Việt Nam Thời Báo

VNTB – Điều hành giật cục ở Việt Nam có dễ tránh hay không?

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – Kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ để thảo luận các nội dung về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công và phòng chống dịch Covid-19.

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào một số nội dung thảo luận, gồm 4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không.

Cụ thể, 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vắc-xin Covid-19; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Hai nội dung đẩy mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Một kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.

Trên thực tế thì “không điều hành giật cục” là điều mà lâu nay Việt Nam vẫn hay mắc phải, bởi đơn giản vì quốc gia này vẫn đang tìm kiếm một con đường phát triển kinh tế riêng so với thế giới, với tên gọi “kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra một dẫn chứng về chuyện đang có điều hành giật cục, theo đó, HoREA cho rằng, chủ trương siết tín dụng về bất động sản là đúng, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là siết như thế nào và siết ai? Bởi nếu không cẩn trọng, sẽ phải chứng kiến hệ lụy rất khó kiểm soát, mà ảnh hưởng đầu tiên sẽ là người thực sự có nhu cầu sở hữu bất động sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói rằng, “Dù để ở hay đầu tư, đây vẫn là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ sở hữu nhà của người dân Việt Nam còn rất thấp, nhu cầu về nhà ở hiện tại và tương lai là rất lớn.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng hiện là “nguồn vốn mồi” quan trọng và chủ yếu của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường vốn hiện nay của Việt Nam đang rất hạn chế, thiếu sự đa dạng. Nếu việc siết được thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng lập tức đến các dự án đang triển khai dang dở và từ đó càng khiến nguồn cung trên thị trường khan hiếm”.

Ông Châu kiến nghị, lộ trình kiểm soát nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản. Nếu ngay lập tức “siết chặt” cả nguồn vốn trái phiếu và vốn vay ngân hàng như hiện tại thì các doanh nghiệp bất động sản, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn.

Một câu chuyện khác về điều hành giật cục. Số là Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề cập lập quỹ bình ổn giá thép, nhưng khi họp báo Chính phủ, một thứ trưởng của bộ này là ông Đỗ Thắng Hải lại nói đây không phải ý kiến chính thức của bộ.

“Việc đặt vấn đề lập quỹ bình ổn giá thép có thể là mong muốn của tân bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, nhưng muốn làm điều này sẽ phải sửa cả Luật giá và nhiều việc khác. Từng quản lý ở địa phương, rồi đã lập ra cả tổ giúp việc để thẩm định, đề xuất chính sách nhưng tân bộ trưởng Bộ Công thương vẫn khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp thấy… giật mình, nửa mừng nửa lo.

Bộ trưởng đã nhận diện vấn đề. Nhưng thông tin từ Bộ Công thương rất quan trọng, cần bàn thảo và tham vấn kỹ, tránh gây nhiễu loạn thêm…” – một nhà báo chuyên trách về công nghiệp, nhận xét.

Câu chuyện ở Bộ Công thương là không mới trong cung cách gọi là điều hành giật cục. Trở ngược quá khứ. Ngày 23-3-2020, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.

Lập tức, 0g ngày 24-3-2020, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Đến cuối ngày 24-3-2020, chính Bộ Công thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Giải thích sau đó về việc hôm trước xin dừng hôm sau xin hoãn này, Bộ Công thương – cơ quan trực tiếp tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo nhiều năm – cho biết “do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng”.

Sự bối rối của cơ quan điều hành còn ở chỗ, gạo nếp – không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia nhưng vẫn được Bộ Công thương tính chung trong các mặt hàng gạo xin dừng xuất khẩu. Thực tế này khiến các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo nếp bị đình lại, trong khi lượng tồn kho khi ấy ở hai tỉnh An Giang, Long An rất lớn, lần lượt là 56.000 tấn và 152.000 tấn…


Tin bài liên quan:

VNTB – Vừa đấm vừa xoa

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Dân làm ăn chơi ‘khô bồn’, ‘khô máu’, chứ không chơi dơ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Chính phủ lúng túng trong quản trị tài chính?

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo