VNTB – Đôi lời chót minh oan cho sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều

VNTB – Đôi lời chót minh oan cho sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều

Giang Tử

 

(VNTB) – Cơn bão lũ phản ứng sách Tiếng Việt 1 bộ cánh Diều vẫn chưa hẳn ngưng trên mạng xã hội, mặc dù những người làm sách đã hứa hẹn sẽ chỉnh sửa lỗi.

Chẳng phải họ thành tâm cầu thị. Ban đầu ông chủ xị ngạo nghễ lên tiếng xỉ mắng người góp ý là “không  tử tế”, “cạnh tranh không lành mạnh”. Mấy người biên tập sách thì mắng giới FB là “bất lương”, “xảo trá”…. Đủ cả.

Chỉ vì ông thủ tướng Phúc đã giận dữ tuyên bố gay gắt về bộ sách này.

Nghe nói Quốc Hội cũng chuẩn bị đưa chủ đề vào kỳ họp. 

Chỗ rách sẽ càng rách to hơn.

“Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”.

Nhà báo Bạch Hoàn cho biết chị đã mua đủ 5 bộ sách và đọc một mạch.

Không chỉ bộ Cánh Diều, bốn bộ sách khác của Nhà xuất bản giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng độc hại không kém. Sau khi dành hai ngày đọc hết tất cả các sách Tiếng Việt lớp 1, tôi thật sự xót xa và hoảng sợ. Con cháu chúng ta bị nhồi sọ từ những bước đầu đời, bị dạy dỗ những điều sai trái, những tư duy độc hại, phản giáo dục, phản văn minhĐiển hình là Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” – cũng đang tồn tại vô số lỗi sai và các thông điệp giáo dục độc hại. 

Thông điệp giáo dục ẩn sau bài học mà lệch lạc và độc hại thì sẽ đáng sợ hơn nhiều so với câu từ vụng về, bài học nhạt nhẽo. Thế nên, tôi thấy mình có trách nhiệm phải tập trung vào thông điệp giáo dục, thay vì chỉ nhặt sạn câu từ. Với tôi, thông điệp giáo dục sai là một liều thuốc độc”.

Trong số các ý kiến phản biện, có một ý kiến lãng mạn của nhà giáo TS Giáp Văn Dương. Anh học nước ngoài về (nước Áo), dạy Trường Tiểu Học Times School, Hà Nội, không hề biết gì về triết lý giáo dục Việt Nam. Bởi vậy anh khẳng định với vẻ đòi hỏi thúc bách:

Triết lý giáo dục rất quan trọng, vì nó trả lời thẳng thừng vào câu hỏi: Chúng ta định đào tạo con người nào?  Chỉ khi nào có một triết lý giáo dục đúng đắn dẫn dắt, thì các hoạt động giáo dục mới trở nên có ý nghĩa và có tính hướng đích”.

Vô số giáo viên dạy học nhưng rất ít người biết Luật Giáo dục đã qui định Triết lý giáo dục.

Nếu biết Luật, thầy cô sẽ biết rất rõ sản phẩm mình sẽ đào tạo ra cần có những phẩm tính gì, và làm thế nào để đạt được điều ấy. Trò cũng phải biết rất rõ học thế nào và học để làm gì. Nhà trường, và rộng hơn là cả hệ thống giáo dục, sẽ biết cách tổ chức và vận hành làm sao để hiện thực hóa được triết lý giáo dục mà mình đã lựa chọn.

Tuy nhiên, hiện giờ về mặt thực hành thì triết lý giáo dục là một sự bế tắc và một cơn đau đầu kinh niên của giáo dục Việt Nam. Đau đầu và bế tắc không phải vì không ai biết bệnh, mà vì không dám gọi tên một cách tường minh và tìm cách chữa trị nó. Vì thế, những cải cách trong mấy chục năm qua cứ quẩn quanh giậm chân tại chỗ.

Điều này cũng giống như một người không có triết lý và giá trị sống, nên không biết sống để làm gì và mất định hướng trong việc ra các quyết định quan trọng. Hệ quả là cứ chạy theo sự vụ và dư luận để đối phó và phản ứng.

Xin thưa, các nhà làm sách giáo khoa của ta không cần phải tự xác định mà Triết lý Giáo dục của Việt Nam đã được quy định rồi:

“Điều 3. Tính chất, nguyên lý giáo dục”

“1. Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục Xã Hội Chủ Nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy Chủ Nghĩa Mác -Lê nin và Tư Tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng” (Luật giáo dục 2019).

Theo đúng Luật mà phân tích. nhà khoa học lão thành Trần Gia Ninh viết như sau:

1/ Thiên hạ phê phán chuyện Cò Cá Cua trong sách là dạy trẻ sai. Theo Mỗ, phê phán thế là chưa chuẩn. Dù sống cùng nhau trong một đầm lầy, nhưng Cá thiếu cảnh giác với kẻ địch là Cò nên bị Cò hại chết, còn Cua nhờ cảnh giác nên Cò không ăn thịt được. Đây chính là thể hiện lý thuyết Lênin về địch ta, về cảnh giác cách mạng. Dạy bài này cho trẻ là dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác Lê”, sao gọi là sai ?

2/ Lại nói chuyện nhóm Cánh Diều bị chê trách “dùng từ ngữ lạ hoắc, không phổ biến, khó hiểu”, ví như “nhá”, “chộp”,”tớp”, “đợp”,”cuỗm”… Có lẽ không nên chê họ. 

