Kiên Giang
(VNTB) – Tới đây rất có thể các cơ quan báo chí sẽ thu phí từ các nhà mạng và thu phí người đọc báo điện tử để duy trì hoạt động.
Dịch Covid-19 khiến nhiều cơ quan báo chí giảm nguồn thu trầm trọng. Để duy trì hoạt động, tới đây rất có thể các cơ quan báo chí sẽ thu phí từ các nhà mạng và thu phí người đọc báo điện tử.
Đó là tin tức đăng trên nhiều tờ báo hôm 11-6 khi tường thuật về Diễn đàn “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”.
Theo lời dẫn trực tiếp của báo chí, thì tại diễn đàn, ông Hồ Quang Lợi, phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, có nói: “Do giảm nguồn thu, dẫn tới khó khăn, có những cơ quan báo chí không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động ở mức cần thiết. Nhiều nơi không có tiền để trả lương, trả nhuận bút cho phóng viên.
Từ khó khăn đó đã nảy sinh các vấn đề tiêu cực như: hoạt động vi phạm luật báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm suy giảm uy tín của báo chí với xã hội, đánh vào lòng tự trọng của báo chí. Đây là điều rất đau lòng”.
Không thấy dẫn lời của các đại diện báo chí có tòa soạn chính đặt tại Sài Gòn, về ý kiến ‘thu phí người đọc báo’.
Một nhà báo đã nghỉ hưu nói rằng rất có thể một vài tổng biên tập tham dự Diễn đàn “Báo chí và Bài toán phát triển nguồn thu”, họ không am tường thể loại báo chí trên nền tảng mạng internet.
Mục đích chính của báo chí ‘có môn bài’ lâu nay vẫn là tuyên truyền đường lối chính sách của đảng và nhà nước. Nguồn thu của báo điện tử chủ yếu là quảng cáo. Khi độc giả lướt trên tờ báo online, thì rất nhiều quảng cáo hiện ra. Đây tạm gọi là chỉ số ‘rating’ tương tự như bên truyền hình, và độc giả đó đã gián tiếp trả tiền cho tòa soạn, khi họ ‘buộc’ phải xem những quảng cáo này – dân làm quảng cáo gọi đây là ‘quảng cáo cưỡng bức’.
Nếu ai đó còn hoài nghi về doanh thu kể trên, cứ thử tưởng tượng, nếu google mà cũng thu phí người xem youtube, thì có lẽ sẽ dù có khổng lồ đến đâu chắc họ cũng khó sống nổi tới bây giờ!
Từ góc nhìn ở trên, có thể thấy rằng với số lần ‘nhấp chuột’ vào bài viết nào đó trên trang báo điện tử, sẽ tính toán được mật độ về lượt ‘quảng cáo cưỡng bức’ đã ‘lọt’ vào mắt độc giả. Bài học nhập môn trong vấn đề này mà hầu hết cánh phóng viên tập sự ở tòa soạn báo Tuổi Trẻ hồi thập niên 80 của thế kỷ trước được nghe giảng: rạp xi nê ở Mỹ trong những lần chiếu 2 phim trong một suất, sẽ có khoảng nghỉ giữa hai phim.
Quan sát cho thấy ở quầy thuốc lá, lần nọ hiệu Marlboro bất ngờ được khách chọn mua nhiều hơn. Nhiều lần như vậy, và khi được hỏi lý do chọn Marlboro, khách nói không rõ tại sao lại bất ngờ chọn, dù bình thường họ hút hiệu khác.
Thì ra đây là một khảo sát về tác dụng của ‘quảng cáo cưỡng bức’. Chủ rạp xi nê đã cho chạy hàng chữ nhỏ Marlboro trong một chu kỳ thời gian nhất định ở khung hình màn bạc. Kết quả, hình ảnh này ‘ăn’ vào tiềm thức người xem như một vô thức cho lựa chọn ngẫu nhiên sau đó.
Từ kết quả trên có thể thấy rằng ở một số tòa soạn báo chí điện tử như VnExpress, Zing, VietnamNet, Một Thế Giới…. họ đã thu hút lượt nhấp chuột của độc giả bằng những chuyên trang thuần giải trí mà người ta hay nói đó là ‘lá cải’; hoặc là những tuyến bài nóng về thời sự, về ‘hậu trường’… có sức thu hút tò mò của độc giả. Lượt nhấp chuột tìm đọc càng nhiều thì doanh thu quảng cáo ‘chảy’ về tòa soạn đó càng lớn.
Một số trang báo điện tử ‘không môn bài’ như trang Việt Nam Thời Báo chẳng hạn, khi đã thu hút được lượt nhấp chuột tương tác thỏa mãn các điều kiện của bên dịch vụ Online Advertising hay Internet Advertising nào đó, tất yếu sẽ có được nguồn thu từ quảng cáo. Nôm na, chỉ cần tờ báo ngày càng thu hút độc giả nhấp chuột tìm đọc, tờ báo ấy đã có thể an tâm mà sống và cạnh tranh.