Định Tường
(VNTB) – Tính đến hiện tại thì Trung Quốc đang là ứng viên sáng giá của Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.
Khẩn trương hoàn thiện đề án, trình Thường trực Chính phủ, trình Bộ Chính trị trong tháng 3 năm 2024. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm 2024.
Những kết luận ban đầu
Ngày 19-2-2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 57/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo đó sẽ trình Bộ Chính trị đề án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trong tháng 3 này. Trước đó trong Thông báo số 502/TB-VPCP, phát hành ngày 4-12-2023 của Văn phòng Chính phủ đã nêu “Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam”.
Ở kết luận trên cho biết, “Về kịch bản phát triển: cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế – xã hội nước ta, kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục “xương sống” theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có”.
Còn ở thông báo số 57/TB_VPCP hôm 19-2, cho biết về việc nghiên cứu mở rộng phạm vi thêm đoạn tuyến Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ; trong đó về hướng tuyến, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, rà soát kỹ hướng tuyến để bảo đảm hướng tuyến thẳng nhất có thể, đồng thời tạo không gian mới. Nghiên cứu thêm việc giảm số lượng ga để giảm chi phí.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu thành lập Tổ công tác triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm tổ trưởng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải làm tổ phó. Tổ công tác có quy chế làm việc, dự kiến 1 tháng họp 1 lần để kịp thời xử lý, thúc đẩy công tác chuẩn bị, thực hiện dự án.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ kinh nghiệm trong ngành đường sắt về nhiều phương án để lựa chọn một phương án tối ưu trình Bộ Chính trị.
Bộ Giao thông Vận tải cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương làm việc với phía Trung Quốc để thống nhất biên bản ghi nhớ, phương án hỗ trợ, hợp tác đầu tư về 3 tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng, Hạ Long – Móng Cái (tuyến đường sắt ven biển Nam Định – Thái Bình – Quảng Ninh kéo dài). Trước mắt cần tập trung đầu tư các tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (phấn đấu khởi công trong năm 2025), nghiên cứu phương án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài và phương án phát hành trái phiếu để đầu tư.
Ngoài ra còn có yêu cầu sớm khởi động lại để triển khai đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Trước đó, tại Kết luận số 49-KL/TW, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc – Nam, các hành lang vận tải chính Đông – Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Về các mục tiêu cụ thể, Bộ Chính trị xác định đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 – 2030 (Hà Nội – Vinh, TP.HCM – Nha Trang), phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trước năm 2045.
Ứng viên sáng giá: Trung Quốc
Trong diễn biến liên quan, ở khuôn khổ Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường, tại Trung Quốc, chiều 19-10 năm ngoái Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với ông Bạch Ngọc Chiến, giám đốc Tổng công ty Xây dựng cảng Trung Quốc (CHEC), kiêm đại diện Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC). Ông Bạch Ngọc Chiến cho biết trong thời gian tới tập đoàn mong muốn được tham gia các chương trình, dự án phát triển hạ tầng lớn ở Việt Nam như: Kế hoạch phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam; đầu tư, thi công các dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương mở rộng, TP.HCM – Mộc Bài, Đồng Đăng – Trà Lĩnh và các dự án phát triển điện gió.
Tính đến hiện tại thì Trung Quốc đang là ứng viên sáng giá của Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với “bề dày thành tích” được ghi nhận mặc dù bắt đầu chậm hơn so với các nước phát triển khác ít nhất 40 năm, nhưng ngành đường sắt cao tốc Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng. Đến năm 2023, chiều dài hệ thống này đã vượt 42.000 km, chiếm hơn 70% tổng số km đường sắt cao tốc trên toàn thế giới.
Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban Quản lý dự án Đường sắt là chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai và kết nối với Trung Quốc. Chủ đầu tư được quyền lựa chọn tư vấn lập báo cáo theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện từ nay tới năm 2025. Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế qua Trung Quốc; đảm bảo trung chuyển thuận tiện với các phương thức vận tải khác.
Tuy nhiên cái băn khoăn lớn nhất ở đây đối với Việt Nam khi đón nhận nhà đầu tư Trung Quốc là “bẫy nợ”. Điều này làm giảm năng lực trả nợ của dự án. Khi không trả được nợ, Trung Quốc sẽ đề nghị chính phủ sở tại tiếp quản toàn bộ cơ sở hạ tầng đó để “trừ nợ”, hoặc trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận các tài nguyên khác.
Câu trả lời cuối cùng là… chờ đợi quyết đoán mạnh mẽ từ Bộ Chính trị về cân nhắc toàn diện thiệt – hơn của vấn đề liên quan yếu tố “nhạy cảm chính trị” mang dáng dấp Trung Quốc này.