VNTB – Đầu tư nước ngoài: không chuẩn bị cho con người

VNTB – Đầu tư nước ngoài:  không chuẩn bị cho con người

Hiền Vương

(VNTB) – “Chúng ta chỉ chuẩn bị cho thu hút đầu tư mà không chuẩn bị cho con người. Đấy là ‘du thủ du thực’ về phương diện văn hóa công nghiệp. Trong tất cả câu chuyện đón lõng đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến yếu tố giáo dục con người”.

Ông Nguyễn Trần Bạt, người được báo Dân Trí phỏng vấn ở bài báo “Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Apple bỏ chọn Việt Nam là bài học rất đau xót”, đăng hôm 22-8-2020, đã có đoạn nhận xét như trên.

Phóng viên báo Dân Trí nêu câu hỏi: Điều kiện sống cho công nhân, tính bền vững trong cộng đồng, cơ sở vật chất hay yếu tố chuỗi liên kết là những điều doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến khi quyết định bỏ tiền vào Việt Nam, ông có cho rằng đây là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam khi thu hút những con đại bàng lớn với triết lý và văn hóa kinh doanh khác biệt?

Ông Nguyễn Trần Bạt, trả lời như sau:

“Chúng ta chỉ chuẩn bị cho thu hút đầu tư mà không chuẩn bị cho con người. Đấy là ‘du thủ du thực’ về phương diện văn hóa công nghiệp. Trong tất cả câu chuyện đón lõng đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến yếu tố giáo dục con người.

Chúng ta đừng quên rằng người ta cần tìm kiếm là con người có giáo dục, có năng lực nghề nghiệp. Việt Nam không đủ điều kiện để quyến rũ các công ty ồ ạt chạy vào, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ. Như trường hợp Apple, nguyên nhân thiếu chỗ ở cho công nhân thì không thể tiến hành sản xuất ở đây được là sự thật đáng buồn! Việc Apple bỏ đi không chọn Việt Nam cho thấy, chúng ta đã chưa thực sự chuẩn bị kỹ “tổ” để đón đại bàng. Nhất là về vấn đề con người”. (dừng trích)

Ông Nguyễn Trần Bạt, được báo Dân Trí giới thiệu là doanh nhân, nhà tư vấn, luật sư, người sáng lập Invest Consult Group, công ty tư vấn chuyên nghiệp về đầu tư tại Việt Nam. Từ năm 1975 đến 1984, ông Nguyễn Trần Bạt từng là quyền chủ nhiệm một bộ môn nghiên cứu khoa học tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Theo lý lịch khoa học, thì thân phụ của ông Nguyễn Trần Bạt là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước Cách mạng tháng Tám, nhưng vì ông nội và ông ngoại của ông Bạt là các địa chủ, nên thân phụ của ông đã bị tạm dừng sinh hoạt Đảng cho tới năm 1960.

Với những trích ngang lý lịch nói trên cho thấy ông Nguyễn Trần Bạt rất hiểu đâu là điểm yếu mang tính ‘căn cơ’ của trách cứ “Chúng ta đã không chuẩn bị cho con người”.

Bài phỏng vấn trên báo Dân Trí, có đoạn ông Nguyễn Trần Bạt kể:

“Những năm đầu tiên của đầu tư nước ngoài, tôi từng tham dự những lớp tập huấn của các giáo sư người Mỹ tại văn phòng Chính phủ. Có buổi một vị giáo sư hỏi một quan chức cấp Thứ trưởng của Việt Nam: “Trâu bò ở nước các anh thuộc tài sản cố định hay lưu động?”. Vị thứ trưởng trả lời tỉnh bơ là “tài sản lưu động vì nó đi lại và dịch chuyển được”!

Có những lúc ngớ ngẩn như vậy mà chúng ta còn mở cửa và thu hút được các doanh nghiệp FDI thì nay chúng ta đã khác rồi, tại sao không kéo họ vào được. Người đòi hỏi chúng ta mở cửa khôn hơn chúng ta nhiều, họ đặt tiền cho chúng ta rồi, họ cần chúng ta làm thật, nghĩ thật. Chúng ta dốt cũng được nhưng phải thật!”.

