Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đến với Đảo Trường Sa (Bài 3) – Đảo chìm Cô lin và những điều chưa biết…

Vũ Kim Hạnh 

 

Sau 48 giờ vượt biển, điểm đến đầu tiên là đảo chìm Cô Lin. Đảo nhỏ, phải tiếp cận bằng xuống. Mỗi chiếc xuồng chở được tối đa 12 người, mà phải vận chuyển hơn 200 người lên đảo, nên những chiếc xuồng đầu tiên đã khởi hành từ rất sớm.

Ghi nhận đầu tiên của tôi. Nước biển trong, nhìn thấu đáy. Đá sỏi và san hô rõ mồn một. Nước trong đến nỗi tôi phân vân không chọn được một từ nào diễn tả được độ trong đến kinh ngạc của nước biển (Trong veo? Trong vắt? Không, đều chưa đúng độ trong). Một anh bộ đội kể. Từ ngày 15/3 năm ngoái đến nay mới có đoàn khách này lên đảo. Đảo vắng, không có dân…

Và một điều anh quên nói. Đảo chỉ cách Gạc Ma có 1,9 hải lý (tức chừng 3,5 km về phía tây bắc, gần quá, đứng trên Colin, thấy và chụp ảnh được Gac Ma đang bị nó chiếm trái phép).

Đảo là đảo chìm. Hôm nay nước không lớn, sóng lặng biển êm, nước không ngập cầu cảng, đi đứng dễ dàng. Đảo vừa xây thêm nhà văn hóa nối với đảo chính bằng một cây cầu dài. Qua chiếc cầu là đến đảo chính.

XÚC ĐỘNG MẠNH TỪ ĐIỀU BÌNH DỊ NHẤT

Hai khu vực gây xúc động nhất là mảnh vườn trồng rau xanh nhỏ xíu và căn phòng thờ cũng nhỏ trên tầng cao của đảo. Không thể hình dung miếng vườn nhỏ xíu trồng rau xanh chủ yếu để tăng gia mà lại mượt xanh và phong phú đến thế. Khoai lang, giàn bầu, mồng tơi, rau húng…Tôi bốc lên một nắm đất trồng rau từ đất liền gửi ra, thấy đất ấm lạ. Đất của mình đây, đang nuôi bộ đội từng ngày…

Tôi đến thắp nhang trước đức Thánh Trần. Tượng gỗ ghi: Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương. Đôi mắt ngài nghiêm nghị.

Một chi tiết ngộ nghĩnh, trong xấp tiền (vàng mã) cúng ngài, có cả một xấp giấy …100 đô la Mỹ.

Cũng ở tầng cao nhất là mấy dàn những tấm quang năng điện mặt trời. Cô Lin nằm ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, một năm có tới 300 ngày nắng gắt. Tôi đi dưới cái nắng nổ đầu của Cô Lin, nghĩ về cuộc sống cực kỳ khắc nghiệt của lính đảo ở đây. Quá gần Gạc Ma. Có 3 khối gió mùa Đông Bắc, Tây Nam và Tây Bắc dập dồn thay nhau, hơi nước từ biển luôn “uy hiếp” cả thiết bị lẫn vũ khí. Vắng vẻ và khắc nghiệt. Chỉ có nắng và gió. Nóng kinh hoàng.

Tôi nhìn một dãy những vật thể đen trên biển và hỏi anh bộ đội. Đó là những thuyền cá phải không? Anh ấy lắc đầu. Đó là những tấm bia cho bộ đội tập bắn. Tập thể lực , rèn sức chiến đầu. Tôi nhớ lại một góc tư liệu tôi đã tìm đọc hôm trước khi đi, và lòng ngạc nhiên tự hỏi, sao không thấy ai gọi Cô Lin là một đảo nhỏ rất anh hùng?

KHÔNG THỂ KHÔNG NHẮC CUỘC GIỮ ĐẢO CÔ LIN ANH HÙNG.

Vào tối 21/4/2023, buổi tối thứ hai khi tàu KN-290 vẫn lênh đênh giữa trùng khơi, cuộc tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trên đảo Gạc Ma diễn ra. Sáng sớm mai, đoàn sẽ đặt chân lên (đảo) đá chìm Cô Lin.

Sự kiện CQ-88 (tức Trường Sa – 1988, nghĩa là “chủ quyền 1988) cưỡng chiếm Gac Ma không phải là trận hải chiến. Thực chất đó là cuộc tàn sát trên biển. Một bên là hải quân Trung quốc, một bên là những người lính chính nghĩa hải quân Việt Nam đang thực thi pháp luật chủ quyền trên biển, đảo của Việt Nam. Họ bất ngờ bị hải quân Trung Quốc đem tàu đến gây hấn và nã đạn, chiếm đảo sau “cuộc tàn sát đẫm máu”. 35 năm, nỗi đau Gạc Ma luôn khắc sâu trong tim người dân Việt.

Đầu tháng 3-1988, sau khi chiếm giữ trái phép 5 đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa, TQ muốn chiếm luôn Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao nhằm kiểm soát cả khu vực.

