Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đêm nghe Ca Trù trên đường phố Hà Nội

Trần Gia Huấn
(VNTB) – Lời người dịch: Truyền thông Mỹ gần đây rất quan tâm tới Việt Nam. Họ mổ xẻ từng tô phở, từng ly cà phê, từ việc Cụ Rùa đã quá cố nhưng vẫn bóp chết King Kong tới việc quốc gia đại sự. Chẳng có chi tiết nào họ bỏ rơi. Tôi dịch bài này trên CNN ngày 20/4/2017 tác giả Dan Tham, và tự hỏi: Sao người Việt lại đổ xô coi phim Hàn, thần tượng sao Hàn, mà quay lưng lại một di sản bất hủ của cha ông.


Tối Chủ Nhật, tại khu phố cổ Hà Nội.

Tôi nghe tiếng gầm gừ của xe gắn máy, tiếng rao của người bán rong, tiếng lách cách của máy chụp hình mà du khách đang cố vươn ra để chộp bắt những khoảnh khắc náo nhiệt.
 
Nhưng nếu bạn lang thang ở phố Hàng Bạc, có một thứ âm thanh khác rót vào tai bạn. Thứ âm thanh tao nhã của Ca Trù- một trong những bộ môn âm nhạc cao siêu, quý phái nhất của Việt Nam mà bạn không thể nào lờ nó đi được. Một lối hát thơ truyền thống đã ngàn năm tuổi.

Cứ nghe ca trù đi rồi bạn sẽ hiểu tại sao vào năm 2009, UNESCO đã vinh danh ca trù là “Di sản Văn hóa phi Vật thể” cần phải được bảo vệ cẩn trọng.

Nhưng thật đắng cay, những ca nương đang lão hóa, còn thế hệ trẻ có mấy ai để ý tới nó. Hình như, ca trù đang bên bờ của sự diệt vong. Còn chút may mắn, có vài người vẫn miệt mài để hồi sinh laị một mảng văn hóa cao quý này.

Barley Norton, người giảng dậy khoa âm nhạc dân tộc tại Đại học Goldsmiths,  London, đã đến với ca trù lần đầu tiên vào năm 1994 kể với CNN rằng: “Tôi nghĩ  ca trù rất thi vị, nghe có vẻ hơi lạ với những ai chưa từng biết nó. Nhưng khi bạn đã quen tiết tấu của âm nhạc, quen với phong cách của âm lượng, ca trù trở nên vô cùng quyến rũ.”

Chỉ có giọng nữ với âm lượng phong phú và đầy kịch tính với hát nổi ca trù.  Những bài hát thường về tình yêu, về vẻ đẹp huyền ảo của Hồ Tây, của Hà Nội.

Thoạt đầu, ca trù là nơi chốn đi về của đám tao nhân mặc khách, của giới thượng  lưu giàu có, chơi sang mà độc đáo, chơi ngông nhưng tinh tế. Nhưng dần dần, ca trù vươn ra những quán xá bình dân quanh Hà Nội.

Số phận của của ca trù có thể được ví như lịch sử đau thương của môn geisha, Nhật Bản. Cả hai cùng là thể loại thưởng ngoạn của giới phong lưu. Nhưng cả hai cùng chịu chung số phận bị bôi nhọ, bị tai tiếng, bị ghẻ lạnh và bị ruồng bỏ.

Trước đây, ca trù bị coi là đĩ điếm, bẩn thỉu, tàn dư của bọn thực dân, phong kiến. Tiếp theo là những cuộc chiến tranh liên miên góp phần dìm chết ca trù.

Norton nói: Nhiều nhà quản lý văn hóa trước đây rất hà khắc với ca trù. Đến nay, chính họ đã trở thành những người tích cực làm hồi sinh lại ca trù một nét đặc thù của văn hóa Việt Nam.

Ba thập kỷ qua, ca trù đang từ từ hồi sinh. Cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền, của những nhạc sỹ, nhạc công, của nhưng ca nương, kép đàn tâm huyết như Bạch Vân.

Vân mặc chiếc áo dài màu huyết dụ. Bà là ca nương ở tuổi 60, một trong những nghệ sỹ biểu diễn ca trù nổi tiếng của Việt Nam. Bà đã hát hơn ba mươi năm nay, bắt đầu từ Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội năm 1991 tới công chúng toàn quốc. Vân vẫn biểu diễn mỗi tối Chủ Nhật tại Đình Kim Ngân.

Khi Vân cất tiếng, âm thanh như ùa vào đổ kín không gian. Luyến láy, hơi thở, độ rung hòa trộn cùng tiếng phách, tiếng đàn tạo lên những giai điệu huyền ảo, đam mê. Tiếng hát của bà nghe có lúc như tiếng hú tiếng hét ghê rợn vút lên, rồi có khi lại là tiếng lòng ai oán, rên rỉ, não nùng, phiền muộn. Khi đạt tới cao trào, giọng của bà ào ào như sóng biển, đập vào bờ, vụt vỡ tung ra muôn vàn tinh thể long lanh.  

Có khoảng 56 làn điệu đã được tìm thấy trong ca trù. “Nó không theo nhịp điệu cố định, bởi vậy nó rất uyển chuyển.”

Trong lúc ca nương trình diễn, tay gõ phách giữ nhịp. Vân kể: Bà có thể gõ phách trước, trong và cả sau khi hát, luật gõ phách được quy định nghiêm ngặt.

Có hai nhạc cụ kèm theo để hòa âm là cây đàn đáy và trống chầu. Đàn đáy có ba dây, cần đàn dài, có lẽ là loại đàn dây dài nhất thế giới, khoảng gần một mét rưỡi. 

Khán giả hay còn gọi là quan viên làm nhiệm vụ đánh trống chầu để tán thưởng ngợi khen, hay chê trách kỹ năng biểu diễn của ca nương. Ngày nay, trống chầu được chơi bởi kép đàn để tạo ra một hợp âm nghịch khoét sâu vào khổ thơ mà ca nương đang hát.

Không có sách giáo khoa. Không có truờng huấn luyên. Quá trình đào tạo chỉ bằng cách truyền miệng từ ca nương qua học trò mà Vân đã từng khổ luyện hết mười năm.

Học trò phải học thuộc và trình diễn nhuần nhuyễn một trăm bài qua những thể cách khác nhau trước khi thầy cho phép trình diễn trước công chúng.

Sau buổi trình diễn đêm Chủ Nhật, chỉ có bốn khán giả, Vân nói lên một sự thật đắng cay. Ca trù đang đến ngày gần đất xa trời.


Calgary, Canada, ngày 22 tháng 4 năm 2017

Tin bài liên quan:

VNTB – Lương tâm tôi trong sạch

Phan Thanh Hung

VNTB- Ngọn hải đăng đã tắt

Phan Thanh Hung

VNTB- Điểm phim: The Vietnam War

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo