Việt Nam Thời Báo

VNTB – Để học thật thì cần phải… dạy thật

Mai Lan

 

(VNTB) – Để có thể “học thật, thi thật, nhân tài thật”, thì cũng cần đến “dạy thật”.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu đánh giá tổng thể, toàn diện, thẳng thắn về tình hình thực hiện, kết quả thành tựu, mặt chưa được để rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải pháp.

Theo tường thuật của báo chí, về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề, đổi mới tư duy quản lý, tư duy giáo dục, chủ động, tích cực, sáng tạo, bám sát các nghị quyết, Luật giáo dục. Tự lực, tự cường vươn lên từ nội lực, không trông chờ ai làm thay. Làm việc thực chất, chống bệnh hình thức, tránh phô trương, không chủ quan, thỏa mãn.

Cách đây 25 năm giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phạm Việt Hưng đã có những bài báo phân tích lối dạy toán và học toán của thời đó là một sự nguy hại đánh mất tư duy của học sinh; biến học sinh thành những thợ giải toán chứ không phải học toán để có óc suy luận, phân tích. Nhưng sau 25 năm cách dạy ấy có vẻ như chưa thay đổi nhiều.

Đó phải chăng là cách dạy ‘không thật’, bởi dạy không nhằm đến việc ‘học để biết ứng dụng’, mà là chỉ nhằm để giải toán cho điểm số thật cao ở các kỳ thi cử.

Người thầy khó thể ‘dạy thật’ cho học trò phổ thông, vì chính những người thầy này lúc còn ở giảng đường đại học, chính họ cũng không được tiếp nhận những kiến thức của sự tự do học thuật, nên với ‘kiến thức đóng khung’, đến lượt mình, họ cũng chỉ được quyền truyền đạt lại cho các thế hệ học trò những nội dung được ‘phê duyệt’ của chương trình hàng năm.

Một thầy giáo dạy văn cấp 3 xuất thân từ khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp, chứ không phải từ trường sư phạm, nói rằng hồi ông được giáo sư Hoàng Như Mai bình giảng về thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan và cả thơ Tố Hữu, ông rất thấm thía việc giáo sư Hoàng Như Mai chia sẻ, rằng người lính cầm súng không mấy ai luôn có Đảng, có Bác Hồ trong trái tim như Tố Hữu – mà người lính chiến đấu với mong mỏi mau hết chiến tranh để họ có thể trở về nhà, nơi mà họ cứ “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” như Quang Dũng, hay Hữu Loan tức tưởi với “Màu tím hoa sim” để khóc người vợ hiền Lê Đỗ Thị Ninh bé bỏng chiều quê, Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương…

“Tôi muốn chia sẻ những bi thương ấy của chiến tranh ở thơ Quang Dũng, thơ Hữu Loan trong tiết văn học sử cách mạng lắm chứ. Tôi muốn nói với học trò của mình, rằng “Màu tím hoa sim” mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc Việt về chiến tranh, về những bi kịch trong ý thức hệ… Điều đó lý giải vì sao bài “Màu tím hoa sim” ngay từ khi đất nước còn bị chia cắt, đã được độc giả cả hai miền Bắc-Nam cùng yêu thích…

Tôi rất muốn nói với học trò mình rằng nếu mai này các em yêu thương ai đó, các em hãy yêu bằng trọn vẹn trái tim, đừng bắt chước Tố Hữu nịnh nọt trơ trẽn, Trái tim anh đó/ Rất chân thật, chia ba phần tươi đỏ:/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ, và phần để em yêu…

Thế nhưng tôi biết mình không được cái quyền ấy, vì thơ văn cách mạng luôn mặc định như Tố Hữu tụng ca kiểu “Chào Xuân 67”, Cám ơn Đảng đã cho ta dòng sữa/ Bốn nghìn năm chan chứa ân tình…” – ông thầy giáo tự sự chuyện mấy mươi năm qua ông đã không được quyền ‘dạy thật’ về văn chương.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người Việt… vẫn xấu xí?

Phan Thanh Hung

VNTB – Học phí đại học tăng: thêm gánh nặng cho các bậc phụ huynh

Trương Thế Tử

VNTB- Nghỉ vì dịch bệnh phải theo quy định hành chính của bộ giáo dục

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.