Thiều Hoa
(VNTB) – Vụ án Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam sẽ được đưa ra xét xử phiên hình sự sơ thẩm ngày 5/1/2021, cho thấy dấu hiệu của ‘hình sự hóa’ về một quyền chính trị dân sự về phản biện xã hội.
Nếu người dân chống đối, rất có thể vì tức nước nên vỡ bờ
Phản biện xã hội là một nhân tố tích cực giúp cho người quản lý rèn luyện được kỹ năng, bản lĩnh lắng nghe, đối thoại và đối mặt với công luận cũng như rèn luyện cho người phản biện nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết, kỹ năng thực hành dân chủ.
Phản biện xã hội đòi hỏi giới cầm quyền phải chấp nhận sự cọ xát, tranh luận, đối thoại với Nhân dân và nhờ đó rèn luyện thêm khả năng thích ứng cao trước mọi biến đổi của hoàn cảnh và tính năng động trong phương thức quản lý, điều hành, khắc phục tình trạng né tránh công luận, gây sự trì trệ của hệ thống.
Thực tế cho thấy, ngay cả những việc hoàn toàn có lợi cho dân nếu được thực hiện bằng cách ép buộc, máy móc thì vẫn có thể gặp sự phản ứng, có khi cả sự chống đối từ phía Nhân dân. Do vậy, dù cho đường lối chính sách đề ra là vì lợi ích của Nhân dân vẫn phải thực hiện phản biện xã hội để tranh luận, đối thoại, để hiểu đúng, tìm ra cái đúng. Như vậy, phản biện sẽ đi tới thống nhất về tư duy, đồng thuận trong xã hội.
Phản biện xã hội không chỉ góp phần nâng cao năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ lãnh đạo, quản lý, mà thông qua đó, còn nâng cao nhận thức, trình độ hiểu biết của Nhân dân.
Đối với cá nhân, khi tham gia phản biện xã hội, thì sự bàn luận, trao đổi ý kiến giữa các thành viên trong xã hội sẽ giúp họ đạt tới sự nhận thức chung, thống nhất trong các nhận xét, đánh giá.
Ban đầu, “chuẩn mực” chung chi phối quá trình thảo luận, bàn bạc giữa họ là những thông tin, kiến thức, hiểu biết về pháp luật mà mỗi thành viên có được từ những nguồn khác nhau.
Các ý kiến bước đầu được đưa ra có thể khác nhau vì nhận thức pháp luật của mỗi thành viên xã hội cũng khác nhau. Dần dần, các cuộc thảo luận đi vào chiều sâu, nội dung phản biện xã hội thường tập trung vào những vấn đề trọng tâm, từ đó thể hiện trình độ nhận thức có tính hệ thống. Qua đó, hiểu biết về pháp luật của người dân sẽ được nâng lên, họ sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với quy tắc, yêu cầu của các giá trị, quy phạm pháp luật chung.
Phản biện xã hội giúp tăng cường dân chủ
Thông qua phản biện xã hội, cũng có thể đo lường được ý thức pháp luật và sự hiểu biết của người dân trên mọi lĩnh vực, đo lường được mức độ quan tâm và ý thức trách nhiệm của người dân tới hoạt động xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý.
Dưới góc độ xã hội, phản biện xã hội cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Bằng sự tham gia chủ động và tích cực này, các chuyên gia, nhà khoa học có cơ hội thể hiện, chứng minh sở trường của mình, khai thác vốn kiến thức đa dạng đã được tích luỹ trong một quá trình nghiên cứu và cống hiến cho xã hội.
Tóm lại, nhìn từ những gì mà nhà báo Phạm Chí Dũng đã đóng góp qua các bài báo phản biện xã hội đăng tải trên VOA, Người Việt và nhiều tờ báo khác dẫn lại, cho thấy phản biện xã hội có vai trò quan trọng trong thực hành dân chủ, góp phần tạo ra sự năng động và dân chủ trong hoạt động quản lý, nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao ý thức và năng lực làm chủ của người dân.
Bằng hoạt động phản biện xã hội, người dân thấy rõ hơn quyền và trách nhiệm công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; Nhà nước thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc đối thoại, lắng nghe và phản hồi ý kiến của người dân.
Nhận thức đó, thực chất sẽ góp phần gia tăng tính dân chủ trong việc quản lý xã hội. Chính vì vậy, phản biện xã hội đang là nhu cầu tất yếu của đời sống dân chủ, của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ góc nhìn lập luận như trên, cho thấy rất cần có cái nhìn tích cực, hơn là cứ áp đặt ngờ vực tiêu cực của chống đối Đảng và Nhà nước qua việc phản biện xã hội đang bị hình sự hóa theo cáo buộc điều 117, Bộ luật Hình sự.
_______________________________________________________________________________________