VNTB – Dù Mỹ thành công trong việc giúp Ukraine, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn

VNTB  – Dù Mỹ thành công trong việc giúp Ukraine, phía trước vẫn còn nhiều khó khăn

Anh Khoa dịch

 

(VNTB) – Joe Biden phải củng cố một liên minh cáu kỉnh

 

23 tháng 3 năm 2022

Những tính toán sai lầm của Putin trong vấn đề Ukraine là kết quả của ba đánh giá sai lầm trong hoạch định chiến dịch. Một là chính phủ Ukraine sẽ nhanh chóng sụp đổ. Hai, quân đội đã hiện đại hóa của ông sẽ chiếm ưu thế. Cuối cùng là Hoa Kỳ, trong tình trạng sa sút không thể đảo ngược, không còn khả năng lãnh đạo. Để Ukraine bị đánh bại, Putin chỉ cần một trong ba điều trên.

Hai đánh giá sai lầm đầu tiên đã làm cho thế giới ngạc nhiên. Điều thứ ba đã khuấy động sự quan tâm của nhiều quốc gia, đồng minh cũng như kẻ thù. Trong những năm gần đây, Mỹ dường như ít cam kết hơn với các thể chế mà họ tạo ra sau chiến tranh thế giới thứ hai, phần lớn là do thất bại của cuộc chiếm đóng ở Iraq sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Barack Obama đã chọn “thiết lập lại” quan hệ với Nga sau cuộc xâm lược Georgia năm 2008 và không thực thi được lằn ranh đỏ chống việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Donald Trump cáo buộc các đồng minh đã đánh lừa Mỹ và cho rằng NATO đã “lỗi thời”. Sau cuộc rút lui nhục nhã của Mỹ khỏi Kabul vào mùa hè năm ngoái, Putin dường như đã kết luận rằng Joe Biden sẽ không thể hoặc không muốn làm gì nhiều cho Ukraine.

Hôm nay, khi Biden đến châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, G7 và EU, rõ ràng là Mỹ đã khiến Putin bối rối bởi khả năng ứng biến, sự nhanh nhẹn và kiên quyết. Người ta hiểu rằng an ninh của châu Âu đang bị đe dọa ở Ukraine. Câu hỏi đặt ra là liệu thành công đó có thể tồn tại trước những thách thức ở phía trước hay không. Ở Nga, tình trạng bè phái chính trị có khả năng phá hoại một lần nữa ngóc đầu dậy. Ở châu Âu, liên minh mà Mỹ rất cẩn thận kết hợp với nhau đang bắt đầu trở nên căng thẳng và bối rối.

Sự đổi mới của nước Mỹ bắt đầu trước chiến tranh, với việc tiết lộ thông tin tình báo chưa từng có. Cùng với Anh, chính quyền Biden đã đưa ra các cảnh báo chi tiết, cập nhật từng phút về việc quân đội Nga sẽ tập trung vào biên giới Ukraine, các hành động khiêu khích, kế hoạch tấn công và kế hoạch chi tiết nhằm lập một chính phủ bù nhìn. Điều này đã cướp đi khả năng làm mất phương hướng của Putin, kế hoạch này đã rất hữu ích trong việc chiếm Crimea vào năm 2014. Thông tin vẫn tiếp tục được cung cấp khi chiến sự diễn ra. Thông tin từ những liên lạc bị nghe lén, máy bay và vệ tinh của NATO nhanh chóng được cung cấp cho các lực lượng Ukraine để định vị mục tiêu.

Sự nhanh nhẹn đã được thể hiện khi Mỹ thay đổi hướng đi trong giai đoạn mở đầu của cuộc chiến. Putin không đơn độc khi nghĩ rằng Kyiv sẽ sụp đổ trong vòng vài ngày. Chính quyền Biden đã đề nghị Volodymyr Zelensky di tản khỏi thủ đô. Tổng thống Ukraine thề sẽ ở lại ngay trong khi quân của ông đẩy lùi lính dù Nga. Mỹ và các đồng minh đáp lễ bằng việc cung cấp nhiều vũ khí hơn và đưa ra các biện pháp trừng phạt mới.

Và NATO đã chứng tỏ quyết tâm. Vào năm 2019, Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, cảnh báo rằng tổ chức này đang bị “chết não”. Ngày nay họ đang gia cố sườn phía đông. Đức, thành viên giàu thứ hai, đã lật ngược chính sách quốc phòng rụt rè trong nhiều thập niên bằng cách đồng ý cung cấp vũ khí cho Ukraine và cam kết tăng chi tiêu. Với sự lãnh đạo NATO hết lòng của Hoa Kỳ, khả năng ngoại giao của Mỹ đã phục hồi khỏi mức thấp trong những năm dưới thời Tổng Thống Trump.

Chính cuộc chiến đã kéo dài lâu hơn dự kiến là bằng chứng cho sự ủng hộ cho những việc Biden đã làm. Tuy nhiên, khi bị kéo dài, việc duy trì sự hỗ trợ này ngày càng trở nên khó khăn hơn. Ở Hoa Kỳ, một số đảng viên Cộng hòa đã đổ lỗi cho Biden về cuộc chiến tranh, họ cho rằng rằng nguyên nhân thực sự của cuộc xâm lược là do sự cố ở Kabul và việc Mỹ chấp thuận đường ống dẫn khí đốt của Đức đến từ Nga. Họ cáo buộc Biden yếu đuối.

Về lâu dài, tình trạng bè phái là mối đe dọa nghiêm trọng đối với ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài. Cách đáp trả tốt nhất của Biden đối với những người chỉ trích là tập trung giải quyết một vấn đề chính trị khác, cấp bách hơn nhiều ở châu Âu. Đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự mệt mỏi của liên minh đang giúp Ukraine chống chọi với quân đội Nga.

Ukraine nói rằng họ đang thiếu vũ khí. Đã có những cam kết, như cả tuần này từ Anh, nhưng vũ khí có thể đến quá muộn. Ukraine cũng phàn nàn rằng sự phân biệt của NATO giữa vũ khí phòng thủ, chẳng hạn như tên lửa chống tăng và vũ khí tấn công, như máy bay, là vô nghĩa khi kẻ xâm lược muốn hủy diệt. Các nguồn tin ngoại giao cáo buộc Đức và Hungary đang cản trở các biện pháp trừng phạt bổ sung.

Tất cả những điều này đang trở thành một vấn đề cấp bách. Mariupol, một thành phố với dân số 400.000 người trước cuộc xâm lược, đang bị pháo binh Nga san bằng. Thường dân, bao gồm cả trẻ em, đã bị trục xuất sang Nga. Biden đã cảnh báo rằng Putin có thể sắp ra lệnh sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học. Khi hành động tàn bạo của Nga ngày càng gia tăng, Ukraine sẽ cần thêm sự trợ giúp. Khi gặp những người đứng đầu chính phủ châu Âu, Biden sẽ phải làm cho họ quyết tâm hơn. Nếu Biden không đoàn kết được các đồng minh, những thành quả mà ông đã đạt được sẽ bị lãng phí.

Nguồn: The Economist


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)