Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dịch vụ “chăm bệnh thuê” mùa Tết Giáp Thân

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Hơn hai tuần lễ nhập viện điều trị nội trú tại một bệnh viện tư nhân ở Sài Gòn, tôi đã có dịp chứng kiến bao chuyện buồn vui thế thái nhân tình…

 

Chấp nhặt chuyện buồn vui thé thái nhân tình về dịch vụ “chăm bệnh thuê” cho thầy đang muôn hình vạn trạng dịch vụ môi giới người nuôi bệnh thuê quảng bá khắp nơi, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Theo lời kể, để chất lượng chăm sóc người bệnh được hiệu quả hơn, chuẩn mực hơn thì một số bệnh viện đã chủ động mở lớp đào tạo chăm sóc bệnh nhân cho người có nhu cầu làm nghề này. Việc quản lý an ninh của bệnh viện nhờ đó cũng trở nên dễ dàng và được thắt chặt hơn. Từ đó bệnh nhân sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi người nuôi bệnh thuê vừa biết chuyên môn, vừa tâm lý, tận tụy với bệnh nhân.

Chia sẻ về nghề nuôi bệnh thuê, bà Tươi cho biết: “Chăm sóc người bệnh rất cực vì phải canh bệnh nhân từng chút, ngay cả khi người bệnh ngủ. Mọi việc từ cho ăn, uống thuốc, tắm rửa, thay quần áo đến việc thay tã, vệ sinh phải biết làm. Bệnh nhân nằm nhức mỏi thì tôi xoa bóp tay chân. Được trả công tương đối, vài ngày lại cho bánh trái, thấy người nhà họ tin tưởng tôi rất vui. Tuy đi làm có tiền thật nhưng vẫn mong muốn các bệnh nhân sớm khỏe để về nhà cùng gia đình”.

“Hồi đó, đi nuôi ông nội bị tai biến trong bệnh viện, hơn một năm trời ròng rã, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Mọi người xung quanh thấy tôi có mặt ở bệnh viện 24/24 giờ nên nhiều người nhờ trông chừng người nhà của họ mỗi khi có việc bận. Rồi thấy bệnh viện có mở lớp đào tạo cách chăm sóc bệnh nhân, tôi đi học để có thêm kiến thức chăm sóc cho người thân. Rồi khi ông nội qua đời, tôi làm luôn công việc này đến giờ, cũng hơn một năm rồi”, bà Trần Thùy Dương, 40 tuổi kể.

“Làm nghề này cũng phải có kỹ thuật, từ lau chùi, tắm rửa, đánh răng, cho đến cách xoay trở, dìu đỡ bệnh nhân ngồi dậy hoặc xuống xe lăn đều phải đúng cách, nếu không sẽ ảnh hưởng sức khỏe họ. Đó chỉ là cơ bản, rồi với từng trường hợp, y bác sĩ hay điều dưỡng bệnh viện sẽ còn chỉ thêm những lưu ý như phơi nắng bao nhiêu tiếng, vỗ lưng thế nào để không ảnh hưởng phổi. Làm riết mới quen nghề”, bà Nhị trải lòng.

“Cũng có vài người khác vô làm, nhưng đâu phải ai cũng trụ luôn đâu. Chăm ba mẹ ông bà mình thì dễ, chứ tự nhiên khơi khơi chăm người dưng, thấy dơ bẩn, máu me chút là ớn rồi! Tôi đây ban đầu cũng nhát tay, nhưng mau quen, kiểu hợp với nghề. Kêu tôi đi làm giúp việc nhà, tôi không đi đâu, nhưng nuôi bệnh thì được, vì tôi thấy nó khỏe hơn. Chỉ có giấc ngủ là thất thường vì phải ngóng ngóng trông chừng họ”, bà Nhị nói.

Những gia đình thuê người chăm bệnh, thường là đều có điều kiện kinh tế dư dả, nhưng lại thiếu thời gian, nên việc chi tiền với họ không phải vấn đề to tát. Ban đầu, người lao động đến với nghề này chỉ nhằm mục đích mưu sinh nhưng lâu dần họ gắn bó với nghề bằng tình thương giữa người với người chứ không hẳn từ đồng lương công nhật. Ông Nguyễn Văn Xe cho biết: “Khi ở quê, tôi làm việc ở xã nhưng thu nhập không đủ nuôi ba đứa con ăn học nên tôi lên Sài Gòn làm nghề nuôi bệnh. Nhưng giờ nghĩ lại, nếu chỉ vì tiền chắc tôi không trụ được với nghề”…

Thế nhưng nghề nuôi bệnh thuê này có lúc đã đối mặt với quy định gọi là “thu phí người nuôi bệnh” ở bệnh viện công lập. Theo đó có đơn vị lập luận rằng ở các bệnh viện công chi phí thu không cao, nhưng lại phải chi một khoản tiền phục vụ phụ trợ, vấn đề an ninh trật tự… Do đó, việc thu “phí người đi nuôi bệnh” cần được hiểu là trách nhiệm cùng chia sẻ gánh nặng để chăm sóc người bệnh được tốt nhất…


Tin bài liên quan:

VNTB – Lại bỏ cọc đất đã trúng thầu ở Thủ Thiêm

Phan Thanh Hung

VNTB – Nghỉ việc ở cơ quan nhà nước vì lương không đủ sống?

Trương Thế Tử

VNTB – Quỹ Covid khi nào hết nhàn rỗi?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo