Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đâu phải chỉ người trẻ mới áp lực!

Út Sài Gòn

 

(VNTB) – Càng lớn càng nhiều áp lực

 

Thời gian gần đây, khi lướt trên các trang mạng xã hội, thấy khá nhiều bài viết với đủ mọi hình thức về chia sẻ của người trẻ nói về áp lực công việc. Nào giờ giới trẻ phải chịu những áp lực rất nhiều. Nào là áp lực từ cuộc sống, từ gia đình. Nào là áp lực đang dần làm “kiệt quệ” năng lượng tích cực và mất động lực phấn đấu của nhiều người trẻ.

Nói dễ hiểu, áp lực cuộc sống là những áp lực và căng thẳng mà con người phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Đây có thể là áp lực từ gia đình, xã hội, công việc, tài chính, quan hệ cá nhân, sức khỏe,… Áp lực cuộc sống có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, sức khỏe và hiệu suất làm việc của mỗi người. Có nhiều nguyên nhân hình thành nên áp lực: khách quan lẫn chủ quan.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hơn 75% rối loạn sức khỏe tâm thần trên thế giới khởi phát ở tuổi 24. Tại Việt Nam, 21,7% thanh thiếu niên cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ảnh hưởng của bệnh tâm thần ở tuổi vị thành niên có thể kéo dài và gây những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế xã hội trong suốt cuộc đời.

Bàn luận về những áp lực trong cuộc sống, Út Sài Gòn góp nhặt, lượm lặt và rồi ghi nhận…

“Nhiều lúc mình cảm thấy cuộc đời thật xám xịt. Cách biệt thế hệ khác biệt nhau quá lớn. Ngày xưa, để kiếm được một tỷ là khó khăn, còn bây giờ dễ dàng hơn nhiều. Cái quan trọng là biết làm liều. Cơ hội trôi qua thì không lấy lại được. Vậy mà mình nói gia đình thì chẳng ai chịu hiểu, cũng chẳng ai chịu đầu tư tiền cho mình đầu tư. Giờ vay tiếp thì cũng không được”, sinh ra trong một gia đình lao động bình dân, song vẫn chu toàn lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, sinh viên Mạnh (nhân vật đã đổi tên) tâm sự về áp lực đang trải qua.

Lắc đầu ngao ngán với cái gọi là áp lực, Tùng, một nhân viên vừa bị thanh lý hợp đồng, chia sẻ: “Mình có một đứa em, cả gia đình đầu tư vô cho nó ăn học. Không lo ăn học, mùa dịch, đi coi mấy cái linh tinh gì đó trên mạng, để rồi cuối cùng gây nợ cả trăm triệu. Nó vỗ ngực xưng tên là nó trả được, một ngày kiếm 30-40 triệu với nó là chuyện bình thường. Trả đâu không thấy, thấy số nợ càng lúc càng lớn. Rồi than thở không biết bao giờ mới thoát được cảnh này? Mà mình có nói, lớn rồi, gây ra thì mình tự chịu, tự trả, bản thân mình cũng sẽ giúp nó. Đừng để ba mẹ biết, ba mẹ buồn. Cái nó đi nói hết trơn, ba mẹ sốc vô cùng. Mình hỏi nó, thì nó kêu làm vậy để giải toả áp lực, nó áp lực quá rồi”.

“Tui nói cho anh Út nghe, như tụi mình có áp lực không? Sao lại không cho được? Lúc còn trẻ thì áp lực mưu sinh, lo gia đình. Khi về già thì lo con cái, cũng là một dạng áp lực. Rồi lo không biết mình có đủ sức sống để nhìn cháu mình đi học hay không? Nếu mình chết bất đắc kỳ tử, con mình sẽ như thế nào? Với tui, nó là áp lực sức khoẻ. Ai mà chẳng có áp lực? Vậy mà tụi nhỏ nhà tui, làm thấy ghê lắm kìa. Mới thất bại một chút đã than trời trách đất đủ thứ chuyện”, ông Tám, hành nghề xe ôm, cười.

“Nói đi cũng nói lại, theo mình thấy, nhiều bạn trẻ bây giờ rất năng động. Mỗi buổi sáng chấp nhận chạy cả chục cây số để đi học, sau đó lại chạy cả chục cây số để đi làm. Quỹ thời gian cân đối giữa việc học, việc làm, việc nhà, họ gần như chu toàn mọi thứ. Thật sự mình rất cảm phục cái ý chí của các bạn trẻ đó. Nhìn lại em mình, nghĩ mà buồn…”, Tùng nói tiếp.

Tựu trung lại, giữa thời buổi của khó khăn trong công việc; thời buổi của vật giá leo thang, thì đâu phải chỉ người trẻ mới phải gánh chịu những áp lực. Lúc nhỏ là chuyện học hành, có thể vô tư hồn nhiên. Lên cấp 2, cấp 3, bắt đầu lo toan hơn với những kỳ thi, những môn học không được… giỏi. Rồi đại học, với áp lực đủ mọi thứ tiền. Năm cuối, áp lực nghề nghiệp khi ra trường. Rồi lập gia đình, rồi chăm ba lo mẹ… Nói không ngoa, càng lớn càng nhiều áp lực.

“Ai cũng có áp lực mà. Mình nghĩ đơn giản, mình gây ra thì mình có trách nhiệm phải tự giải quyết hậu quả, chứ trút cái gánh nặng cho người khác rồi kêu vậy là đã thoát được cái cảnh áp lực, có cuộc sống nhẹ nhàng này nọ. Xong tự huyễn hoặc lên là chính mình giải toả áp lực. Đó chỉ là chuyển áp lực thì người này sang người khác mà thôi”…

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì đâu dân Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có phần bị kỳ thị?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bên bàn cà phê cuối tuần: câu chuyện học thuật

Phan Thanh Hung

VNTB – Nước đến chân và còn có chỗ để mà nhảy là tốt lắm rồi…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.