Ban biên tập báo Dân Trí có rào trước đón sau rằng chỉ “xin trích đăng cuộc trò chuyện” với ông Nguyễn Trần Bạt. Như vậy, với việc bỏ lửng đoạn tiếp theo mà người đọc không khó để suy diễn, là có phải giờ đã là giai đoạn mà Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận thương mại FTA thế hệ mới, thì các nhà đầu tư ngoại quốc cần những lãnh đạo cấp cao của Việt Nam phải “nói được – làm được” bằng cụ thể luật pháp, chứ không phải là các nghị quyết duy ý chí giai cấp.

Người viết bài này còn nhớ là chỉ thời gian ngắn sau khi Việt Nam mở cửa mời gọi đầu tư ngoại quốc, khi bắt đầu thu hút kha khá doanh nghiệp vào Việt Nam làm ăn, thì bất ngờ Việt Nam đưa ra yêu cầu là “thí điểm thành lập tổ chức Đảng” trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Dĩ nhiên là vấp phản ứng, vì đơn giản thôi, thời gian lao động khép kín, chẳng còn quỹ thời gian nào để dành cho chuyện “sinh hoạt chi bộ”. Hơn nữa, việc có thêm một hội đoàn chính trị trong môi trường sản xuất, kinh doanh của đồng vốn tư bản, là những khiên cưỡng.

Người viết cho rằng với sự dũng cảm thật sự của ban biên tập báo Dân Trí khi cho duyệt đăng nhận xét sau đây của ông Nguyễn Trần Bạt: “Hy vọng các công ty Mỹ từ Trung Quốc chạy về Việt Nam là không thực tế. Chúng ta thấy công ty Mỹ ở đây đa số chỉ có văn phòng đại diện, số công ty Mỹ hoạt động thật ở Việt Nam chỉ có vài doanh nghiệp trong khi doanh số của Mỹ ở khu vực châu Á rất lớn. Thực tế này buộc Việt Nam phải tự đặt câu hỏi cho mình và tự giải đáp”, thì phía Đảng – Nhà nước Việt Nam cần tử tế nhìn lại mình, tránh ảo tưởng “mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam”, để có thể đưa ra những quyết sách thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

___________________

Chú thích:

Tham khảo bài báo tại https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chuyen-gia-nguyen-tran-bat-apple-bo-chon-viet-nam-la-bai-hoc-rat-dau-xot-20200822072610977.htm

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (4)
  • comment-avatar
    Minh Tangtuyet 4 years

    Nói “đầu tư nước ngoài” nghe thật xót xa…xấu hổ…trong thực tế Việt Nam đang thực hiện phương án “xuất khẩu lao động tại chỗ”…người Việt Nam hiện phải chịu “một cổ hai tròng”, một là bọn công an khu vực, hai là bọn chủ thuê lao động (thường là bọn Tàu)…ai muốn sống được phải lấy lòng cả “hai tròng” đó…

  • comment-avatar
    Tha Nguyen 4 years

    Người lao động từ dưới ruộng mới bước lên bờ đưa vào nhà máy xí ngiệp thì gọi là công nhân . Không đào tạo tay nghề , không thay đổi phong cách làm việc thì làm sao đáp ứng cũa một nền công ngiệp hiện đại cho được . Nếu chỉ cần sức lực thì họ sẽ qua Châu Phi để đầu tư chứ cần gì tới Việt Nam .

  • comment-avatar
    Nhâm Phi Cường 4 years

    điều kiện của Apple sao lại giống mục tiêu của XHCN thế có khác chăng chỉ là cái cụ thể với cái bánh trên TV

  • comment-avatar
    HA Long Lac 4 years

    Cứ nói thật,nói đúng không khéo lại bị cho là phản động,không yêu nước.Thuốc đắng giã tật,có người nói lên để mà sửa là còn phúc đấy.