VNTB- Điều 245 BLHS và ranh giới mong manh của đấu tranh nhân quyền

Trần Thành

(VNTB) – Ông bà xưa có dạy con cháu rằng hãy liệu chừng, đừng để tức nước, ắt vỡ bờ.
 
Thiếu tướng Bạch Thành Định, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bị can Cấn Thị Thêu, hộ khẩu thường trú tại tổ dân phố Trung Bình, phường Dương Nội, quận Hà Đông về hành vi gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 Bộ luật Hình sự.
Nhà báo Phạm Đoan Trang nhìn nhận ranh giới giữa “gây rối trật tự công cộng” và biểu tình, đấu tranh nhân quyền là mong manh. Bởi sự thực là, gây rối trật tự vốn là một tội danh được nhiều chính quyền trên thế giới sử dụng để ngăn chặn tụ tập đông người và để kết tội các nhà bảo vệ nhân quyền.
Về mặt luật học, tội “gây rối trật tự công cộng” còn có thể được gọi bằng một số tên khác như “phá vỡ sự bình yên” [disturbing the peace, breach of the peace], “hành xử mất trật tự” [disorderly conduct], “gây phiền nhiễu ở nơi công cộng” [public nuisance]. Dù cách gọi khác nhau, nhưng nói chung nó được hiểu là hành động phá rối một trật tự phù hợp ở không gian công cộng. Hành động đó có thể là gây ồn ào bằng cách đánh hoặc dọa đánh người khác, tạo âm thanh lớn một cách bất hợp lý (kể cả mở nhạc lớn), dùng những ngôn từ hoặc cử chỉ xúc phạm nơi tôn nghiêm. Tuy nhiên, xác định tiếng ồn và/ hoặc âm thanh lên tới mức nào thì bị coi là gây rối là một việc làm mang tính chủ quan cao và cũng tùy luật pháp mỗi quốc gia.
Mặc dù vậy, gây rối trật tự công cộng nhìn chung vẫn được coi là một vi phạm nhỏ; người vi phạm thường bị phạt tiền hoặc tù giam trong một thời gian rất ngắn (vài ngày, không đến mức vài tháng hay 2-3 năm). Ở hầu hết các nước thuộc khối Thịnh vượng Chung, người vi phạm không bị lưu hồ sơ đối với hành vi này, nghĩa là không tồn tại câu “đã có tiền sự/ tiền án về tội gây rối trật tự công cộng”.
Một câu hỏi đặt ra từ vụ án bà Cấn Thị Thêu: Tại Việt Nam biểu tình là quyền của công dân thuộc nhóm quyền dân sự cơ bản, quyền tự do cá nhân, quyền chính trị cơ bản. Điều 25 Hiến pháp 2013 cho phép công dân có quyền biểu tình, hội họp… Đây là quyền được cho phép thực hiện, song nếu người dân thực hiện thì người dân dễ bị bắt bỏ tù về tội gây rối trật tự nơi công cộng.
Dẫu Hiến pháp đã hiến định cụ thể quyền biểu tình nhưng luật thì vẫn chưa được ban hành, xét về bản chất thì có thể xem đây như một hành vi vi hiến. Tuy nhiên nói như lời nhận xét thuở sinh thời của luật gia Ngô Bá Thành: “Việt Nam có rừng luật, và người ta thích xài luật rừng” (!), dù biết là vi hiến, nhưng nếu người dân cứ thực hiện “quyền” này thì sẽ bị quy vào tội gây rối trật tự công cộng.
Bởi lẽ nếu muốn biểu tình thì đòi hỏi trước tiên phải có sự đăng ký, chuẩn bị theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền, nội dung bao gồm về thời gian biểu tình, địa điểm biểu tình, diễn ra bao lâu, thành phần tham dự, số lượng tham dự, nội dung biểu tình, khẩu hiệu biểu tình… Nếu không thực hiện cơ bản những nội dung trên thì dù có tổ chức chặt chẽ, văn minh đến đâu vẫn bị xem là gây rối trật tự công cộng hay thậm chí còn bị dùng biện pháp mạnh để trấn áp nếu biểu tình trước cổng cơ quan nhà nước – nơi mà cán bộ, Đảng viên chính là “đày tớ của dân”.
Luật Biểu tình chưa ra đời, nhưng điều luật xử lý “gây rối trật tự công cộng” đã ra đời từ lâu. Cụ thể khoản 2, Điều 5, Nghị định số 38/2005/NĐ-CP quy định: “Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội hoặc nơi công cộng khác”, và Thông tư số 09/2005/TT-BCA vẫn còn đang có hiệu lực, theo đó việc biểu tình thể hiện ý kiến của nhân dân sẽ dễ bị gắn ghép vào tội gây rối trật tự công cộng, kèm theo các biện pháp xử phạt từ phía cơ quan chức năng.
Tuy nhiên cả hai văn bản trên không cho biết người dân muốn biểu tình phải thế nào, thủ tục đăng ký ra sao. Và khi cứ biểu tình thì dễ bị quy chụp tội gây rối trật tự công cộng. Còn không biểu tình thì bảo nhân dân không chịu thực hiện quyền làm chủ.
Nhìn chung, vấn đề có hay không quyền biểu tình tại Việt Nam có khá nhiều cách hiểu. Nếu hiểu theo đúng quy định pháp luật thì tại Việt Nam có cho phép quyền biểu tình tồn tại, nhưng về bản chất thì quyền này cho đến hiện nay vẫn chưa thực sự tồn tại.

Ông bà xưa có dạy con cháu rằng hãy liệu chừng, đừng để tức nước, ắt vỡ bờ.
CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)