Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dư luận VN phản đối đề xuất của Chính phủ về ‘dùng ngoại hối bù thâm hụt ngân sách’

VNTB: Ngay sau khi xuất hiện đề xuất đầy bất thường của Chính phủ VN về “vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển”, hàng loạt chuyên gia đã lên tiếng phản bác đề xuất này. Hàng loạt bất ổn và nguy cơ về tài chính đã được giới chuyên gia nêu ra.


Đề xuất trên phát lộ trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015 của Chính phủ VN, với lý do “bảo đảm an toàn tài chính tiền tệ quốc gia”.

Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên từ nhiều năm qua, đặc biệt là từ đầu năm 2011 khi chính sách tài chính tiền tệ bị co thắt đột ngột, cơ quan chính phủ phải cầu cứu tới biện pháp dùng quỹ dự trữ ngoại hối để bù đắp tình trạng thiếu hụt trầm trọng của ngân sách.

Dự trữ ngoại hối vẫn được Ngân hàng nhà nước và Chính phủ xem là một niềm tự hào của nền tài chính VN nhằm phục vụ cho mục tiêu chống lạm phát và khủng hoảng kinh tế, với con số đã đạt đến 34 tỷ USD trong thời buổi suy thoái kinh tế quá ư trầm trọng.

Tuy nhiên, nghịch lý quá lớn là trong khi Ngân hàng nhà nước quá thu vén việc tích lũy ngoại tệ, ngân sách lại cạn kiệt rất nhanh. Nếu vào đầu năm 2014, lần đầu tiên Thủ tướng Dũng phải ra trước Quốc hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4,7% lên 5,3%, thì cho tới nay, lời hứa hẹn nâng lương cho cán bộ công chức kéo dài suốt mấy năm vẫn chưa thể thực hiện được.

Thậm chí, nguồn cơn chủ yếu dẫn đến cuộc biểu tình của 90.000 công nhân Pou Yuen ở TP.HCM và lan ra một loạt tỉnh lân cận là nỗi lo sợ không hề trừu tượng của công nhân về chuyện ngân sách không còn tiền để chi trả bảo hiểm xã hội suốt đời.

Trong khi đó, quốc nạn tham nhũng và chi tiêu công ồ ạt vẫn không hề thuyên giảm. Ngay cả những tỉnh nghèo phải xin gạo cứu đói vẫn không ngớt mọc lên các công trình xây trụ sở công quyền ngàn tỷ….

Một chính phủ điều hành kinh tế quá kém và là tác nhân số 1 gây ra nạn tham nhũng từ đầu tư công, liệu có đủ tư cách để xin cơ chế “dùng ngoại hối bù thâm hụt ngân sách”?

Trách nhiệm xử lý hậu quả này thuộc về Quốc hội và Bộ chính trị VN. 

Tin liên quan: Chính phủ vay dự trữ ngoại hối: Cảnh báo nguy cơ

Việc Chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá.

Vừa qua NHNN vừa được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đây là xu thế không tránh khỏi và là sự phát triển, tiến tới thể chế hóa và luật hóa các quan hệ giữa Chính phủ và NHNN. Đồng thời tiến tới tăng tính độc lập của NHNN tại Việt Nam.

Trên thế giới, hầu hết các ngân hàng trung ương (NHTW) độc lập với chính phủ. Sự độc lập này là điều cần thiết để NHTW có thể theo đuổi chính sách có tác động tích cực lên tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn. Nếu không được độc lập với chính phủ, NHTW có thể nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức theo yêu cầu của chính phủ (để kích thích tăng trưởng kinh tế), dễ dẫn tới biến động kinh tế và gây ra lạm phát.

Trên thế giới, việc chính phủ vay NHTW không hiếm, nhưng thường chỉ giới hạn ở vay tạm ứng (rất ngắn hạn) hoặc vay cho nhu cầu ổn định nguồn thu khi thu thuế không ổn định (vay khi thu thuế ít và sẽ trả lại khi khoản thu từ thuế tăng). Các khoản văn thường được dứt điểm trong một năm tài chính. Hạn chế NHTW cho chính phủ vay được coi là rất quan trọng để xây dựng mức tín nhiệm của NHTW, một thành phần quan trọng để đạt được chính sách tiền tệ hiệu quả.

Nếu NHNN cho Chính phủ vay với khoản thời gian dài (vài năm) có thể không đúng với đa số thông lệ quốc tế.

