Hàn Lam
(VNTB) – Doanh nghiệp nhà nước nợ 1,9 triệu tỷ đồng, bằng gần nửa tổng tài sản.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký báo cáo của Chính phủ về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2022, gửi Quốc hội.
Báo cáo này phản ánh ‘sức khỏe’ của 827 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước đến cuối 2022, trong đó 676 đơn vị có vốn Nhà nước từ 50%.
Doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ nguồn lực lớn, nhưng…
Nhận xét về kết quả năm ngoái, Chính phủ cho rằng, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chiếm 0,08% về số lượng trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp. Quy mô tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước bình quân là 4.700 tỷ đồng, lãi trước thuế tăng 23%, tạo động lực và đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, việc làm, thu nhập cho người lao động.
Dưới đây là chỉ tiêu tài chính của 676 đơn vị trong năm 2022.
Chỉ tiêu tài chính | Số tiền (triệu tỷ đồng) | Tăng/giảm 2021 (%) |
Tổng tài sản | 3,82 | +4 |
Vốn chủ sở hữu | 1,8 | +3 |
Vốn Nhà nước đang đầu tư | 1,71 | +3 |
Tổng doanh thu | 2,64 | +29 |
Lãi trước thuế | 0,24 | +24 |
Tổng nợ phải trả | 1,98 | +6 |
Tỷ suất lãi trước thuế/tổng tài sản | 6% | +1 |
Tỷ suất lãi trước thuế/vốn chủ sở hữu | 13% | +2 |
Theo báo cáo trên thì có khoảng 9% doanh nghiệp Nhà nước có lỗ phát sinh, khoảng 29.456 tỷ đồng. Số doanh nghiệp còn lỗ lũy kế chiếm 21%, hơn 69.890 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hơn 1,98 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với 2021; trong đó nợ ngắn hạn chiếm 55%.
Riêng số tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ, nợ phải trả tăng 4% so với 2021, trên 1,43 triệu tỷ đồng và chiếm 51% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp này. 11 công ty mẹ có tỷ lệ tổng nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong đó, nợ vay (ngắn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại trong nước là 443.318 tỷ đồng, tăng 3% so với 2021.
Có 3 công ty mẹ huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lũy kế giá trị trái phiếu đã phát hành là 5.390 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét ở chỉ tiêu hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu trung bình của các doanh nghiệp Nhà nước là 1,09 lần. Điều này cho thấy các doanh nghiệp ít phụ thuộc vào nợ vay để chi cho các hoạt động.
Chẳng hạn trong lĩnh vực hàng không, tại thời điểm 31-12-2022, công ty mẹ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) có hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn rất thấp, 0,23 lần. Nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, 35.075 tỷ đồng và khoản vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn của công ty mẹ là 10.326 tỷ đồng. Năm 2023, vận tải hàng không sôi động trở lại, nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh tới tài chính của VNA rất nặng nề.
Tương tự, năm ngoái EVN lỗ gần 26.500 tỷ đồng trước thuế và sau thuế gần 20.750 tỷ đồng. Các yếu tố như giá nhiên liệu, than dầu khí, tỷ giá USD/VNĐ tăng cao đột biến so với 2020, 2021 đã làm chi phí của tập đoàn này tăng thêm trên 39.780 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới bảo toàn vốn của công ty mẹ EVN.
… Vẫn còn quá nhiều tầng nấc vướng mắc về pháp lý
Theo ông Nguyễn Như Quỳnh – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính thì báo cáo trên cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, hiệu quả sản xuất – kinh doanh của khối doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ chế quản trị doanh nghiệp Nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả…
Cụ thể về một số vướng mắc trong cơ sở pháp lý về quản trị công ty trong doanh nghiệp Nhà nước như: chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu; chủ sở hữu nhà nước can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp…
Chẳng hạn, theo quy định tại Luật số 69/2014/QH13, đối với công ty TNHH một thành viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định các vấn đề về huy động vốn; đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản cố định… đối với các dự án đầu tư lớn.
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, để có ý kiến và thực hiện quyền biểu quyết về các vấn đề quan trọng, người đại diện phần vốn nhà nước trong hội đồng quản trị/hội đồng thành viên cần báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, chấp thuận. Việc người đại diện phần vốn nhà nước phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi ra quyết định dẫn đến chi phí giao dịch cao và phát sinh trách nhiệm giải trình đối với hiệu quả của người đại diện.
Hay việc quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu được thanh tra đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý (theo Luật Thanh tra) là không phù hợp với chủ trương tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu.
Từ kinh nghiệm quản lý của mình, ông Nguyễn Như Quỳnh nhìn nhận, doanh nghiệp Nhà nước phải chịu nhiều sự giám sát, phải báo cáo, xin ý kiến quá nhiều, dẫn đến mất nhiều thời gian, không theo kịp diễn biến thị trường. Mọi kế hoạch đều phải xin ý kiến, dù có lãi nhiều hay ít thì mức lương cũng chỉ có vậy.