VNTB – Đến với Đảo Trường Sa – Một cú sửa lưng từ lính đảo ( Bài 2)

VNTB – Đến với Đảo Trường Sa – Một cú sửa lưng từ lính đảo ( Bài 2)

 

Vũ Kim Hạnh

 

(VNTB) – Địch nó không bao giờ từ bỏ dã tâm, mưu đồ thôn tính biển đảo của ta và độc chiếm biển Đông. Nhiệm vụ người lính trên đảo là mài sắc ý chí chiến đấu.

 

Đến đảo Sinh Tồn

 

Đảo này rộng 12 ha, là đảo có dân và có âu tàu để cứu nạn và cung cấp dịch vụ cho tàu đánh cá.

Khó tin là tàu phải lênh đênh suốt 2 ngày 2 đêm – 48 giờ- mới đến được điểm thăm đầu tiên là Cô Lin và Sinh Tồn.

Vừa bước chân lên đảo Sinh Tồn, tôi giật mình nghe tiếng còi hụ và tiếng loa dõng dạc “Báo động phòng không cấp 1. Tất cả chiến sĩ vào vị trí chiến đấu. Báo động phòng không…”. Có xôn xao chuyển các vị trí đang đi trên đảo nhưng không có sự hốt hoảng. Tôi thận trọng bước theo bờ kè vào sâu trong đảo khá rộng. Một lát nghe tiếng loa, kết thúc báo động phòng không cấp 1. Tôi thở phào song tự dặn là phải hỏi vụ báo động này.

Tôi mong sẽ gặp được đầu tiên, một đứa bé là công dân của đảo. Gặp các cháu thấy chúng lễ phép và có phần dạn dĩ. Có hai ông bố có con đi bộ đội đang ở đây cũng được mời tham gia đoàn. Hai cậu bộ đội trẻ vừa nhập ngũ chừng 5 tháng, một ở Bình Tân và một ở Phú Nhuận. Cơ hội cho các nhà đài (TV) khai thác. Anh bộ đội nhà ở Phú Nhuận (đường Nguyễn Trọng Tuyển) tình cờ được bố đưa điện thoại nói chuyện với mẹ, mặt búng ra sữa bừng vui rất dễ thương khi thì thầm, má, con nè má…

Tôi đi một mình ra dãy nhà phía xa, là nơi ở của các gia đình dân trên đảo. Gặp một căn nhà có người, tôi bước vào. Anh nói là cựu quân nhân tên Trương Điệp Hưng, ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa. Anh dắt tôi ra khoe mảnh vườn rau và khi thấy tôi chú ý cứ “me” đám cây bàng vuông mới ương cao gần một tấc, anh xởi lởi, cô thích thì cháu tặng cô một cây. Còn gì bằng, tôi hỏi cách chăm sóc. Cô con gái cao nghệu so với tuổi, cũng đi học về, anh giới thiệu khách đến thăm và tiếp tục “hào phóng”, gợi ý cháu tặng khách cây hoa làm bằng vỏ ốc. Cô bé tỏ ra không vui khi bị đề nghị tặng quà đột xuất, tôi lật đật giải tỏa, không sao, con không phải tặng, thôi mình chụp một tấm ảnh, con và các bạn, làm kỷ niệm đi. Vậy mà xem lại ảnh, chưa thấy cô bé cười.

Tôi ra ngồi ở bàn có đặt cuốn sổ ghi cảm tưởng của khách, định tìm các ý kiến thú vị. Nhưng tôi lại thấy hầu hết là những bài có ngôn ngữ…văn kiện, mà màu mực ghi ý kiến với màu mực chữ ký có vẻ khác nhau. Tôi gấp cuốn sổ, thôi coi như mình…thất thu.

Bỗng một sĩ quan hải quân bước đến chào. Nắng quá, chị có muốn dùng nước tôi lấy cho chị chai nước suối?