Theo một gần đây nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong tổng số 152 nước trên thế giới được nghiên cứu, hai phần ba hoặc cấm ngân hàng trung ương cho chính phủ vay hoặc hạn chế ở vay ngắn hạn. Các nước phát triển và một số lượng lớn của các nước có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt đều rất hạn chế việc NHTW cho chính phủ vay. Khi các khoản vay ngắn hạn được cho phép, trong hầu hết các trường hợp lãi suất thị trường được áp dụng, số tiền cho vay chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của tổng thu ngân sách.

Tại các nước đang phát triển, việc NHTW cho chính phủ vay thường phổ biến hơn. Hơn một nửa số nước này cho chính phủ vay dưới hình thức ứng trước, chỉ một phần tư (24%) cho phép vay dài hạn hơn.

Tại các nước không cấm, thường quy định trong luật rất rõ ràng về các điều kiện NHTW cho chính phủ vay. Sáu khía cạnh cụ thể cần được luật hóa gồm: khối lượng tạm ứng trước tối đa; khối lương cho vay dài hạn tối đa; ai quyết định các điều kiện vay (ngân hàng hay chính phủ); đối tượng hưởng lợi; thời hạn vay; và lãi suất.

Việc Chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá.

Cụ thể, trong 40 nước luật hóa cho phép NHTW cho chính phủ vay (chứ không chỉ tạm ứng), đa số các khoản cho vay chỉ được kéo dài tối đa 6 tháng, một vài nước cho tối đa 1 năm. Đối tượng hưởng lợi là chính phủ trung ương chứ không phải chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước. Một số nước cho phép NHTW cho chính quyền địa phương vay như Canada, hay Ấn độ, do đặc điểm đất nước gồm nhiều bang.

Đa số các khoản vay đều bị tính lãi suất để buộc chính phủ có trách nhiệm với khoản vay. Lãi suất thường do NHTW áp đặt theo thông lệ thị trường. Một số nước châu Á như Ấn độ, Nhật Bản và Malaysia, lãi suất là do chính phủ và NHTW đàm phán. Ở đây, chúng ta cần làm rõ rằng tại các nước trên thế giới, NHTW thường có vị thế độc lập so với chính phủ, nên việc NHTW cho chính phủ vay này như là một giao dịch giữa hai thực thể tương đương nhau.

Việc để chính phủ quyết định mức lãi suất cho các khoản vay từ NHTW sẽ làm giảm quyền tự chủ và sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương, và khuyến khích chính phủ vay thêm ngân hàng trung ương chứ không huy động từ các kênh truyền thống khác. Nếu lãi suất quá thấp sẽ càng khuyến khích chính phủ sử dụng NHTW như một kênh huy động tài chính và điều này là không tốt.

Ở hầu hết các nước, tạm ứng và vay không được vượt quá 10 % của thu ngân sách của năm tài chính trước đó hoặc trung bình của ba năm tài chính mới nhất. Nếu cho vay quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới năng lực của NHTW, đồng thời tăng nguy cơ không trả nợ của chính phủ cho NHTW. Nhiều nước quy định rõ chế tài nếu chính phủ không thanh toán nợ cho NHTW đúng hạn, như phong tỏa tài khoản hay không cho vay các năm sau.

Tại Việt Nam, nếu NHNN cho Chính phủ vay với khoản thời gian dài (vài năm) có thể không đúng với đa số thông lệ quốc tế. Cho vay dài với mục đích khác với mục đích ổn định ngắn hạn, ở đây là mục đích phát triển có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu: giảm tính độc lập của NHNN, giám mức tín nhiệm của NHNN, có thể gây lãng phí nếu chính phủ không có ràng buộc dẫn tới chi tiêu không cận thận. Đồng thời việc tăng cung tiền trên thị trường có thể gây ra lạm phát.

Việc chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá. Đồng thời giảm dự trữ ngoại tệ sẽ ảnh hưởng về nhiều mặt, nhất là an ninh tài chính tiền tệ. Vì vậy, ngoài việc luật hóa quá trình vay, chính phủ cần cân nhắc rất kỹ việc vay từ NHNN, đặc biệt lại là lấy từ dự trữ ngoại tệ.

Theo Trần Thăng Long (VNN)

Bài trên TBKTSG: Không thể dùng dự trữ ngoại hối để cho vay đầu tư

Trong nhiều năm qua, việc vay mượn tiền của chính phủ từ ngân hàng trung ương (NHTƯ) đã được thể chế hóa ở hầu hết các nước trên thế giới. Trừ những trường hợp khẩn cấp, ví dụ như chính phủ có nguy cơ vỡ nợ hoặc thực hiện các chương trình nới lỏng định lượng (Quantitative Easing – QE) nhằm cứu nền kinh tế khỏi khủng hoảng, các nước phát triển cũng như đang phát triển đều cấm NHTƯ trực tiếp cho chính phủ vay tiền, cho dù đó là trực tiếp mua trái phiếu chính phủ (TPCP) hay cho vay dự trữ ngoại hối.

