Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đỉnh cao trí tuệ: không mưa, không triều cường nhưng Hà Nội vẫn ngập lụt

Châu Nam Việt

 

(VNTB)  – Hà Nội ngập là do thủy điện Hòa Bình xả lũ liên tục trong những ngày qua.

 

Dù suốt những ngày qua khu vực Hà Nội không có mưa lớn nhưng nước lũ vẫn tiếp tục tràn qua đê sông Bùi. Nhiều con đường làng ở ngoại ô thủ đô chìm trong biển nước, có chỗ ngập sâu đến 2m. Người dân chỉ có thể chèo thuyền để di chuyển. Nguyên nhân khiến Hà Nội vẫn bị ngập dù trời không mưa, không có là do thủy điện Hòa Bình xả lũ liên tục trong những ngày qua.

Phá rừng, bê tông hóa miền núi, nước mưa không thể thấm vào đất. Thêm vào đó, mùa nắng thì trữ nước, mùa mưa thì xả lũ, đây là chuyện thường thấy ở các đập thuỷ lợi, thuỷ điện Việt Nam nhiều năm nay. Chưa kể là các con đê ở Hà Nội vốn chỉ được thiết kế để chống đỡ những đợt lũ ngày xưa. Còn lũ bây giờ do các đập thuỷ điện xả ra thì lớn hơn xưa rất nhiều, nên việc nước tràn qua đê thời gian qua cũng là điều dễ hiểu. Trong khoảng 20 năm nay khu vực đê sông Bùi đã nhiều lần bị nước tràn qua đê gây thiệt hại nặng nề.

Trong đợt nước tràn bờ đê lần này thì có 24 thôn, xóm bị ngập, trong đó có 1.239 hộ dân bị ngập từ 0,5 – 2m, 1.231 hộ bị ngập lối đi; hơn 2.000m tường bao bị đổ. Diện tích lúa bị thiệt hại từ 30% đến trên 70% là 1.123 ha. Diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 327 ha. Diện tích cây ăn quả bị ngập từ 30% đến trên 70% là 213 ha. Diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1.022 ha; bị thiệt hại từ 30 – 70% là 162 ha. Hơn 77.100 m2 chuồng trại bị ngập; gần 187.000 gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng. (1)

Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, khi nước sông Bùi tràn qua đê thì khoảng 1.300 hộ dân đã được di dời ra khỏi vùng ngập lụt. Còn khoảng 700 hộ dân (khoảng 1.000 người) tiếp tục bám trụ ở lại vùng ngập. Riêng xã Nam Phương Tiến có khoảng 300/320 hộ dân bị nước ngập đến nhà. Chưa thể ước tính tổng thiệt hại nhưng hàng trăm gia đình chắc chắn sẽ phải mất trắng mùa màng, chuồng trại.

Chính lãnh đạo Hà Nội cũng tỏ ra bế tắc khi xử lý ngập khi cho rằng đợt ngập này sẽ có thể kéo dài, chưa biết khi nào nước rút. Bà Bùi Thị Minh Hoài, người vừa nhận chức bí thư Hà Nội, nói rằng “về dài hơi, việc ngập lụt không phụ thuộc vào ý chí của con người vì do thời tiết, do yếu tố khách quan. Nên có thể tính 10 ngày, nửa tháng chưa chắc đã xong thì phải tính đến an sinh xã hội, phải tính đến làm sao hỗ trợ cho dân có chỗ ở ổn định”. (2)

Các phương án trước mắt của nhà cầm quyền thì cũng chỉ là vận động từ thiện, tặng mì gói, nước uống, lương khô cho người dân. Lãnh đạo một số xã thì cho biết là ngoài mì gói, lương khô thì mỗi xã có khoảng 30 gia đình được tặng tiền mặt, với số tiền từ 300.000đ đến 500.000đ. Chẳng biết người dân sẽ sống ra sao với số tiền đó.

Còn về chỉ đạo xử lý thì vẫn là những câu thoại chung chung, quen thuộc như “trong những ngày tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp; kiểm tra, rà soát nhà ở an toàn và sẵn sàng phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra”. (2)

Người dân thì cho rằng chỉ cần nâng bờ đê lên cao thêm 1-2 mét là có thể tránh được việc nước tràn qua. Nhưng chẳng biết khi nào mới có chủ trương từ phía nhà nước. Mà từ khi có chủ trương tới lúc thực hiện và hoàn thành thì có lẽ lại phải chờ vài năm (hoặc vài chục năm), lúc đó thì không biết sẽ có thêm bao nhiêu vụ ngập như vậy và bao tài sản của dân bị chìm trong biển nước nữa. Và cũng chưa từng thấy có ai đứng ra chịu trách nhiệm về việc để cho dân thủ đô chịu cảnh ngập lụt như vậy!

 

________________

Tham khảo:

(1) https://thanhnien.vn/bi-thu-ha-noi-thi-sat-vung-ron-lu-noi-hang-nghin-ho-dan-bi-nuoc-co-lap-185240729115653536.htm

(2) https://thanhnien.vn/bi-thu-ha-noi-chi-dao-len-phuong-an-di-doi-700-ho-dan-khoi-ron-lu-185240729164203773.htm

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Tị nạn giáo dục”

Bùi Ngọc Dân

VNTB – ‘Đồng phục’ lá cờ ở Hà Nội

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Biếm họa Chủ nhật: Putin và công an Hà Nội

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.