Tôi nhớ ý định tìm hiểu cuộc báo động nên chớp thời cơ. Tôi cám ơn, nói không cần nước, và đặt ngay câu hỏi. Sáng nay có cuộc báo động cấp 1. Đó là đảo mình tập dượt để sẵn sàng chiến đấu phải không?

Anh sĩ quan ngồi xuống, chăm chú nhìn tôi, đổi cách xưng hô. Xin lỗi, cháu gọi cô bằng cô mới phải, gọi bằng chị là sai. Cháu tự giới thiệu, cháu là N.Đ.C, thiếu tá. Nhưng câu cô hỏi lại là sai rồi. Không phải tập dượt cô à. Không có cuộc tập dượt nào xảy ra vào sáng nay hết. Đó là báo động thật, anh sĩ quan hơi gằn giọng.

Anh tiếp. Đảo Gạc Ma cách đây có 10 km. Máy bay của nó bay lên, bên này mình cũng phải sẵn sàng. Địch nó không bao giờ từ bỏ dã tâm, mưu đồ thôn tính biển đảo của ta và độc chiếm biển Đông. Nhiệm vụ người lính trên đảo là mài sắc ý chí chiến đấu.

Chiến đấu ! Cô biết không? Lịch sử mình, biết bao lần nó đánh mình mà có báo trước để mình tập dượt đâu. Trên đảo này, có ngày diễn ra 5 vụ báo động, đều là thật hết. Căng thẳng, sống còn. Không phải tập dượt, cô hiểu không? Cuộc báo động nào cũng là thật hết, vì không biết nó đánh mình lúc nào, nó không nói gì cũng có thể tấn công mình huống chi nó đang rất gần mình.

Nhìn ánh mắt sáng lên cương quyết của anh sĩ quan, tôi bỗng thấy…vui. Lạ không, bị quát, bị sửa lưng vậy mà tôi thấy vui.

Bộ đội mình quyết liệt vậy là mình yên tâm chứ? Anh sĩ quan lễ phép chào tôi bước đi mà tôi chợt thấy an tâm, quên bày tỏ một lời “hối lỗi” vì “dám” hiểu nhầm.

Tôi biết, nhiều nhà báo để được duyệt đăng bài, đã phải tự biên tập, và lập đi lập lại một câu tôi nghe hoài trên loa thành quen tai, “âm mưu kẻ thù nước ngoài rất phức tạp, tình hình diễn biến khó lường”.

Trên biển này, trên các đảo này, có bao nhiêu kẻ thù là “nước ngoài”? Danh từ chung đó nhằm nói tới bao nhiêu nước? Thế nào, mức độ nào là khó lường? Có mơ hồ chung chung không? Đôi khi chúng ta phải dùng uyển ngữ vì ngoại giao, vì “tình hữu nghị’ (???), vì giữ hòa khí mà chúng ta không hiểu sâu tình thế thật căng, hiểm nguy, gian khổ khôn lường mà chiến sĩ mình đang trải qua từng ngày từng giờ ở biên giới biển?

Tối về, tôi cứ nhớ tới giọng đanh thép của người sĩ quan sửa lưng tôi trưa nay.

Khi lên tàu đi bắt đầu chuyến đi Trường Sa, tôi chưa một lần nghe bài “Trường Sa ca”. Nhưng chỉ sau một tuần, tôi thích bật lại bài hát ấy và nghe. Nghe những người lính đảo hát, rõ từng lời như nói “Ngày qua ngày. Đêm qua đêm. Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta. Đảo này là của ta. Dù phong ba. Dù bão tố… Giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta. Giữ vững chủ quyền Tổ Quốc Việt Nam ta”.

Họ nói. Và họ hát. Những lời đanh thép. Không phải hô khẩu hiệu.

Sáng nay, thứ bảy, ngày lễ, bắt đầu đợt nghỉ dài. Tôi bật máy, nghe lại. Và thấy. Vang lên từ đáy lòng mình: Giữ lấy chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, là tiếng nói rất tự nhiên, rất bình thường tự trong tâm mình.


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)