Thực tiễn trên thế giới cũng cho thấy rằng khi NHTƯ có tính độc lập, theo nhiều khía cạnh, đối với chính phủ, thì họ cũng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bình ổn giá cả. Bởi lẽ, sự độc lập cho phép NHTƯ cải thiện được tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm và tính khả tín trong việc thực thi chính sách tiền tệ.

Thông thường, một NHTƯ độc lập sẽ công khai các thông tin về bảng cân đối tài sản, đồng thời minh bạch định hướng và phản ứng chính sách tiền tệ trong các tình huống khác nhau. Điều này không những giúp các doanh nghiệp hay cá nhân trong nền kinh tế có thể lập kế hoạch dài hạn, mà còn giúp tránh được hiện tượng “tiền tệ hóa” các khoản chi tiêu hay nợ công. Hay nói cách khác, nền kinh tế tránh được việc NHTƯ tài trợ cho chi tiêu công bằng cách in tiền, trực tiếp mua TPCP, hoặc giao dự trữ ngoại hối cho chính phủ sử dụng.

Ngoài ra, việc tiền tệ hóa các khoản chi tiêu công còn có thể được thực hiện một cách gián tiếp thông qua việc NHTƯ mua lại “vĩnh viễn” TPCP trên thị trường thứ cấp. Tức là, ban đầu để tài trợ cho chi tiêu, chính phủ có thể bán trái phiếu cho các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư… Sau đó, bằng cách này hay cách khác, NHTƯ sẽ mua lại vĩnh viễn trái phiếu từ các tổ chức tài chính kể trên. Lưu ý rằng, việc mua lại TPCP này khác với việc mua/bán TPCP diễn ra trên thị trường thứ cấp, hay còn gọi là nghiệp vụ thị trường mở (OMO), để phục vụ chính sách tiền tệ. Nghiệp vụ OMO là hoạt động mua bán TPCP tạm thời/có kỳ hạn nhằm cung ứng thanh khoản và theo đuổi mức lãi suất, và do vậy là tỷ lệ lạm phát mục tiêu.

Để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia trong dài hạn, việc vay mượn của Chính phủ từ Ngân hàng Nhà nước nên được nghiên cứu và thể chế hóa thành luật.

Nói tóm lại, việc NHTƯ cho chính phủ trực tiếp vay tiền để chi tiêu thường là bị cấm. Trong một số trường hợp, nếu có được phép thì hoạt động này cũng phải chịu sự giám sát và tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Ví dụ, chính phủ chỉ được phép vay một tỷ lệ nhất định so với tổng thu ngân sách trong năm và phải hoàn trả vào cuối năm (ngắn hạn). Tức là mục đích vay mượn là để bù đắp những thiếu hụt tạm thời do tính mùa vụ của thu ngân sách, hoặc do tác động tạm thời của các chương trình cải cách tài khóa mà chính phủ đang thực hiện.

Điều này hoàn toàn khác với những gì Việt Nam đang đề xuất là vay để “đầu tư phát triển”, hay nói cách khác là vay dài hạn. Ngoài ra, ở các nước trên thế giới, việc vay mượn này cũng không được phép nếu nó được thực hiện để tài trợ cho các chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước.

Quan trọng hơn, dự trữ ngoại hối có được nhờ thặng dư tài khoản vốn, như ở Việt Nam, không phải là thứ có thể đem ra để chi tiêu hay cho vay.

Thu nhập của quốc gia kiếm được từ thế giới bên ngoài được thể hiện qua tài khoản vãng lai, mà thành phần chủ yếu là cán cân thương mại – cái mà Việt Nam luôn thâm hụt nặng nề trong nhiều năm qua. Còn tài khoản vốn chủ yếu phản ánh dòng vốn ngoại vào tạm thời thông qua FDI, đầu tư tài chính hoặc vay mượn nước ngoài.

Thặng dư tài khoản vốn hôm nay sẽ tương ứng với sự sụt giảm lượng ngoại tệ trong tương lai khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận, cổ tức, tiền lãi, rút vốn đầu tư về nước, hoặc đơn giản là khi các khoản vay nợ nước ngoài đáo hạn.

Do vậy, dự trữ ngoại hối có được nhờ thặng dư tài khoản vốn chỉ là số tiền chúng ta đang “giữ hộ” các nhà đầu tư/ chủ nợ nước ngoài. Một khi cán cân thương mại chưa được cải thiện thì sự gia tăng dự trữ ngoại hối nhờ thặng dư tài khoản vốn cũng đồng nghĩa với việc nghĩa vụ thanh toán quốc tế của quốc gia đó tăng lên trong tương lai.