Thấy quân TQ rầm rộ mang 12 tàu chiến, pháo lớn, tiến về Gạc Ma, lúc 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho 3 thuyền trưởng giữ vững 3 đảo, chỉ huy bộ đội thả xuồng, chuyển vật liệu làm nhà lên đảo ngay trong đêm để xác định chủ quyền. Lúc 6 giờ sáng 14/3, quân TQ tấn công. Chiến sĩ  ta kháng cự đến cùng song với quân lính và vũ khí áp đảo, chúng đã chiếm đảo Gạc Ma. Từ đó đến nay, thi thể 64 chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma chìm xuống biển sâu vẫn năm lại giữa biển.

Khoảnh khắc Gạc Ma rơi vào tay giặc là lúc cuộc chiến anh hùng giữ đảo Cô Lin lập tức diễn ra.

Sau khi tàu HQ 604 đóng ở Gạc Ma bị bắn chìm, hai tàu chiến Trung quốc quay súng sang tấn công tàu HQ 505 (được phân công giữ đảo Cô Lin). Toàn bộ mạn phải tàu 505 bị đạn pháo TQ bắn cháy và bị thủng; phòng truyền thông tin. phía boong bốc cháy dữ dội, một số cán bộ chiến sĩ đã bị thương. Thuyền trưởng đại tá Vũ Huy Lễ ra 2 quyết định cùng lúc. Ông lệnh cho 5 cán bộ, chiến sĩ hạ xuồng cứu sinh (loại lớn) sang Gạc Ma tìm kiếm. Đến 12 giờ cùng ngày, xuồng quay về với 44 chiến sĩ Gạc Ma, trong đó 5 người đã hy sinh, và tất cả đều bị thương. Và để giữ đảo Cô Lin, thuyền trưởng Lễ đã quyết định lùi tàu HQ 505 ra xa rồi mở hết tốc lực lao lên đảo Cô Lin dưới lưới đạn khủng khiếp của TQ điên cuồng cày xới mặt biển. Đó là lúc 8 giờ 45 phút sáng ngày 14-3-1988, 35 năm trước.

Con tàu 505 vừa đi cứu đồng đội bị tàn sát trên đảo Gạc Ma, vừa lao thẳng lên đảo Cô Lin khi đang cháy, dưới lưới đạn khủng khiếp để xác lập “pháo đài” và “cột mốc sống” của chủ quyền Việt Nam, chính là thể hiện sự dũng cảm phi thường. Không có một tia hi vọng nào về sự sống sót, song họ sẵn sàng đổi mạng sống mình trong thế yếu kém hơn về quân số và vũ khí để giữ cho được chủ quyền một mảnh đất nhỏ của mình, giữa biển.

Quá anh hùng đi chứ?

Kết luận bài rồi, mà tôi vẫn thấy phải viết thêm…

PS 1. Khi hình dung chiếc tàu cháy 505 băng mình dưới đạn lao lên đảo, tôi bỗng nhớ đến một đoạn tư liệu cũ rất…lan quyên. Ba năm trước, ngày 19/5 (là ngày gì, bạn nhớ không?) Sở TN&MT TP Đà Nẵng phải rà soát việc doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê đất của UBND TP tại các vị trí ven biển. Bởi vì ngay trước đó, cử tri Đà Nẵng chất vấn và, Bộ Quốc phòng cho biết: Tại Đà Nẵng ngoài các cá nhân, có 7 doanh nghiệp “có yếu tố” Trung Quốc đã và đang sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm (Danh sách bảng phong thần dài lắm, dài hơn độ dài nguyên bài viết này nên tôi cắt)…

Chúng ta biết, theo Luật Đất đai 2013, quy định không giao đất, cho thuê đất cho cá nhân người nước ngoài; người nước ngoài không được nhận quyền sử dụng đất của ta. Và một lý lẽ thường được nêu: Các luật khác liên quan (luật đầu tư, luật nhà ở…) thường thiếu thống nhất và chặt chẽ với luật đất đai. Thế mới sinh ra cái sự… báo chí và dư luận thắc mắc mà…“không có lửa làm sao có khói?”

Thật cay đắng phải không, khi chiến sĩ ta đổ máu giữ từng hòn đảo nhỏ để xác lập chủ quyền giữa biển khơi mịt mùng, đơn độc, xa xôi, thì hàng chục, hàng trăm hecta đất đai dọc biển, dọc phi trường lại được TQ sở hữu và sử dụng theo kiểu…chờ…rà soát?

PS 2. Đó là chưa kể, một ngày sau chuyến đi trọn tuần (hoàn toàn mù mịt thông tin trong ngoài nước) tôi về nhà,  lại đọc thấy một tin khá trớ trêu: Nước Mỹ cấm công dân 4 nước (Trung Quốc, Iran, Bắc Hàn và Nga) mua đất nông nghiệp ở bang Texas theo dự luật 147 đã được các nhà lập pháp bang thông qua ngày 27-4. Luật cấm mua bán những vùng đất mà quyền sở hữu nước ngoài sẽ gây ra mối đe dọa vượt quá giới hạn cho phép, chẳng hạn các khu vực nông nghiệp, dầu mỏ, gỗ và khoáng sản.


 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Trung Quốc, Philippines leo thang đối đầu ở Trường Sa

Do Van Tien

VNTB – Đối mặt với bá quyền Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo ASEAN có ‘đoàn kết’?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trung Quốc: vừa ăn cướp vừa la làng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.