Lịch sử thiêng liêng
(VNTB) – Những ngày này cách đây 69 năm về trước. Hàng chục vạn con người với hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa hòa với sắc áo tập trung về Ba Đình.
Đại diện Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lời tuyên bố trịnh trọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” – đã trở thành một dấu ấn, mở ra một chương mới trong lịch sử đấu tranh giành quyền cơ bản đó của dân tộc Việt.
Dù rằng, cái tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải đó đã trả giá với 1,5 triệu cái chết đối với binh lính và 2-5 triệu đối với dân thường, 2,3 triệu người lãnh chịu vết thương do chiến tranh, hàng triệu người khác bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và các hệ quả sau chiến tranh. Hệ sinh thái quốc gia, các giá trị văn hóa, lịch sử bị tàn phá, hủy diệt bởi các loại bom đạn, khí tài quân sự…
Nhưng rõ ràng, những giá trị mà Hồ Chủ tịch tuyên bố trong cái ngày mùa thu chính là những giá trị mà hàng triệu con người trong cơn lầm than đang khát vọng. Khát vọng về sự toàn vẹn của lãnh thổ, chủ quyền quốc gia. Về độc lập trong địa chính trị. Về sự tự do bên trong của mỗi một người Việt Nam. Chính vì phải có được sự độc lập quốc gia thì mới có được sự tự do dân tộc nên nhiều thế hệ người Việt đã quyết đánh đổi máu, nước mắt, tuổi thanh xuân để cho cái quyền thiêng liêng đó được hiện hữu.
Hiện tại khuyết tật
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua từ sau lời tuyên bố mùa thu ấy. Cái giá trị mà thế hệ “chưa bao giờ khuất” tìm kiếm còn lắm các khiếm khuyết. Nền độc lập dù có nhưng bị đe dọa thường trực về sự lệ thuộc từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự tự do dù có nhưng lại là sự tự do ràng buộc bởi các giá trị riêng của chính quyền thay vì là giá trị chung của nhân loại. Do đó, khái niệm về nền hòa bình lệ thuộc, một nền tự do giả tạo là điều được nhắc đến và bàn tán xôn xao, không phải vì nó mang tính mới mẻ, mà đơn giản vì thực trạng quốc gia đã lâm vào điều đó ngày một rõ ràng hơn với những khái niệm trải dài không dứt: Thành Đô, 258, 88, báo chí tư nhân, tập đoàn nhà nước, phê và tự phê, kỷ luật Đảng, quả đấm thép,tự tử trong đồn, bầy sâu, giải tỏa đất đai, thoát Trung, vì đại cục…
Những điều đó làm cho các giá trị “tự do-độc lập” trở nên khuyết tật. Sự khuyết tật đó được cấu thành bởi nhóm người (lãnh đạo) cơ hội sẵn sàng bán rẻ lợi ích quốc gia-dân tộc, và trạng thái không- không muốn ý thức của đa số người dân về quyền tự do, độc lập vốn đang bị bóp méo.
Thế nên mới có cái thực trạng là nhiều dân Việt ra đường gặp quán nhậu, về nhà bật tivi thấy hát hò, nhảy múa… Các vấn đề về chủ quyền, biển đảo, quyết định của lãnh đạo, nạn tham nhũng, quan liêu… chỉ là vấn đề đọc – nghe cho biết, chứ không phải là sự quan tâm – tìm hiểu. Các chính trị gia cơ hội được hình thành từ khi giới cầm quyền tha hóa theo đó thoải mái với những dự định, kế hoạch lợi riêng của mình.
Một mùa thu khác
Dịp 02/09 này, chúng ta nên tự hào vì đó là ngày đánh dấu sự hiện diện của đất nước trên bản đồ thế giới. Bởi đó là cách tốt nhất để chúng ta nhắc nhở mình không được phép quên giá trị thiêng liêng đó vào bất kỳ thời điểm nào, hoàn cảnh nào.
Và rằng, nếu các giá trị ấy bị phủ lấp, quyền tự do bị hạn chế, nền độc lập có nguy cơ lệ thuộc thì sự đấu tranh của chúng ta cũng chính là sự tiếp nối không mệt mỏi của thế hệ đi trước, đó là sự lựa chọn đúng đắn về lý trí lẫn trái tim cho một tương lai bền vững của quốc gia – dân tộc Việt Nam… Để rồi, một ngày không xa, sẽ có một mùa thu khác. Nhưng không còn sự trịnh trọng tuyên bố, mà thay vào đó là nỗi hân hoan đồng thanh, trong không gian độc lập, tự do thực sự.
Liên Sơn