Phạm Lê Đoan
(VNTB) – Phản cung, nên y án Đồng Tâm. Đinh La Thăng cũng phản cung, …
Vụ án Ethanol Phú Thọ
Trong 30 phút trả lời thẩm vấn cuối buổi chiều 9-3, ông Đinh La Thăng hai lần phản bác toàn bộ nội dung cáo trạng và khẳng định không chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ.
Xin trích một vài đoạn:
“Vì sao bị cáo chỉ đạo trong năm 2009 PVC tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ tập đoàn giao, trong đó có dự án Ethanol Phú Thọ?”, đại diện Viện kiểm sát hỏi.
Ông Thăng giải thích, nội dung trên được đưa ra trong cuộc họp nội bộ của PVN về kế hoạch sản xuất kinh doanh PVC năm 2009, không liên quan gì đến chỉ định thầu hay các việc khác liên quan Ethanol Phú Thọ. “Bởi vì trong kế hoạch hằng năm đơn vị có cả công việc có sẵn cũng như công việc sẽ đấu thầu, hoặc chỉ định thầu nên tôi có kết luận như vậy”, ông Thăng trả lời.
“Chủ trương chung của PVN ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành dầu khí, khi thực hiện trên thực tế có phải tuân thủ quy định pháp luật?”, đại diện Viện kiểm sát tiếp tục thắc mắc.
“Trước hết là phải thực hiện quy định pháp luật, nhưng đồng thời trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt là việc phát huy nội lực thực hiện kết luận 41 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ là do sản lượng dầu khí Việt Nam có hạn nên phải đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu dịch vụ dầu khí từ 10-15% lên 20-25% năm 2015.
Do vậy để thực hiện chủ trương đó, Chính phủ cho phép PVN được chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án mang tính chất đặc thù ngành dầu khí, trong đó vốn đầu tư tập đoàn chiếm trên 50% và dự án các đơn vị thành viên chiếm trên 50% thì sẽ được chỉ định thầu”, ông Thăng rành rọt biện giải.
Ông Thăng nói thêm ngoài ra các đơn vị có vốn góp của tập đoàn hoặc đơn vị thành viên mà không có vốn chi phối thì tập đoàn sẽ có văn bản giới thiệu đơn vị của PVN tham gia dự án đó.
“Đây là một chủ trương, đương nhiên phải thực hiện quy định pháp luật, nhưng trong nền kinh tế thị trường điều kiện đặc biệt thời kỳ đó thì thực hiện cả văn bản chỉ đạo cá biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tôi triển khai đúng chủ trương, không phải bằng chỉ đạo cá biệt của tôi, mà bằng nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy tập đoàn và nghị quyết của hội đồng quản trị để triển khai”, ông Thăng nhấn mạnh.
Vụ án Đồng Tâm
Vụ án Đồng Tâm có kết quả phúc thẩm là bác toàn bộ kháng cáo, y án tử hình Lê Đình Công, Lê Đình Chức.
Chủ tọa phiên xét xử cho rằng, thời điểm xảy ra chống đối, Lê Đình Công thừa nhận đã ném bom xăng, lựu đạn vào cảnh sát. Hành vi của Lê Đình Công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên không thể giảm nhẹ án tử hình.
Với Lê Đình Chức, bị cáo tiếp nhận chủ trương tấn công lực lượng chức năng và trực tiếp ném gạch, bom xăng, lựu đạn vào cảnh sát; dùng dao chọc và tự tay châm lửa đốt, đổ xăng xuống hố khiến ba chiến sĩ cảnh sát hy sinh.
Giả dụ sắp tới đây sẽ có phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Đồng Tâm, và ‘bề trên’ vẫn mong muốn cần ‘y án’, thì rất có thể tình tiết sẽ theo kịch bản giả định như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 386 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, thì trước hết sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án.
Các thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị.
Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa, thì những người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Tiếp theo, kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Và đây là ý chính cho quan điểm luận tội y án:
“Lực lượng công an là thanh bảo kiếm của Đảng, lá chắn thép vững vàng trong đấu tranh với các loại tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Bất kỳ ai dám tấn công vào lá chắn thép này đều phải bị trừng trị ở mức nghiêm khắc nhất, vì nếu không, rất có thể đưa đến hệ lụy sự ngờ vực về tính hiệu quả của thanh bảo kiếm giờ đã cùn, và lá chắn thép hoen rỉ. Điều ấy gián tiếp khiến Bộ Chính trị khóa XIII của chúng ta dễ bị đánh mất vai trò độc tôn, và sẽ là cơ hội để các phe nhóm trong chính nội bộ Đảng thêm lũng đoạn.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ ở chức vụ Thường trực Ban Bí thư đã lưu ý một điều, là “Không ai mang máy bay, đại bác đến để lật đổ ta, ta không làm tốt thì ta tự lật đổ ta, chẳng phải do kẻ thù đâu”.
Như vậy, chúng ta cần mạnh tay trấn áp ngay từ trứng nước bất kỳ ai manh nha phản đối các chính sách của Đảng, như vụ đất đai ở Đồng Tâm…”.