VNTB – Doanh nghiệp ‘đói vốn’ để mua lúa gạo cho xuất khẩu

VNTB – Doanh nghiệp ‘đói vốn’ để mua lúa gạo cho xuất khẩu

Thới Bình

 

(VNTB) – “Đói vốn” vì các ngân hàng đều siết “room” (hạn mức) tín dụng.

 

Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu ‘xài’ vốn từ Trung Quốc?

Hôm 24-10, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, hạn mức 100 triệu USD trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên số vốn vay này được dùng trong mở rộng sản xuất, không phải là vốn lưu động dành cho thu mua lúa gạo trong nông dân.

Một điểm lưu ý khác trong hợp đồng vay này, đó là chỉ mỗi Ngân hàng Quân đội (MB) là đơn vị trong nước duy nhất tham gia tài trợ vốn cho doanh nghiệp.

Theo đó, MB đã hợp tác với Ngân hàng Kasikornbank, trở thành đơn vị đầu mối, kết nối các ngân hàng First Commercial Bank, Agricultural Bank Of China Limited – Chi nhánh Hà Nội, China Construction Bank Corporation – Chi nhánh TP.HCM, CTBC Bank Co., Ltd., E.SUN Commercial Bank, Ltd. – Chi nhánh Đồng Nai để thu xếp nguồn vốn và cùng tham gia gói tín dụng hợp vốn, tài trợ bổ sung cho nguồn vốn lưu động chú trọng vào việc đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao của Lộc Trời.

Đề cập về mục tiêu sử dụng gói hợp vốn 100 triệu USD này, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính LTG cho biết, gói tín dụng này sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao bao gồm vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới.

Nhìn những tên gọi của các ngân hàng thương mại trên người ta dễ dàng nhận ra xuất xứ nguồn tiền của gói họp vốn 100 triệu USD này đều đến từ Trung Quốc. Nguy cơ bẫy nợ nông nghiệp là điều thật sự cần báo động ngay lúc này, khi mà ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ vị trí độc tôn trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở nhiệm kỳ thứ 3, và như vậy sẽ có thêm thời gian để ông Tập Cận Bình thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” và sáng kiến “Vành đai và con đường” (Belt and Road Initiative – BRI) mà ông là người khởi xướng.

Ngân hàng Nhà nước ngại sẽ đẩy nhanh lạm phát nếu tăng ‘room’?

Trở lại với chuyện doanh nghiệp “đói vốn” trong thu mua lúa gạo phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.

Ngày 8-9-2022, Ấn Độ đã chính thức áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo. Theo đó, Ấn Độ cấm xuất khẩu đối với gạo tấm (chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu) và đánh thuế 20% đối với một số loại gạo phi – basmati khác (chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu).

Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới, chiếm 37% tổng thương mại gạo toàn cầu và ảnh hưởng rất lớn đến cung cầu sản phẩm này. Trong quá khứ, Ấn Độ đã từng cấm xuất khẩu gạo năm 2007 và sau đó giá gạo Việt Nam và toàn cầu đã tăng mạnh lên gấp 3 lần trong năm sau đó.

Điểm giống nhau của giai đoạn 2007 – 2008 kể trên so với hiện tại là việc Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo phi-Basmati và trong bối cảnh thế giới đều đang gặp phải những áp lực về khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Mặc dù các biện pháp hạn chế xuất khẩu được áp dụng với gạo tấm (chỉ chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu) và một số loại gạo phi-basmati khác (chỉ chiếm 23% kim ngạch xuất khẩu), nhưng đây là 2 loại gạo xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường cạnh tranh chính với Việt Nam như Trung Quốc hay Philipines.

Như vậy, Việt Nam đang được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ, đặc biệt với sản phẩm gạo tấm. Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 360 triệu USD gạo tấm sang Trung Quốc, chiếm tỷ trọng cao nhất với 38,6%. Như vậy, với việc cấm xuất khẩu gạo tấm, đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, thực tế thì các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chỉ tăng về giá trị xuất khẩu và sản lượng trong nước, mà họ không thể ký kết được hợp đồng mới. Một trong những nguyên nhân là do khó khăn về vốn, không thể tiếp cận vốn tín dụng vì các ngân hàng đều siết “room” tín dụng.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chỉ được hưởng lợi từ tỷ giá USD, còn sản lượng xuất khẩu không tăng. Vì các doanh nghiệp đều ký kết hợp đồng với đối tác từ đầu năm, không thể nửa chừng mà có thêm hợp đồng được.

Tuy nhiên, các ngân hàng đang siết “room” tín dụng khiến các doanh nghiệp vất vả, vì không có tiền mua lúa gạo cho dân. Chúng tôi mong muốn ngân hàng mở rộng “room” để vay được vốn kinh doanh” – ông Huỳnh Thanh Tùng – tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), ý kiến.

Theo ghi nhận của người viết, lãnh đạo một số nhà băng thừa nhận hạn mức tín dụng được cấp bổ sung vừa qua từ Ngân hàng Nhà nước không nhiều, nên chỉ đáp ứng được những hồ sơ đã hoàn tất thủ tục, triển khai cho vay vài tuần là hết.

Những hồ sơ đến sau dù đã duyệt nhưng cạn room nên ngân hàng đành cáo lỗi với khách hàng bằng cách yêu cầu chờ. “Chờ khách hàng cũ trả nợ rồi giải ngân cho những khách hàng thân thuộc, truyền thống. Hạn mức tín dụng vừa cấp thêm cho các ngân hàng cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu trên thị trường hiện nay”, đại diện một nhà băng trần tình.

Thiếu vốn được ví như “cỗ máy” không có xăng dầu, làm sao có thể vận hành được. Thắt chặt cung tiền đang khiến mặt bằng lãi suất tăng, doanh nghiệp thiếu vốn, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tình hình này đang ngày một căng thẳng, và càng để chậm, hậu quả tới nền kinh tế sẽ càng nguy hiểm…


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)