Đây là lý do tại sao NHTƯ các nước luôn phải tích trữ ngoại hối, gửi ở các ngân hàng hay mua TPCP ở những quốc gia có tín nhiệm cao trên thế giới với lãi suất rất thấp, nhằm có được khả năng sẵn sàng chi trả nợ nước ngoài, thanh toán nhập khẩu, lưu chuyển vốn quốc tế hoặc để can thiệp vào thị trường ngoại hối khi cần thiết. Dự trữ ngoại hối mỏng so với nghĩa vụ thanh toán quốc tế không chỉ làm giảm tính khả tín của chính sách tiền tệ và tỷ giá, mà còn có nguy cơ tạo ra các cuộc tấn công đầu cơ tiền tệ ở những quốc gia theo đuổi chế độ neo tỷ giá như Việt Nam. Do vậy, để đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia trong dài hạn, việc vay mượn của Chính phủ từ Ngân hàng Nhà nước nên được nghiên cứu và thể chế hóa thành luật.

(*) Đại học Kinh tế Quốc dân

Bài trên TBKTSG: Bộ Tài chính bán 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu cho Vietcombank

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất giao dịch mua 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5-10 năm từ Bộ Tài chính với lãi suất xoay quanh 4,8%/năm, một nguồn tin riêng nói với TBKTSG.

Lãi suất 4,8% là tương đương lãi suất trái phiếu quốc tế của Chính phủ mới bán ra cuối năm 2014. Mức lãi suất này được thị trường đánh giá đáng mơ ước với một khoản đầu tư của ngân hàng thương mại vì nó cao hơn lãi suất tiền gửi đô la Mỹ tại ngân hàng Việt Nam khá nhiều. Có ý kiến cho rằng nếu Chính phủ đấu thầu công khai số trái phiếu này thì có lẽ giá vốn thu về cho ngân sách sẽ rẻ hơn.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ cho một ngân hàng và với khối lượng lớn.

Nhưng vì sao phải phát hành trái phiếu bằng đô la Mỹ mà không phải tiền đồng?

Trước hết, là vì Chính phủ cũng có những khoản chi tiêu bằng ngoại tệ và cần nguồn ngoại tệ.

Thứ hai, Vietcombank luôn dồi dào ngoại tệ nhất trong số các ngân hàng nội địa và đã có những ý kiến cho rằng tận dụng nguồn ngoại tệ sẵn trong nước tốt hơn đi vay bên ngoài. Việc này còn tránh được cú sốc tỷ giá so với việc chính phủ đi vay từ nước ngoài.

Nếu số trái phiếu này được phát hành bằng tiền đồng thì theo quy định Bộ Tài chính sẽ phải đấu thầu công khai, trong khi đấu thầu trái phiếu tiền đồng đang ế ẩm nhất trong vòng hơn hai năm qua. Tất cả 11 phiên đấu thầu trái phiếu tiền đồng trong tháng 4 vừa qua chỉ huy động được hơn 8.500 tỉ đồng, giảm 50,9% so với tháng trước đó.

Thứ ba, nếu Ngân hàng Nhà nước mua 1 tỉ đô la Mỹ ngoại tệ của Vietcombank, thay vì Bộ Tài chính phát hành trái phiếu, thì cung tiền sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì một khối lượng lớn tiền đồng sẽ được vào lưu thông.

Về phía Vietcombank, khi thực hiện thương vụ này, họ có thể không đưa khoản cho vay 1 tỉ đô la Mỹ nói trên vào hạn mức tín dụng hay “room” mua trái phiếu chính phủ theo sự cho phép của Thông tư 36 về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, khoản nợ cũng không gây sức ép lên nợ nước ngoài quốc gia theo Luật Quản lý Nợ công.

Một số ý kiến bình luận với TBKTSG rằng đây có thể coi là hành động khôn khéo, vừa giúp cho ngân sách trong tình hình huy động đang khó khăn bởi nguồn thu bị thu hẹp, vừa có lợi cho ngân hàng. Tất nhiên Vietcombank hẳn phải co kéo khắt khe hơn trong việc điều tiết nguồn ngoại tệ mà tỷ trọng không nhỏ được huy động ngắn hạn khi họ phải cân bằng lại nguồn để thực hiện thương vụ này.

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hệ quả của phong toả tài khoản bà Nguyễn Thuý Hạnh?

Phan Thanh Hung

VNTB – Bà Nguyễn Thúy Hạnh quỹ 50K bị bắt

Phan Thanh Hung

Vietcombank tùy tiện khóa tài khoản khách hàng theo mật lệnh của Bộ Công An

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo