Tâm Don
(VNTB) – Vụ ba người phụ nữ yếu ớt Mai Thị Tịnh, Mai Thị Tiệm và Lê Thị Thủy bị kết án tù thực chất chỉ là những đòn thù tàn bạo của chính quyền mang tính răn đe và trấn áp đối với những địa phương, những con người đã dung cảm bảo vệ quyền sống của mình.
Những người phụ nữ yếu ớt Mai Thị Tịnh, Mai Thị Tiệm và Lê Thị Thủy chính quyền Hà Tĩnh bị kết án tù
Đòn thù răn đe
Theo nhiều nguồn tin, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa mở phiên toà sơ thẩm vụ án gây rối trật tự công cộng tại xã Kỳ Nam vào tháng 12/2015.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Hoàng Thị Thái (SN 1968), Mai Thị Tịnh (SN 1968), Mai Thị Tiệm (SN 1964) đều trú tại thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam; Lê Thị Thủy (SN 1993, trú tại khu tái định cư Ba Đồng, phường Kỳ Phương, TX. Kỳ Anh).
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ 09h30’ ngày 11/12/2015, tại Km578+200 trên QL1A (khu vực đèo Con, thuộc thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam), nhiều người dân địa phương dùng gạch đá, cây cối, các chướng ngại vật ném ra đường; tụ tập, ngồi thành hàng ngang chặn không cho các phương tiện tham gia giao thông nhằm gây áp lực, đưa yêu sách đòi cơ quan chức năng thả 2 đối tượng Hoàng Văn Thiết, Nguyễn Hữu Phương (người cùng địa phương) bị bắt giữ trước đó về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.
Vụ việc khiến hoạt động giao thông trên tuyến QL1A qua khu vực này bị tê liệt hoàn toàn hơn 20 giờ đồng hồ.
Báo Hà Tĩnh- công cụ tuyên truyền của đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh, không cho biết ba người phụ nữ nói trên bị bắt giữ vào thời điểm nào, và mỗi người nhận bao nhiêu tháng tù giam hay tù treo, chỉ nêu ra rằng: ba người phụ nữ nói trên nhận mức án 24 tháng tù.
Hoàng Văn Thiết, Nguyễn Hữu Phương là ai?
Đông Yên thuộc xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Tỉnh Hà Tĩnh là một giáo xứ lâu đời sống bằng nghề biển, nay bị cưỡng bức chuyển lên vùng núi gần Quốc lộ 1A, để nhà cầm quyền lấy đất của họ, nhưng điều trớ trêu là họ bị đuổi khỏi quê hương khi mà đất đai họ ở chưa có một dự án cụ thể nào, mà chỉ là vì họ ở quá gần đại dự án tai tiếng Formosa Hà Tĩnh. Cuộc di dời người dân ở đây đã gây ra nhiều hệ quả đau thương, tan nát.
Điều người dân bức xúc hiện nay, là những người đến nơi tái định cư đã không được yên ổn làm ăn và đời sống của họ lâm vào hoàn cảnh khó khăn không lối thoát vì bao đời nay họ bám biển để sống, giờ lên núi không có nghề nghiệp, đồng thời các cơ sở hạ tầng, ô nhiễm… luôn là vấn đề gây ức chế cho họ.
Một số người tại nơi cũ gồm 158 hộ gia đình với khoảng 1000 giáo dân không di chuyển, nhà cầm quyền đã dùng mọi cách để trấn áp họ và cách tàn bạo nhất là đập phá trường học không cho học sinh tiếp tục học hành. từ năm ngoái đến năm nay, 155 học sinh phổ thông đã không được học hành.
Vào ngày 12 tháng 11-2015, hàng ngàn giáo dân Đông Yên, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã kéo nhau lên đòi nhà cầm quyền cho biết lý do chặn bắt cóc một số người thuộc Giáo xứ Đông Yên ngày 11-11, trong đó có hai người là Hoàng Văn Thiết và Nguyễn Hữu Phương. Đường Quốc lộ 1A và 1B đã bị chặn và tắc nghẽn từ 8h đến 16 giờ.
Người dân Đông Yên cho biết: Ngày 11-11-2015, ông Hoàng Văn Thiết đi làm về bị công an chặn bắt ở Cầu Rác và ông Nguyễn Hữu Phương bị chặn bắt ở Khu Công nghiệp Formosa mà gia đình và giáo dân không hề được biết lý do bắt giữ. Ông Hoàng Văn Thiết là Trưởng ban An Ninh Giáo xứ, ông Nguyễn Hữu Phương, hiện là Phó ban An ninh Giáo xứ Đông Yên.
