Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dữ liệu liên quan vụ án lây truyền dịch bệnh truyền nhiễm cho người

Thới Bình

 

(VNTB) – Hiện tại vụ án hình sự về tội danh “lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” liên quan Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, vẫn chưa khởi tố bị can.

 

Tuy nhiên một số nguồn thông tin cho rằng hai ông, bà mục sư quản nhiệm sẽ là các bị can, từ đó dẫn đến những suy luận mang tính dẫn dắt theo chiều hướng ‘chính trị hóa’ về việc cộng sản luôn chủ trương các tôn giáo phải quy phục dưới trướng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – một tổ chức được Đảng Cộng sản trực tiếp lãnh đạo. Và yêu cầu ‘quy phục dưới trướng’ đó được ghi hẳn ở điều luật số 4 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Rộng đường dư luận, xin lược trích ở đây một số thông tin rất có thể đang được xem xét trong hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, qua đó bổ sung thêm nguồn dữ liệu phục vụ cho việc khi cần thiết lên tiếng về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

***

Từ ngày 18/5 đến ngày 6/6/2021, Thành phố phát hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay – chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng. Tính hết ngày 6/6, đã có 362 trường hợp dương tính được công bố liên quan đến ổ dịch này.

Từ những hội viên của nhóm nay, chuỗi lây tiếp tục lây truyền từ nơi làm việc về nơi cư trú, xuất hiện ở 21/22 quận huyện (trừ huyện Cần Giờ). Tính đến nay hiện có 6 chuỗi lây nhiễm liên quan trong đó chuỗi lây có nhiều bệnh nhân nhất liên quan đến một công ty ở Tân Bình với số lượng ca nhiễm đã tăng lên đến 91 trường hợp.

Dịch lây lan nhanh do nhiều yếu tố

Chuỗi ca bệnh liên quan Nhóm truyền giáo bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do hoạt động sinh hoạt tôn giáo được tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân.

Dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài (kể từ ngày 16/5 sau khi thành viên đầu tiên có triệu chứng cho đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh). Do đó đã có tới 40/55 thành viên của nhóm truyền giáo này bị lây nhiễm.

Dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ trong cộng đồng tại nơi làm việc, nơi ở qua các mối giao lưu tiếp xúc. Hiện nay đã phát hiện bệnh nhân của chu kỳ lây nhiễm thứ 5.

Bên cạnh đó, dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Thêm vào đó biến chủng gây bệnh ở chuỗi này là biến chủng B.1.617.2 (biến chủng Delta).

Những ca F1 ở các nhánh, chi nhánh của ổ dịch liên quan Nhóm truyền giáo, như ở tòa nhà SAMCO, quận 1 (xuất phát từ nhánh lây của Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS) chưa khai báo hoặc khai báo chậm, không đầy đủ, không chính xác về lịch trình tiếp xúc, yếu tố dịch tễ.

Vì thế, đến nay nhân viên y tế vẫn phải tiếp tục truy vết dịch tễ. Có trường hợp vì không muốn cách ly tập trung, nên cố tình không khai báo để cách ly tại nhà. Đến khi có triệu chứng, họ mới âm thầm đến cơ sở y tế khám bệnh. Tại đây, họ cũng không khai báo trung thực…

(Nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM)

Ông bà mục sư chịu trách nhiệm?

Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) vừa có công văn đề nghị lãnh đạo giáo hội của các tôn giáo tiếp tục vận động chức sắc, tín đồ thực hiện nghiêm hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19.

Công văn do Phó trưởng ban Trần Thị Minh Nga ký, ghi rằng “ổ dịch tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung “Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng” (địa chỉ đăng ký tại số 205/2 đường số 1, Phường 3, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh)”, tính đến ngày 4/6 đã có 310 F0, 5.377 F1 và 320.000 người thuộc diện theo dõi y tế. Cũng từ điểm nhóm này, một số tín đồ của 3 hội thánh Tin Lành khác đã trở thành F1 và F2.

“Dự báo trong những ngày tới số lượng F0, F1 và người tiếp xúc với F0, F1 sẽ còn gia tăng về số lượng, phạm vi, có khả năng vẫn còn những ca bệnh liên quan đến điểm nhóm “Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng” vì nhiều lý do khác nhau chưa khai báo” – Trích Văn bản số 674/TGCP-VP, Phó trưởng ban Trần Thị Minh Nga ký gửi lãnh đạo các tổ chức tôn giáo về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tôn giáo trong tình hình mới.

Văn bản số 674/TGCP-VP, ở điều 3, ghi rằng người đứng đầu, đại diện tổ chức tôn giáo, cơ sở tôn giáo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, làm phát sinh dịch bệnh tại cơ sở tôn giáo, lây nhiễm trong chức sắc, tín đồ các tôn giáo và cộng đồng.

Hiện, Việt Nam có 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Trong đó, các tôn giáo lớn đang hoạt động gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo…


Tin bài liên quan:

VNTB – Sở Y tế TP.HCM cảnh báo gì về dịch Covid dịp Tết Giáp Thìn?

Bùi Ngọc Dân

Tổng kết cuối năm: Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong

Phan Thanh Hung

VNTB – Phóng sự ảnh: Ánh mắt người ở lại…

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.