Bình Minh
(VNTB) – Đừng ảo tưởng sức mạnh của quyền lực báo chí…
Bạn đọc viết
Một người bạn là nhân viên lâu năm của một cơ sở sản xuất chia sẻ với tôi rằng, một ngày đẹp trời, có một người tự nhận mình là phóng viên, đang đi ghi nhận về một đề tài có liên quan đến công việc của người bạn mình đang làm.
Theo thông lệ, người bạn của tôi phải liên hệ với chủ cơ sở, nếu ông ta đồng ý thì mới có thể trả lời phỏng vấn, dù chỉ là phỏng vấn viết tay. Và rồi, ông chủ đồng ý.
Sau một khoảng thời gian chia sẻ, người phóng viên ấy xin được phỏng vấn chủ cơ sở sản xuất, vì lý do đó là yêu cầu đến từ phía, tạm gọi là “khách hàng”. Ông chủ không đồng ý.
Có thể nói, vấn đề bạn tôi gặp cũng không nhiều nhưng cũng không thuộc thể loại thiểu số. Bởi, thực tế, nhiều người mắc cái bệnh “ảo tưởng sức mạnh”, ảo tưởng cái thương hiệu mình đang làm việc rồi dùng thái độ, nói theo kiểu bình dân “ta đây” để giao tiếp với những người khác.
Nhưng họ quên mất một điều, dù là ở Việt Nam hay ở tận Hoa Kỳ, đều có quyền nhân thân, không thể buộc người ta phải này phải nọ.
Rồi người bạn tôi kể, cả người bạn ấy và chủ cơ sở đều biết rằng, việc từ chối như vậy, là làm khó cho phóng viên. Dù sao đi chăng nữa, đó cũng là một cái nghề. Biết rằng việc cất công đi xa mấy trăm cây số chỉ để thực hiện một hai bài viết là cực nhọc nhiều mà lại không thu hoạch được gì, thương nhiều lắm chứ.
Biết rằng, cậu phóng viên ấy nắm rõ luật, tính tình dễ thương, nhưng cũng đành bất lực. Nếu có trách, thì trách cái người gọi là “khách hàng”, là cái người “biên tập viên từ trên trời rơi xuống” đã cố tình làm khó người phóng viên trẻ tuổi.
“Mình biết là đang làm khó cậu phóng viên đó. Nhưng có những cái gọi là nguyên tắc nghề nghiệp. Và cái nguyên tắc đó, đâu phải cái gì cũng nói được. Chỉ trách, là trách cái người đòi hỏi quá nhiều đối với cậu phóng viên đó. Xin lỗi, nói thẳng, họ đòi này đòi nọ như vậy nhưng ngay cả bản thân họ, đi làm, có chắc làm được không? Cái thái độ khó ưa đó mà nói chuyện với tôi, tôi đuổi thẳng.
Tôi cũng có theo dõi trên mạng xã hội, cái thái độ gọi là “ông trời con” đó tôi thấy cũng không ít. Đơn cử một trường hợp mà tôi bắt gặp, “chúng tôi đã gọi liên hệ với chính phủ Việt Nam nhưng từ chối trả lời”. Ủa, anh là cái gì mà gọi là chúng tôi trả lời liền? Chúng tôi phải sắp xếp đại diện đứng ra trả lời chứ. Anh, chị phải tôn trọng người được phỏng vấn chứ. Dù là phóng viên, biên tập viên người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài đi chăng nữa, anh, chị cũng phải tôn trọng người ta. Đâu phải anh, chị muốn cái gì là được cái đó.
Hay đơn cử một trường hợp khác, tôi có chấp nhận trả lời nhưng đợi tôi một tí vì đang dở tay. Rồi phóng viên chia sẻ, xin thông cảm, xin được ghi nhận lúc tôi đang làm việc, vì đó là yêu cầu. Ủa, chị có công việc của chị. Tôi cũng có công việc của tôi. Tôi đã chấp nhận trả lời chị rồi. Chị còn đòi hỏi cái gì? Việc yêu cầu ghi nhận lúc đang làm việc là đang cản trở công việc của tôi. Từ đồng ý, tôi chuyển sang từ chối”, chủ cơ sở sản xuất nói trên bộc bạch bên bàn nước.
Tựu trung lại, “đối tượng đi tác nghiệp” hoặc “đối tượng ngồi bàn giấy với cái mác biên tập viên”, cho dù là thuộc một “tổ chức” tư nhân, một “tổ chức” có giấy phép hẳn hoi hoặc một “tổ chức” ở nước ngoài (nước ngoài tư nhân lẫn nước ngoài quốc gia) cũng không có cái quyền gọi là “ông trời con”, muốn làm gì thì làm, “được voi đòi Hai Bà Trưng”.
Một nguyên tắc đơn giản như vậy, nhưng có những người tự gắn cho mình cái mác phóng viên, ảo tưởng với cái mác biên tập viên lại hoàn toàn không biết…
1 comment
Bên ngành y tế có biểu tượng rắn ngậm phong bì, thì bên ngành báo chí cũng cần một biểu tượng tương tự: bút ngậm phong bì!