Ngôn ngữ là sự sáng tạo, gây ấn tượng, lúc đầu lạ sau quen, nói mãi sẽ thành hay. Ví dụ như chữ trong Tuyên Ngôn Cộng Sản của Mác là “Proletariat Dictature” dịch đúng phải là “Độc Tài Vô Sản”. Tuy nhiên, dùng chữ như thế “thật quá”, “ nghe hãi quá”. Vậy nên các tiền bối ngôn ngữ cách mạng bèn đổi “độc tài“ thành ra “chuyên chính” (cả cụm từ là chuyên chính vô sản – trang chủ chú), tuy khó hiểu nhưng nghe cao siêu, hình ảnh hơn, sau thành quen, dân chấp nhận là ngôn ngữ cách mạng tiến bộ… 

Noi gương đó, ngay từ đầu đời dạy các từ ngữ lạ cũng là một cách hay, không trái với phép tu từ ngôn ngữ Mác Lê. Vậy “Cánh Diều” dùng các ngôn ngữ lạ, tuy lúc đầu không hợp nhưng dần dần sẽ hay, giống như phương pháp tu từ trong Mác Lê là chuẩn. Dân mạng phê phán là do cảm tính, thiếu cơ sở lý luận !

3/  Chuyện “Ve và Kiến” của nước Pháp đổi thanh “Ve và Gà” khiến những người yêu La Phông ten phẫn nộ, cho là vô lý. 

Thực ra cũng vô lý thật, ve và kiến chung sống thì hợp lý quá, con gà thấy ve thì mổ xơi ngay, sao mà bạn bè giúp nhau được! Nghĩ đi thì thế, nghĩ lại thì cũng có lý. Rõ ràng là anh chàng gà là khổng lồ so với ve, và lúc nào cũng sẵn sàng ăn tươi nuốt sống anh hàng xóm VE nhỏ bé. Nhưng Ve thì vẫn tin vào lòng tốt anh hàng xóm đó chứ sao không. Vì đại cục, vì cùng một kiểu làm ăn, cùng ý thức hệ thì sẽ gắn kết, còn được tặng 16 chữ vàng và lời hứa “bốn lành“nữa. Thế thì đổi ngụ ngôn gà thay kiến là một sáng tạo “đưa cuộc sống vào bài học”, là đúng với Triết Lý XHCN, sao lại lên án ?

Còn rất nhiều thí dụ nữa, nhưng nói ra thì dài quá, mất thời gian. Thôi tự các vị theo mẫu đó mà phân tích sẽ thấy cái thiếu sót của mình. Đến ngay như TS Giáp văn Dương tuy đã nói rất đúng rằng phải đặt mục đích là viết SGK sẽ được dùng để đào tạo con người nào. Nhưng TS lại vội tự trả lời là để “Đào tạo con người tự chủ, sống hạnh phúc, làm việc hiệu quả”. Thế là trái với Luật  giáo dục rồi! 

Nhiều người phản biện có lẽ cũng nghĩ một cách lương thiện, tự nhiên như vậy.

Thực ra, theo Luật thì phải đào tạo ra “con người xã hội chủ nghĩa“ chứ ! Vì vậy, tất cả các thành phần của chương trình giáo dục đều phải hướng đến việc hiện thực hóa triết lý giáo dục này.

Túm lại, cuộc tranh cãi sôi động về SGK Cánh Diều TV1 này là không thể có kết thúc vì:

– Những người phản biện thì tin rằng, như bất kỳ nền giáo dục tiến bộ nào, giáo dục Việt Nam phải dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng, đào tạo ra những con người tự do, tự chủ, biết tự trọng và chịu trách nhiệm với mình và xã hội.

– Họ không biết hoặc quên mất rằng luật quy định giáo dục Việt Nam phải dựa trên cơ sở chủ nghĩa Mác & Lê là “đào tạo ra những con người XHCN” (con người XHCN là thế nào xin tự trả lời lấy).

– Gốc là điều đã ghi trong Luật Giáo Dục. Có ai dám phản biện lại cái gốc là luật Giáo Dục đó không ? 

Luật Giáo Dục là tập hợp của trí tuệ Việt Nam, đã được gần 500 đại biểu quốc hội sáng suốt thông qua, ngu gì mà lại dám góp ý. Vậy cho nên Mỗ rửa tai lắng nghe phản biện của những người dũng cảm, hiểu biết và lương thiện về cái gốc này.

Lời kết

Đừng quên rằng các anh đang bôi những nét mực đầu tiên lên tờ giấy trắng tâm hồn học sinh lớp một. Đó là nguyên lý giáo dục truyền thống dân tộc để lại.

Đừng quên: các anh đang đứng chân ở “vùng trũng nhất nhì thế giới về khoản này”, nơi “thành tựu” còn đang ở mức “nhai lại dở dang”.

Hãy nhìn vào thực tế thất bại thảm hại của ngữ văn phổ thông 20 năm qua. 

Hãy cố gắng, dù chỉ một lần, nghĩ về nỗi đau khổ của người học và tổn thất mà xã hội đang gánh chịu vì phải học sách các anh soạn từ chương trình do chính các anh vẽ ra (ý  kiến nhà báo Chu Vĩnh Hải).

___________________

Ghi chú:

Facebook Bạch Hoàn: https://www.facebook.com/bachhoanvtv24/posts/2823364721244098

Facebook nhà giáo Trần Gia Ninh: https://www.facebook.com/gianinh.tran.3/posts/2715670195313234

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)