(VNTB) – Những sự kiện này chủ yếu để xây dựng hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, nhưng lại gây ra sự cố nghiêm trọng và lặp đi lặp lại như vậy thì ai dám tin rằng sau này không có thêm sự cố nữa?
Đại lễ 30/4 của CSVN xảy ra hai sự cố lớn tại Thành Hồ và Huế. Vụ ở Thành Hồ là mấy ngàn drone rụng như sung vào đúng đêm 30/4. Vụ này quá gây sốc nên đã khoả lấp một vụ khác ở Huế, ngày 3/5 hoả pháo súng thần công bắn trên Kỳ Đài gặp sự cố, tàn lửa rớt trên đầu khán giả. Tuy hai vụ này không gây thương vong, nhưng đã làm lộ ra nhiều vấn đề lớn về kỹ thuật, công nghệ, an toàn cho người dân và cả hình ảnh quốc gia…
Drone ở Thành Hồ là mướn từ Trung Quốc qua, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị đều là của họ. Chứng tỏ Việt Nam chưa đủ năng lực để tự chủ trong việc trình diễn này. Nhưng khi sự cố xảy ra thì phía Trung Quốc lại đổ lỗi cho người dân Việt Nam vì phản ứng với logo quảng cáo của VNPAY khiến họ phải đổi code gấp, mới xảy ra sự cố. Điều này cho thấy, nếu sự kiện thành công thì Trung Quốc nhận công của họ, còn thất bại thì đổ lỗi cho dân Việt Nam.
Vụ hoả súng thần công ở Huế thì khiến hàng ngàn người dân và du khách đang xem dưới khu vực Phu Văn Lâu, cách nơi đặt hỏa pháo khoảng 50 mét, phải bỏ chạy khi tàn lửa đỏ rực rơi trên đầu. Ngày 10/5, nhà chức trách giải thích lý do là hoả pháo súng thần công bắn trên Kỳ Đài hết hạn sử dụng.
Cụ thể, Lê Công Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết sự cố là do hiệu ứng hỏa thuật thần công không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hoả pháo xài lại hàng tồn từ dịp Festival nghề 2023, vì chưa kịp đặt hàng mua pháo mới. Ông Sơn nói “các ống hỏa thuật này đã bị thấm nước do thời gian lắp đặt gặp mưa gió và hết hạn sử dụng, dẫn đến chất lượng không đảm bảo. Ngoài ra, do sơ suất trong khâu lắp đặt, hướng hỏa thuật bị lắp ngang mặt đất khiến hiệu ứng bắn lệch về phía khán giả”. (1)
Như vậy vấn đề không chỉ là dùng pháo hết hạn sử dụng, mà còn là việc lắp đặt sai kỹ thuật, bắn lệch vô người dân. Đặc biệt, sự cố về việc bắn pháo ngày 3/5 không phải là lần đầu tiên. Trước đó một tuần, ngày 26/5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng có tổ chức bắn hoả pháo nhân sự kiện 30/4, nhưng cũng gặp sự cố. Lần đó thì dân chê là bắn nhanh, ban tổ chức sự kiện đã phát đi “thông báo và lời tri ân”, lý giải màn trình diễn có lỗi kỹ thuật ngoài mong muốn và hứa hẹn sẽ khắc phục vào lần bắn thứ 2 vào tối 3/5.
Tức là có thể ngay từ lần đầu tiên là đã xài pháo hết hạn sử dụng và lắp sai kỹ thuật. Lần thứ hai vẫn dùng số pháo cũ đó, nhưng tệ hại hơn là lắp pháo bắn thẳng vào dân.
Ngoài việc tốn tiền vô ích, việc bắn pháo hay trình diễn drone này còn cho thấy những yếu kém trong làm chủ công nghệ, kỹ thuật, vận hành, sử dụng, điều phối, và cả việc xử lý sự cố, bảo đảm an toàn cho người dân. Cao hơn nữa là hình ảnh quốc gia.
Những sự kiện này chủ yếu để xây dựng hình ảnh đất nước, thu hút du lịch, nhưng lại gây ra sự cố nghiêm trọng và lặp đi lặp lại như vậy thì ai dám tin rằng sau này không có thêm sự cố nữa? Dù không có ảnh hưởng tới tính mạng người dân, nhưng nhà chức trách cũng cần phải có những động thái xử lý cần thiết về mặt pháp luật để răn đe. Vì đâu chỉ là vấn đề an toàn tính mạng, mà drone, pháo rơi xuống sông hay nhà dân thì vẫn gây ảnh hưởng môi trường, cháy nổ, không xử lý nghiêm thì những sự kiện sau lại cứ tuỳ tiện làm, có sự cố rồi lấp liếm hay sao? Đó là chưa kể trường hợp giặc thù lợi dụng những sơ hở này để tấn công Việt Nam…
____________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/hoa-phao-sung-than-cong-ban-tren-ky-dai-het-han-su-dung-4884195.html