(VNTB) – Không chỉ đổ lỗi cho gia đình, ông bộ trưởng còn đổ lỗi cho học sinh khi nói về tình trạng bắt nạt trực tuyến, khủng bố tâm lý trên mạng xã hội.
Hồi cuối tháng 9, một phiên họp quốc hội trẻ em đã được tổ chức cho 306 học sinh đến từ 63 tỉnh thành trong cả nước. Đây được giới thiệu là phiên họp giả định để chất vấn lãnh đạo nhà nước về các vấn đề mà học sinh gặp phải trong trường học. Quốc hội trẻ em này cũng có chủ tịch quốc hội và các đại biểu như là quốc hội Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý là các em học sinh được chuẩn bị sẵn câu trả lời, đứng lên và đọc như các đại biểu quốc hội vẫn làm có sự tham gia của Tổng thư ký quốc hội Bùi Văn Cường, bí thư trung ương đoàn Bùi Quang Huy, như là những giám thị ngồi dự giờ trong các buổi học của học sinh.
Việt Nam cho rằng phiên họp giả định này sẽ giúp học sinh làm quen với việc đưa ra ý kiến, ghi nhận các quan điểm của trẻ để có những giải pháp thiết thực. Nhưng thật ra nhìn vào cách tổ chức, đọc câu hỏi soạn sẵn thì có thể thấy đây là một cách huấn luyện học sinh quen với việc làm bù nhìn của các đại biểu quốc hội Việt Nam hiện nay.
Thật vậy, quốc hội Việt Nam hiện nay hầu như chỉ là bù nhìn cho trung ương đảng và bộ chính trị. Bất cứ điều luật hay quyết định gì thì bộ chính trị chốt xong rồi qua trung ương đảng cộng sản, cuối cùng mới đem ra cho quốc hội “bỏ phiếu thông qua” cho đúng quy trình. Bày ra cho người dân thấy rằng có dân chủ công khai nhưng thật ra quốc hội chẳng có quyền hành gì. Ví dụ dễ thấy nhất là chức danh chủ tịch nước, bộ chính trị chốt xong, cả nước biết rồi thì quốc hội mới được bầu.
Giờ đây, “quốc hội cha” bắt đầu truyền lại kinh nghiệm cho “quốc hội con”. Chứng tỏ Việt Nam muốn duy trì bức bình phong quốc hội thêm nhiều thế hệ nữa. Cũng không loại trừ trường hợp những đại biểu trẻ em này chính là con cái của các quan chức , đang từng bước dọn đường theo kiểu cha truyền con nối.
Quay lại, buổi họp quốc hội trẻ em này có sự tham dự của bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Đứng trước 306 đại biểu nhí, ông bộ trưởng cho rằng không có bạo lực gia đình sẽ góp phần giảm bạo lực học đường. “Nếu các gia đình không có bạo lực gia đình thì cũng góp phần giảm đi rất nhiều bạo lực học đường.
Thực tế cho thấy tỉ lệ rất lớn các em có hành vi bạo hành với bạn, phần lớn trong đó có đời sống gia đình không hạnh phúc. Việc chứng kiến bạo lực trong gia đình giữa bố mẹ, sự không hạnh phúc của cha mẹ là nguyên nhân rất lớn khiến các em tổn hại tâm sinh lý” Nguyễn Kim Sơn nói.
Như vậy, ông Sơn phủi bỏ trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và bộ giáo dục, đổ lỗi cho gia đình, cha mẹ. Trong khi bạo lực học đường xảy ra ở trường học, với lực lượng giáo viên, bảo vệ, và mỗi lớp có hàng chục học sinh nhưng sao không ai can thiệp, không có hướng giải quyết mà năm nào cũng có thậm chí năm sau nhiều hơn năm trước?
Với cách giảng dạy đầy bạo lực (cả bạo lực ngôn ngữ, bạo lực tinh thần và bạo lực thân thể) của giáo viên. Kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác trong 50 năm làm giáo dục, xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Chính họ đào tạo ra thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái từ 1975 tới nay chứ ai mà họ lại đổ lỗi.
Đứng trước học sinh mà vẫn lươn lẹo, đổ thừa đổ lỗi, không dám chịu trách nhiệm như vậy thì sao có thể làm gương cho các đại biểu tương lai? Chẳng lẽ dạy các em sau này cũng trả lời lươn lẹo, lấp liếm cho qua chuyện như vậy sao?
Không chỉ đổ lỗi cho gia đình, ông bộ trưởng còn đổ lỗi cho học sinh khi nói về tình trạng bắt nạt trực tuyến, khủng bố tâm lý trên mạng xã hội. Ông Sơn nói: “Nếu các em có kỹ năng, biết chọn lọc thông tin từ mạng xã hội, bày tỏ chính kiến của mình thì không có chỗ cho việc ảnh hưởng cái xấu độc của mạng xã hội đến với mình. Trong đó, sự tu dưỡng của bản thân, sự chia sẻ tình yêu thương, các kỹ năng, thái độ là những điều rất quan trọng mà các em cần làm”.
Trách nhiệm quản lý xã hội của nhà nước, trách nhiệm của trường học, bộ giáo dục ở đâu khi đổ hết mọi tội lỗi lên cho học sinh và gia đình như vậy? Nói chuyện với học sinh mà còn không đủ bản lĩnh nhận trách nhiệm thì mới thấy sự hèn nhát, xảo trá của ông bộ trưởng. Chính vì những lãnh đạo kiểu này mà giáo dục Việt Nam năm nào cũng cải cách nhưng suốt 50 năm qua chỉ đi thụt lùi chứ không tiến lên nổi là vậy!