Việt Nam Thời Báo

VNTB- Đối đầu mang tính chiến lược giữ Trump và Tập

Lê Hong Hiep
Phạm Nguyên Trường dịch
(VNTB) – Trong thời cổ đại, các hoàng đế Trung Hoa không bao giờ tới nước khác để gặp người nhà cầm quyền mới của nước đó. Thay vào đó, nhà cầm quyền đó hay sứ giả của ông ta phải tới thủ đô của Trung Quốc để xin Thiên tử tấn phong.

Sự kiện là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi hàng ngàn dặm để gặp Tổng thống Mỹ, Donald Trump, ở Mar-a-Lago, chứ không phải là đón Trump ở Tử Cấm Thành, làm cho người ta nghĩ rằng Trung Quốc công nhận mình như là cường quốc dưới cơ Mỹ.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Tập coi tình trạng này là nhất thành bất biến. Ngược lại, ông ta có thể nghĩ rằng vị trí chiến lược của hai nước sẽ thay đổi một cách rất nhanh chóng, nếu Mỹ không làm nhiều hơn nữa để bảo vệ vị trí siêu cường hàng đầu trên thế giới của mình.
Những cuộc thảo luận về sự vươn lên của Trung Quốc và suy giảm tương đối của Mỹ đã diễn ra trong suốt gần một thập kỉ qua. Nhưng, quan điểm cho rằng Trung Quốc sẽ chiếm vị trí của Mỹ và trở thành siêu cường giữ thế thượng phong trên thế giới không được nhiều người coi là hợp lí – cả các chuyên gia Trung Quốc lẫn các nhà quan sát trên toàn thế giới đều nghĩ như thế – cho đến khi Trump trở thành tổng thống.
Quan điểm mới này có thể được củng cố hơn nữa ở Mar-a-Lago. Mặc dù sự kiện này được người ta trình bày như là dịp để hai nhà lãnh đạo làm quen với nhau, Trump được cho là sẽ thảo luận với Tập ít nhất là ba vấn đề chính: Thâm hụt thương mại quá lớn của Mỹ trong giao thương với Trung Quốc, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông.
Cả hai nhà lãnh đạo chắc chắn đều muốn người kia nhượng bộ về những vấn đề này, để ông ta có thể xuất hiện như người “chiến thắng” trong cuộc họp thượng đỉnh. Trump cần kết quả thuận lợi để bù đắp cho một loạt thất bại về chính trị ở trong nước, làm suy giảm vốn liếng chính trị của ông ta, đã làm cho số người ủng hộ ông giảm tới mức thấp kỉ lục. Còn Tập thì muốn có một chiến thắng về ngoại giao nhằm củng cố vị thế chính trị của mình trước Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng Sản Trung Quốc, sẽ được tiến hành vào tháng 11 này.
Về thương mại, Trump muốn cắt giảm lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, có thể là bằng cách áp thuế suất cao hơn đối với hàng hóa của Trung Quốc và áp lực các nhà sản xuất của Mỹ và quốc tế chuyển các cơ sở sản xuất về Mỹ. Nhưng, Trump dường như không thể giành được thắng lợi về vấn đề này. Việc áp đặt thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc sẽ khơi mào cho những tranh chấp thương mại, và phản ứng cứng rắn từ phía Trung Quốc, làm cho các doanh nghiệp của Mỹ bị thiệt hại, mà họ chính là người làm ra của cải – và sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Mỹ – tại những cơ sở sản xuất của mình ở Trung Quốc.
Một giải pháp thay thế tốt hơn đối với Trump là thuyết phục Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn hàng hóa của Mỹ. Nhưng Trung Quốc phải cần thời gian thì mới thay đổi được. Về phía Mỹ, Trump không thể chỉ đơn giản là áp đặt hạn ngạch cho các công ty, họ phải quyết định trên cơ sở những điều kiện của thị trường.
Trong khi đó, Trump úp mở rằng ông ta có thể có quan điểm mềm dẻo hơn về thương mại nếu Tập giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhưng Tập biết rằng ông ta có lợi thế hơn trong vấn đề thương mại, sẽ không dễ lùi bước. Thay vào đó, ông có thể nói rằng Trung Quốc sẽ hợp tác để đổi lấy việc Mỹ ngưng triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc.
Hoàn toàn có khả năng là Trump sẽ bác bỏ đề nghị này. Tuy nhiên, ông ta có thể đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Trong thời gian gần đây, Bắc Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa, bất chấp những biện pháp trừng phạt của Trung Quốc. Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu than của Bắc Triều Tiên – nguồn thu chính của chế độ này. Nếu Trung Quốc không kiểm soát được Bắc Triều như người ta nghĩ, thì Tập có thể sẽ không có bất kỳ nhượng bộ chiến lược nào đối với Trump trong việc giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Có thể nói tương tự như thế về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nói rõ rằng yêu sách về lãnh thổ của mình là “lợi ích cốt lõi”, có nghĩa là nước này sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ quan điểm của mình. Một số nhà quan sát đã chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ, Barack Obama, vì quá nhu nhược về vấn đề này, ông đã để cho Trung Quốc khẳng định các tuyên bố của mình mà không bị ngăn chặn trong suốt tám năm qua. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là nếu Obama làm bất cứ việc gì nhằm ngăn chặn Trung Quốc thì sẽ gây ra nguy cơ xung đột giữa các siêu cường. Trump cũng muốn ngăn chặn những vụ xâm lấn mang tính chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, Nhưng, cuộc gặp của ông ta với Tập sẽ chứng minh rằng các lựa chọn của ông là có giới hạn, tương tự như Obama mà thôi.


