Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đích thị là lỗi tại dân

Thanh Bình

 

(VNTB) – Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, vậy thì sốt đất, đích thị là lỗi tại dân rồi chứ đâu nữa mà luận, mà bàn…

 

Ở nước ta hiện nay, vai trò của các tài phiệt, đại gia giàu có đang trỗi lên mạnh mẽ. Các trùm giàu có ở Việt Nam hầu hết đều là trùm đất đai. Rồi thì nhờ có đất đai nên họ lấn dần sang một số ngành nghề khác như hàng không, ô tô, viễn thông, chứng khoán, chùa chiền…

Điều đặc biệt khác với thế giới là đất đai Việt Nam 100% đều thuộc quyền quản lý, chi phối của nhà nước, của các cơ quan quản lý đất đai mà thực chất là thông qua đội ngũ quan chức cấp cao ở Trung ương cũng như địa phương.

Trên giấy tờ và hình thức pháp lý thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý. Vậy tại sao nhiều quan chức và các trùm đất lại giàu có khủng khiếp nhờ cái “sở hữu toàn dân” viển vông đó?

Qua một số vụ án tham nhũng về đất đai dù vô cùng ít và nhỏ nhưng có lẽ đủ trả lời cho câu hỏi trên…

Nói chung, cơ sở vật chất, kinh tế của các đại gia, nhà giàu đều từ đất, nhờ đất nên họ luôn luôn dùng mọi mẹo để được có đất, thổi giá đất để hốt bạc của nhà nước, của dân vào túi họ.

Các mẹo rất đa dạng, trong đó có mẹo thay hình đổi tên địa chính như lập thành phố trong thành phố, khu đô thị thông minh, khu công nghệ cao, đặc khu… Ví dụ như thành phố Thủ Đức mới thành lập một hai tháng nay mà giá đất tăng kinh khủng mặc dù bản chất của vùng đất đó vẫn vậy, dù là thành phố hay đại thành phố thì mấy cái huyện kia nhập lại cũng chỉ nằm trên cái bản đồ địa chính, tọa độ… như vậy thôi.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính gây sốt đất để hút tiền!

Từ việc “sở hữu toàn dân” đó, đưa đến hình thức tham nhũng đất đai trong quan chức như sau, với những mỹ từ kiểu tuyên huấn:

Thứ nhất, các nhà đầu tư cấu kết với cán bộ quản lý về đất đai để mua một diện tích lớn đất nông nghiệp. Sau đó, họ tác động với cấp có thẩm quyền để sửa quy hoạch, chuyển diện tích này thành đất phi nông nghiệp với sự chênh lệch về giá trị một cách vô cùng lớn.

Mặc dù Luật Phòng, chống tham nhũng, Pháp lệnh Dân chủ cơ sở và một số văn bản khác của pháp luật quy định phải lấy ý kiến công khai của người dân trước khi phê duyệt quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế ở đây lại là không có một quy định nào của pháp luật bắt buộc phải công khai, dân chủ, lấy ý kiến của nhân dân trong việc điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và đồ án quy hoạch.

Ngoài ra, công tâm mà nói, nhà đầu tư thường gặp khó khăn, phức tạp khi đi tìm đất để thực hiện các dự án đầu tư. Nội dung quy hoạch sử dụng đất không rõ ràng, thảo luận địa điểm để đầu tư cần phải gặp gỡ tất cả ba cấp xã, huyện, tỉnh với nhiều đầu mối công việc khác nhau, chi phí ngoại giao cho các khâu này thường là rất tốn kém, do đó, cũng dễ nảy sinh tham nhũng.

Thứ hai, cơ chế kiểm đếm tài sản hiện có trên đất, định giá tài sản trên đất, định giá đất để tính giá trị để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường do Ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở cấp huyện thực hiện với một cơ chế hành chính tuyệt đối, thiếu sự tham gia giám sát khách quan của những người bị thu hồi đất, của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi, của các tổ chức xã hội cũng là nguyên nhân tạo nên nguy cơ tham nhũng cao.

(Thật ra chính các quan tạo ra nguyên nhân này để dễ bề hành sự)

Thứ ba, một số chủ đầu tư xin điều chỉnh dự án bằng cách thu hẹp phần quỹ đất để xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ công cộng để tăng phần quỹ đất xây nhà ở, nhằm mục đích kiếm lời cho cá nhân. Và để được duyệt lúc ‘xin’, thì các nhà đầu tư phải biết ‘cho’ kiểu như “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”.

Hướng giải quyết ra sao? Vẫn theo cách nói của tuyên giáo Đảng (nói theo cách này cho yên tâm, tránh bị quy chụp Điều 117, Bộ luật Hình sự), đó là nền kinh tế nước ta đã vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng một số điều luật cơ bản của Luật Đất đai năm 2013 vẫn trên quan điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Chẳng hạn như quan điểm về quyền sở hữu đất đai…


Tin bài liên quan:

VNTB – Singapore quản lý thị trường bất động sản ra sao?

Do Van Tien

Đã đến lúc phải lo lắng với “bong bóng” bất động sản?

Phan Thanh Hung

VNTB – Đất công hay ‘đất ông’?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.