VNTB – Điều 117 Bộ luật Hình sự là phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam?

VNTB – Điều 117 Bộ luật Hình sự là phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn Việt Nam?

Nguyễn Nam

(VNTB) – “Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã nói rằng họ chỉ truy tố và đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng Điều 117 không phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của Việt Nam và cần được sửa đổi”.

Theo trang Việt Nam Thời Báo hôm 14-1-2021, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã có nhận xét như trên.

Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật Hình sự tu chính của Việt Nam có hiệu lực pháp luật. Theo đó, các tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” – Điều 79 luật hình sự cũ, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” – Điều 88 luật hình sự cũ, và “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” – Điều 258 Luật Hình sự cũ, đều được giữ lại trong Bộ luật Hình sự tu chính nhưng thay đổi số thứ tự điều luật và còn có thay đổi về hình phạt cho mỗi tội danh này.

Cụ thể, tội danh “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.

Tương tự, “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”, nay trở thành Điều 117 Bộ luật Hình sự tu chính, bổ sung thêm Khoản 3: “Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm tù”.

Đối với “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, nay là Điều 331 Bộ luật Hình sự tu chính, thay đổi quy định tại Khoản 2 từ “Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”, thành “Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.

Quan điểm điển chế (quy định) theo hướng định tính mơ hồ, bởi lẽ, thế nào là “gây ảnh hưởng xấu?” – thế nào là “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”?

Luật sư Đặng Đình Mạnh từng cảm thán, rằng, chưa từng có luật sư nào thành công trong việc thuyết phục tòa án rằng hành xử của thân chủ mình vẫn nằm trong ranh giới an toàn, đó là thực hiện quyền tự do ngôn luận mà thôi!.

Khi tranh luận về vấn đề này qua các bài báo phản biện trước đây trên trang Việt Nam Thời Báo hồi mấy năm trước, một nhà báo kể ông từng đặt vấn đề vầy trong dịp cà phê với vài người bạn là an ninh ‘thường phục’:

“Ở góc độ chính trị – xã hội, tội phạm phải được xem là những hành vi gây nguy hiểm cho những điều kiện sinh tồn của xã hội.

Thực hiện quyền tự do ngôn luận là một trong những điều kiện sinh tồn của xã hội, và do đó không thể xem hành vi này là tội phạm được. Như vậy ở góc độ này, Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam trước đây và Điều 117 hiện nay, hoàn toàn mâu thuẫn với định nghĩa về tội phạm”.

Một người bạn cà phê là an ninh ‘thường phục’, đã phản biện như sau cho chuyện chức trách công vụ:

“Phải thấy rằng, tội phạm là một phạm trù mang tính giai cấp, việc xác định tội phạm là tùy thuộc vào quan điểm của giai cấp nắm chính quyền Nhà nước. Nguyên lý này đã, đang và mãi hiện diện trong luật hình sự của các Nhà nước trên thế giới. Bất kỳ hành vi nào, dù thực hiện dưới lời nói hay việc làm mà đe dọa sự tồn tại của Nhà nước, đều coi là hành vi nguy hiểm, cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.

Trong tố tụng, phía công tố cho rằng khách thể của tội phạm theo Điều 117 là xâm phạm đến sự thống nhất về tư tưởng chính trị trong xã hội, qua đó đe dọa sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, xem ra lâu nay đâu đó dùng cụm từ “tù nhân lương tâm” là chưa phù hợp trong một số trường hợp, bởi đó phải là tên gọi “tù chính trị”. Thế nhưng khi ấy lại cho thấy cần sửa đổi một nội dung liên quan về quyền chính trị được ghi tại Điều 14.1 của Hiến pháp 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)