Việc chặn bắt giữ người này không đúng theo trình tự pháp luật và không có lý do chính đáng, gia đình và bà con giáo dân không hề hay biết. Người dân đã đi hỏi lý do nhưng không nhận được trả lời từ phía chính quyền.
Trước đó, có một gia đình ở Đông Yên đã bị ném vật nổ vào nhà hỏng mất một vạt sân, sau đó công an đã tập trung về rất đông. Hai người bị đã bắt đi không rõ lý do, không đúng các quy định pháp luật đã gây ra sự ngờ vực và bức xúc của người dân tại đây.
Trước đó nữa, vào ngày 5/10/2015 lúc gần 9h sáng, một chiếc xe biển số xanh chở 4 người không mặc sắc phục đi vào một gia đình ở Đông Yên tại khu Tái định cư bên đường Quốc lộ 1A, Hà Tĩnh đoạn qua Vũng Áng. Đây là gia đình có người bị bắt giữ hơn một tháng nay và việc bắt giữ, theo giáo dân là trái pháp luật và đạo đức. Theo giáo dân Đông Yên, mục đích của việc này, là nhằm để bắt giữ tiếp người con thứ 2 của gia đình.
Sau khi 4 người vào gia đình, giáo dân đã tập trung đến và yêu cầu cho biết họ là ai, đến đây với mục đích làm gì mà không có sắc phục và không có lệnh nào, cũng không có chính quyền địa phương hoặc ít nhất là xóm trưởng đi cùng. Họ đã không trả lời thỏa đáng những căn cứ pháp luật của việc này và đã bị người dân giữ lại.
Đông đảo giáo dân Đông Yên đã bất bình và bao vây 4 người lạ mặt này để xác minh xem họ là ai. Khi được biết họ là công an, thì giáo dân đã yêu cầu họ thả ngay một giáo dân đã bị bắt vô cớ trước đó hơn một tháng là anh Nguyễn Xuân Toàn. Bởi theo giáo dân, những người chủ động gây sự đáng bắt thì nhà cầm quyền đã không bắt, lại bắt một người chỉ vì sự công chính và sự thật mà bày tỏ thái độ của mình.
4 người bị giữ lại đã được bảo vệ trong nhà của giáo dân, nơi họ đến và được đối xử tử tế, gia đình nấu cơm, nước mời họ ăn và Tổ an ninh thôn đã bảo đảm an toàn cho họ về tài sản và con người trong suốt quá trình họ ở đó.
Sau đó, một Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh là ông Đặng Quốc Khánh, hai Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh là Đại tá Bùi Đình Quang, và ông An, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Thị xã Kỳ anh, Trưởng Công an Thị xã Kỳ Anh ông Đại tá Đặng Hoài Sơn, ông Tiến Chủ tịch UBND xã là ông Sơn đã mời Ban Hành Giáo và Cán bộ thôn và đại diện gia đình người bị bắt để thương lượng. Qua cuộc thương lượng, bên phía chính quyền đã cam kết sẽ thả người bị bắt là ông Nguyễn Xuân Toàn sau hai ngày nữa.
Theo nhận định của một số người dân Hà Tĩnh, Đông Yên là một điểm nóng, rất nóng ở Hà Tĩnh. Chính quyền Hà Tĩnh đã kiên quyết bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư Formosa mà bỏ quên lợi ích chính đáng của người dân Đông Yên. Con giun xéo lắm cũng quằn, người dân Đông Yên đã cất cao tiếng nói đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình đã bị phá nát, dẫm đạp. Sự phản kháng dù rất ôn hòa của người dân Đông Yên đã làm chính quyền khó chịu. Và, chính quyền đã ngụy tạo các chứng cứ mù mờ để bắt giữ trái pháp luật một số người dân vô tội để hòng dập tắt sự phản kháng. Và việc ba người phụ nữ yếu ớt Mai Thị Tịnh, Mai Thị Tiệm và Lê Thị Thủy bị kết án tù thực chất chỉ là những đòn thù tàn bạo của chính quyền mang tính răn đe và trấn áp đối với những địa phương, những con người đã dung cảm bảo vệ quyền sống của mình.