Với những khó khăn như thế, Trump gần như chắc chắn sẽ không giành được chiến thắng về mặt chính trị ở cuộc hội nghị thượng đỉnh này. Trong khi đó, Tập có thể hân hoan trở về bằng cách đơn giản là giữ vững quan điểm của mình. Kết quả với xác suất khá cao này sẽ củng cố thêm quan điểm cho rằng Mỹ đang nhường dần ảnh hưởng trên thế giới cho Trung Quốc, đặc biệt các nhà quan sát trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, những người đã thấy Trump hủy bỏ TPP và vụ “xoay trụng” mang tính chiến lược của Obama về khu vực này.
Do sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Mỹ, chính quyền theo chủ nghĩa biệt lập và bài tự do của Trump có thể không có đủ vốn liếng chính trị và quyết tâm nhằm trì hoãn, chứ chua nói tới việc đảo ngược, quá trình chuyển dịch sức mạnh trên toàn cầu sang phía Trung Quốc. Quá trình chuyển dịch này sẽ chỉ tăng tốc hơn nữa trong và sau nhiệm kì Tổng thống của Trump, đấy là nói nếu không có những thay đổi lớn nhằm giữ vững thế thượng phong trên toàn thế giới mà Mỹ đã phải trả giá đắt và tốn nhiều công sức mới có được.
Le Hong Hiep cộng tác viên tại ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore, và là tác giả tác phẩm sắp xuất bản Living Next to the Giant: The Political Economy of Vietnam’s Relations With China Under Doi Moi (Tạm dịch: Sống bên cạnh người khổng lố: Kinh tế chính trị học vế quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc trong thời kì đổi mới).
————————

https://www.project-syndicate.org/commentary/trump-xi-florida-summit-by-le-hong-hiep-2017-04

Tin bài liên quan:

VNTB- Người dân Cuba muốn chủ nghĩa tư bản

Phan Thanh Hung

VNTB – Xuất khẩu mô hình Trung Quốc

Phan Thanh Hung

VNTB- Thư ngỏ gửi các ứng viên tổng thống: Mĩ phải coi dân chủ là trọng tâm của chính sách đối ngoại

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo