VNTB – Đổi mới chính trị phải làm sao đi kịp với kinh tế

VNTB – Đổi mới chính trị phải làm sao đi kịp với kinh tế

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Việc phát triển nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo là sáng tạo của Việt Nam khi vận dụng Chủ nghĩa Mác – Lênin, vì Mác – Ăngghen cũng không nói kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Thế nhưng sáng tạo đó của Việt Nam lại cho thấy cần xem xét lại về tính tương thích chung ở nền kinh tế toàn cầu.

Sở dĩ cần xem lại, vì nếu theo cách dùng từ của cơ quan tuyên giáo Đảng, giờ chúng ta đã hội nhập rất sâu, ký đến 12 hiệp định thương mại tự do, song lại vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước này, tất yếu sẽ làm khả năng cạnh tranh của chúng ta kém đi.

Kém đi ở đây còn là chuyện đổi mới chính trị cần làm sao đi kịp với kinh tế; trong đó cần xem lại việc kiểm soát quyền lực lâu nay chỉ tập trung ở một nhóm quyền lực cố định thuộc Bộ Chính trị, vì lối tập quyền này là nguồn gốc để củng cố cho tham nhũng quyền lực.

Đổi mới chính trị đó, có thể nhìn từ nước Mỹ. Những ngày này, ngoài việc bỏ phiếu bầu chọn tổng thống mới, cử tri Mỹ còn có nhiệm vụ bỏ phiếu bầu chọn cho các ứng cử viên nghị sĩ tranh cử vào Hạ viện, Thượng viện và các chức chức thống đốc bang và các vùng lãnh thổ.

Một công cho rất nhiều đầu việc, và tất cả đều là lá phiếu dân chủ, chứ không phải qua các bước ‘quy hoạch nhân sự’ ở một nhóm quyền lực tại trung ương như Việt Nam.

Nhìn từ nước Mỹ, người ta có thể thấy rõ sự cạnh tranh bình đẳng giữa các ứng viên khi đăng đàn trước bàn dân thiên hạ. Tài hùng biện cần có của một chính khách, khả năng quản trị quốc gia… được các ứng viên thi thố qua việc đưa ra, và vận hành cụ thể ra sao các quyết sách nếu như họ được người dân tín nhiệm.

Cuộc bỏ phiếu bầu ra các hạ nghị sĩ được tổ chức 2 năm một lần. Còn cuộc bỏ phiếu bầu ra các thượng nghị sĩ được tổ chức mỗi 6 năm. Vì vậy, năm 2020 là một năm đặc biệt đối với nước Mỹ, khi cả 3 cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống, Hạ viện, Thượng viện diễn ra đồng thời. Ngày bầu cử chính thức được ấn định là 3-11, nhưng cử tri nhiều bang đã được bỏ phiếu từ vài tuần trước đó.

Còn ở Việt Nam, suốt từ năm 2019 đến nay, người dân cứ ám ảnh về những đấu đá, những bắt bớ rất thường thấy dần khi đến thời gian gọi là “Hoa Sơn luận kiếm”, từ đại hội đảng cấp địa phương cho tới cấp trung ương bộ, ngành. Phải đến cuối tháng 3-2021, đại hội Đảng lần thứ XIII mới khai diễn, và khi đại hội này kết thúc, ngân sách lại quốc gia lại tiếp tục đổ ra bạc ngàn tỷ cho bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ mới, rồi tiếp nữa là nội các Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Lòng vòng kiểu ‘làm nhân sự’ ở thể chế chính trị độc đảng tại Việt Nam, tiếc thay lại không mang đến hiệu quả tương ứng như nhiều quốc gia khác có cung cách quản trị đơn giản hơn – như việc người dân Mỹ hiện đi bỏ phiếu bầu cùng lúc các vị trí tổng thống, các ứng cử viên nghị sĩ tranh cử vào Hạ viện, Thượng viện và các chức chức thống đốc bang và các vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, cử tri Mỹ còn bỏ phiếu bầu đại biểu các cơ quan lập pháp địa phương, và nhiều vị trí trong toà án tại khắp các tiểu bang ở Mỹ.

Ở Việt Nam khi lạm bàn về yêu cầu “đổi mới chính trị” sẽ dễ bị suy diễn là có ý đồ ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’, và khả năng đối mặt tù tội về chuyện chống phá Đảng.

Với tâm thế dè dặt đó, người viết bài này muốn khoanh vùng hẹp hơn, đó là khi nói về yêu cầu đổi mới chính trị đồng bộ, phù hợp với đổi mới kinh tế, phản xạ tự nhiên trong tư duy của cán bộ lãnh đạo, quản lý và do đó chi phối cả tư duy xã hội, là chỉ thường khoanh vùng vào hệ thống chính trị, còn các yếu tố khác, cấu phần khác của chính trị không được nhận thức và chú trọng đầy đủ.

Trong đó có công nghệ chính trị giải quyết một điểm nóng, một cuộc xung đột, một tình huống bất ổn xảy ra cần đến một công nghệ chính trị, thì dường như “Đảng – Nhà nước” đang lẩn tránh. Nên nhớ, trong công nghệ chính trị, nó không chỉ giải quyết các bất ổn định, cao hơn còn là khủng hoảng.

Chẳng hạn, công nghệ bầu cử được các nước phát triển rất chú trọng, còn “Đảng – Nhà nước” ở Việt Nam mới thừa nhận là trong bầu cử không rơi vào trạng thái nhất nguyên, tức là bầu cử có số dư. Còn vấn đề tranh cử, ứng cử viên tiếp xúc với cử tri, vấn đề tiếp xúc đối thoại, phản biện để tạo ra một môi trường xã hội dân chủ, tạo ra một không gian để cử tri lựa chọn những đại biểu xứng đáng, vẫn còn dừng ở chuyện kiến nghị cần phải có.

Do công nghệ chính trị yếu, nên công bằng mà nói, “Đảng – Nhà nước” cũng chậm thực hành văn hóa chính trị, một vấn đề rất quan trọng nhưng Việt Nam chưa làm được bao nhiêu.

Xin tạm kết ở đây bằng một lập luận theo cách thức của Văn kiện Đảng: Đảng chỉ cần hệ thống những chuyên gia giỏi, không nên biến đảng viên thành công chức, lãnh đạo Đảng trở thành người quản lý hành chính, chỉ thị mệnh lệnh lãnh đạo theo kiểu hành chính.

Từ lâu, V.I. Lê-nin đã chỉ ra: ra lệnh là dễ nhất nếu có chức có quyền, nhưng tệ hại nhất. Vì nó phạm vào dân chủ, làm thụ động con người, không trực tiếp kích thích được các nhân tố sáng tạo, trong khi chúng ta cần phát huy mọi năng lực sáng tạo của con người.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)