Việt Nam Thời Báo

VNTB – “Dr. Thanh” bị cáo buộc sử dụng hợp đồng giả cách

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) –  Cha con ông Trần Quý Thanh không thừa nhận “hợp đồng giả cách” mà cho rằng là chuyển nhượng cổ phần 

 

Theo nhà chức trách xác định, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát cùng hai con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích đã cho một số người vay lấy lãi “dưới mức cấu thành tội phạm về cho vay lãi nặng”. Khi cho vay, ông Trần Quí Thanh không làm hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản, mà buộc các doanh nghiệp, cá nhân phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án. Giá trị của các dự án, bất động sản trong hợp đồng có giá trị thấp hơn nhiều lần so với thực tế.

Theo cơ quan điều tra, khi bên vay làm thủ tục chuyển nhượng tài sản cho bên Tân Hiệp Phát, ông Thanh chỉ đạo hai con gái làm thủ tục sang tên cho mình để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Mặc dù bên vay đã thực hiện nghĩa vụ trả đầy đủ gốc, và nợ lãi theo thỏa thuận những ông Thanh vẫn dùng các thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả lại tài sản và chiếm đoạt tài sản.

Bằng thủ đoạn trên, từ tháng 1-2019 đến 11-2020, ba cha con Chủ tịch Tân Hiệp Phát đã chiếm đoạt tài sản, dự án, thửa đất của một số cá nhân. Theo cơ quan điều tra, tổng giá trị các tài sản là 767 tỷ đồng.

Trên thực tế thì hợp đồng giả cách tồn tại khá phổ biến trong đời sống xã hội, đây là là hợp đồng được thiết lập trên cơ sở một quan hệ dân sự khác trước đó. Nội dung hợp đồng này không phải là ý chí thực của hai bên, mà chỉ là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác nên không có hiệu lực pháp luật.

Như vậy nếu chiếu theo điều 123 đến điều 129 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, trong đó có trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo, được quy định tại điều 124 Bộ Luật dân sự, thì hợp đồng giả cách không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên, pháp luật không thừa nhận và bảo vệ loại hợp đồng này nên đương nhiên là bị vô hiệu theo quy định của pháp luật:

“Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

 Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.

Theo giới luật sư, “hợp đồng giả cách” được thực hiện trong nhiều tình huống, như khi mua bán nhà khai thấp so với giao dịch thực tế để “tránh thuế”…, nhưng hay gặp và cũng gây hệ lụy lớn nhất lại thường là trường hợp khi giao dịch dân sự vay tài sản. Chẳng hạn, một người cần gấp một khoản tiền lớn phải vay lãi suất cao. Nhưng cho vay lãi suất quá cao sẽ vi phạm pháp luật với tội danh cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Vì vậy, người cho vay thường yêu cầu người đi vay ký hợp đồng mua bán tài sản (thường là giao dịch chuyển nhượng bất động sản) với giá chuyển nhượng thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế và cũng lớn hơn nhiều số tiền cho vay, chứ không phải ký hợp đồng vay tài sản như thực tế. Hoặc nếu có ký hợp đồng vay tài sản như thực tế, thì hợp đồng này chỉ có một bản và sẽ do bên cho vay giữ, để phòng bên vay tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Khi đó, hợp đồng mua bán tài sản được gọi là “hợp đồng giả cách” để che đậy hợp đồng thực tế là vay tài sản…

Từ vụ án nêu trên cho thấy nên cẩn thận trọng với kiểu hợp đồng giả cách như thế này với các lý do như sau: Thứ nhất, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân với nhau hoặc giữa các cá nhân với tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau, mà các tổ chức đó không phải là tổ chức tín dụng, thường sẽ không thực hiện được biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự là thế chấp tài sản.

Thứ hai, chính vì không phải thế chấp tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ vay, nên nhiều trường hợp bên cho vay đã yêu cầu bên đi vay tài sản phải sang tên bất động sản đang sở hữu, hoặc sang tên cổ phần doanh nghiệp cho bên cho vay, nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ của bên vay – bản chất đây là hình thức thế chấp để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

Thứ ba, do nhiều yếu tố, việc thế chấp không được thực hiện theo đúng thủ tục, nên các bên sử dụng hợp đồng giả cách để đảm bảo quyền lợi cho bên cho vay. Cuối cùng với các giao dịch dân sự nêu trên, bên đi vay luôn ở thế yếu, bởi tài sản sang tên cho bên cho vay có giá trị lớn hơn rất nhiều lần giá trị khoản vay.

Còn về mặt hình thức thì việc sang tên đó là một hình thức chuyển quyền sở hữu tài sản. Nếu có tranh chấp xảy ra mà bên đi vay không chứng minh được đây là hợp đồng giả cách, thì có thể bị mất tài sản bởi tài sản đã được sang tên từ bên đi vay sang bên cho vay.

Có một lưu ý: trong vụ án “Dr. Thanh” – theo văn phòng luật sư Pha Law Vietnam, đại diện cho bà Trần Uyên Phương, thì các bên tham gia giao dịch có đủ năng lực hành vi dân sự, thậm chí còn là những người có kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường. Về hình thức thì bên bán tự nguyện chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua thông qua hợp đồng chuyển nhượng, nhận đủ tiền, chuyển giao tài sản trên thực tế cho bên mua (?!).


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Ông đốc-tờ Thanh bị ‘chê’ là ‘không hợp tác’

Do Van Tien

VNTB – Khủng hoảng truyền thông chính trị từ vụ án Phạm Đoan Trang

Phan Thanh Hung

VNTB – “Suy đoán vô tội” và sự bình đẳng chính trị công dân

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo