Việt Nam Thời Báo

VNTB- Điểm số: Góc nhìn khác

Minh Trí – Ngọc Thịnh

 

(VNTB) – Trước bảng điểm tổng kết đẹp rực rỡ của các con vào cuối năm học, nhiều bậc phụ huynh giờ đây không những không vui, mà cảm thấy lo lắng rõ rệt.
Không lo sao được khi mà đi học mà đến 80-90% học sinh giỏi, thì còn gì để các cháu cố gắng, khiến bọn trẻ sẽ ngộ nhận về khả năng của mình.
Tuy nhiên đa phần người Việt Nam chú trọng đến những điểm số, nhất là điểm trung bình (GPA – GRADE POINT AVERAGE). Phụ huynh thấy con mình thua sút bạn bè về mặt điểm số là… lo sốt vó, tích cực đi tìm chỗ học thêm cho con. Một số sinh viên đại học quan trọng điểm số, mỗi học kỳ mà GPA dưới 8 (hay kém điểm hơn bạn bè) thì cảm thấy khó chịu, ganh tỵ….
Thật ra mà nói, nếu đặt cái đích điểm cao để vươn lên, phấn đấu thì điều đó không sai. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, không nên quan trọng hoá những điểm cao.
Trên thực tế, nhiều người cho rằng cứ thi và đạt điểm cao là giỏi. Không sai, để có được những điểm số ấy, học sinh (hay sinh viên) phải có trong đầu một lượng kiến thức nhất định. Thế nhưng, không phải ai cũng rơi vào trường hợp như thế. Bởi cũng có một số người trong đầu không có chữ gì, vẫn có thể đạt điểm cao. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời vô cùng đơn giản, đó là biết trước đề thi, xài “phao” (tài liệu thu nhỏ đem vào phòng thi), do may mắn….
Tôi nhớ, lúc còn đi học ở phổ thông, có một số bạn đi học thêm các thầy cô đang đứng lớp dạy mình. Ở đó, họ được dạy trước những gì sẽ được học vào tiết sau. Thậm chí, có một số người còn cho biết trước đề thi kiểm tra 15 phút, 1 tiết, các câu hỏi lấy điểm cộng. Có những giáo viên cho biết dạng đề để học sinh về coi trước, có người còn cho hẳn đề thi không sai lệch một chữ.
Rồi những trường hợp xài tài liệu (giới học sinh còn gọi là “phao”). Tất tần tật những gì thầy cô kêu ôn, làm “phao” hết rồi đem vào phòng thi, trúng câu nào lấy câu đó ra. Hồi học đại học, một đứa bạn chung lớp của tôi đã “ứng dụng” nhiều chiêu trong cách xài “phao” này rất thành công. Các môn học khó, người khác rớt như sung rụng thì nó lại được điểm cao, rồi lại tự hào đi khoe nhưng trong đầu thì không có… một chữ….
Viện dẫn ở trên để cho thấy cứ không phải điểm cao là sẽ giỏi. Để có được một công việc tốt, không phải là cứ nhìn tấm bằng tốt nghiệp là ưu hay khá. Trên thế giới, cũng có nhiều trường hợp không học đại học, hoặc điểm trung bình không cao nhưng vẫn thành công, nổi tiếng.
Lẽ hiển nhiên nói thế không có nghĩa là thành công luôn đến với những ai học kém trong trường. Thế nhưng, điểm số chỉ là những vật hiện hữu trên mặt giấy, những kiến thức lý thuyết mà người học sinh (hay sinh viên) đã được trang bị để vào đời. Cuộc sống tựa hồ như một cung đàn với những cung bậc trầm bổng khác nhau. Điểm số trên trang giấy có thể là những con số ảo nhưng điểm số ngoài đời, mới chứng minh được bản lĩnh ứng dụng những gì đã học vào đời.
Đâu chỉ vậy. “Điểm số” còn là câu chuyện mà những nhà quản lý đang tranh đua nhau thể hiện để muốn chứng mình “đẳng cấp”. Ở bậc tiểu học đã có chuyện trường điểm, hay trường này được đánh giá tốt hơn trường kia. Tại sao tất cả các trường tiểu học, trung học cơ sở trong một thành phố đều không thể có cùng chất lượng đào tạo như nhau?. Khi ấy sẽ bớt được nạn năm nào phụ huynh cũng phải chạy cho con vào trường tốt, trường điểm, sinh ra tệ đút lót, và các nạn tiêu cực khác.
Lẽ ra tất cả các trường trung học phổ thông trên toàn quốc phải có cùng một điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện học tập, chất lượng giáo viên…, mới là công bằng, nhưng đó là chuyện vẫn còn xa vời. Trước mắt, việc xóa bỏ trường điểm, trường chuyên ở bậc tiểu học, trung học cơ sở cũng đã bớt đi bao nhiêu sự bất công và nỗi khổ cho phụ huynh và học sinh.
Tựu trung lại, một trong những bất cập của giáo dục, có lẽ không chỉ là những thầy cô mãi “trốn trong tháp ngà” với những hào quang của quá khứ mà còn là những điểm số đầy “ảo tưởng sức mạnh”.
Những con số ảo sẽ đem lại hậu quả rất lớn cho các em trong tương lai. Các em cứ luôn nghĩ mình giỏi và không nỗ lực trong học tập. Các bậc phụ huynh lại phải tốn thêm thời gian tiền bạc để bù đắp những thiếu sót về kiến thức cho con em mình. Và quan trọng hơn, cấp lãnh đạo cũng nghĩ mình tài giỏi bởi những điểm số, con số báo cáo thành tích lung linh ấy…

Tại sao chúng ta lại làm như vậy?

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo