,4% số người lao động được hỏi cho biết có dư dật và tích luỹ; 43,7% cho biết vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 26,5% phải chi tiêu tằn tiện và kham khổ; 12,5% cho biết thu nhập không đủ sống, phải làm thêm giờ.

Khảo sát còn cho thấy, so với năm 2017, tỉ lệ người lao động cho biết thu nhập so với chi tiêu “có dư dật, tích lũy” tăng 1,3%; số người lao động gặp khó khăn “không đủ sống, phải làm thêm giờ” tăng 0,5%, nhưng tỉ lệ người lao động “vừa đủ trang trải cho cuộc sống” giảm 7,6%; tỉ lệ người lao động phải chi tiêu “tằn tiện, kham khổ” tăng lên 5,8%.

Đánh giá mức độ hài lòng với tiền lương, thu nhập của mình, người lao động cho biết: 17,2% đánh giá hài lòng, giảm 5,5% so với năm 2017; tỉ lệ 65,7% tạm hài lòng, tăng 13,3%; tỉ lệ 17,1% không hài lòng, giảm 7,8%.

Khảo sát kể trên được thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố, ngành trung ương có đông lao động công nghiệp, dịch vụ, đại diện các loại hình doanh nghiệp và vùng lương gồm: Hà Nội; Hải Phòng; Bắc Ninh; Vĩnh Phúc; Lạng Sơn; Tuyên Quang; Hà Nam; Ninh Bình; Hòa Bình; Nghệ An; Thanh Hóa; Đà Nẵng; Thừa Thiên – Huế; Quảng Nam; Phú Yên: Khánh Hòa; Ninh Thuận; Đồng Nai; Bình Dương; TP.HCM; Cần Thơ; Đồng Tháp; Kiên Giang; Công đoàn ngành Xây dựng; Công đoàn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Cùng với đó, còn tổ chức trao đổi thông tin, thu thập báo cáo, lấy ý kiến 3.008 phiếu hỏi đối với người lao động tại 150 doanh nghiệp, trung bình mỗi doanh nghiệp có 20 lao động, đảm bảo cơ cấu về giới tính, độ tuổi, vị trí công việc; tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, chi tiêu, những khó khăn, vướng mắc, bức xúc và kiến nghị của người lao động.

Theo tính toán của Viện Công nhân – Công đoàn, sau khi tổng hợp các chỉ số CPI, GDP, năng suất lao động, cung cầu lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp… riêng năm 2022, lương tối thiểu vùng phải tăng lên ít nhất 10% mới có thể tiệm cận mức sống thấp nhất.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)