VOA
04.05.2016
Kinh tế trầm kha cùng vấn nạn túi thủng ngân sách đang khiến nền “hành chính công” ở Việt Nam lao sâu vào cơn động kinh “thu, thu nữa, thu mãi”.
Những danh từ và tính từ đều hóa phép trở nên mỹ từ đạo đức cấp độ cao: “bảo vệ môi trường”, “bình ổn giá” – dành cho chiến dịch phi mã của các loại xăng dầu và điện nước.
Trăm dâu đổ đầu tằm! Trăm thuế đổ đầu dân!
‘Thuế bảo vệ môi trường’
Vào thời gian này, giới chuyên gia phản biện và báo chí nhà nước lại tiếp tục quằn quại về vấn nạn thu thuế bất chấp dân sinh. Một trong những thứ thuế gây tiêu cực lớn nhất đến túi tiền đã dưới mức còm cõi của người dân là “thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.
Từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu thế giới bất ngờ sụt giảm mạnh và nay chỉ còn hơn 40 USD/thùng. Ngân sách Việt Nam bị thâm thủng trầm trọng, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô giảm tới hơn một nửa. Nhưng Bộ Tài chính lại đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.
Theo tính toán của giới chuyên gia phản biện, một lít xăng phải cõng 3.000 đồng/lít thay vì mức 1.000 đồng/lít, một lít dầu diesel phải nộp 1.500 đồng/lít thay vì mức 500 đồng/lít trước đây.
Năm 2015, Bộ Tài chính tính toán: chỉ riêng với thuế bảo vệ môi trường từ các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn 35.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20.000 tỷ đồng/năm, tăng gần 14.000 tỷ đồng/năm.
Con số trên lớn gấp 2 – 2,5 lần so với tổng thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22.500 tỷ.
Trong năm 2015, dù số thu từ dầu thô giảm mạnh, nhưng tổng số thu ngân sách cả nước vẫn tăng thêm hơn 85.000 tỷ đồng so với kế hoạch đặt ra.
Mục đích của thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng, trong đó có xăng dầu, là để điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch… Nhưng mức thu tuyệt đối 3.000 đồng/lít là quá cao.
Một loạt câu hỏi đặt ra quanh câu chuyện lỗ hổng thuế nhập khẩu xăng dầu khiến năm 2015 Bộ Tài chính phải hoàn thuế cho doanh nghiệp xăng dầu hơn 3.500 tỷ đồng. Nhiều người dân cho biết, nếu báo chí vừa qua không lên tiếng, dư luận không ồn ào, doanh nghiệp xăng dầu sẽ được hưởng lợi trong khi chính người tiêu dùng bị thiệt hại.
Thế nhưng dư luận đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về trách nhiệm về việc này ra sao của Bộ Tài chính, Bộ Công thương.
Trong khi đó, giá xăng dầu Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng, ước tính gấp từ 1,5-2 lần mặt bằng giá xăng dầu thế giới. Tìm mọi cách để “ổn định” mức giá này, có khả năng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ lặp lại “sáng kiến” của người anh em song sinh của nó là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) để “bù lỗ vào dân”.
‘Quỹ bình ổn giá điện’
Cũng vào thời gian này, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo lập Quỹ Bình ổn giá điện nhằm “giảm tác động bất lợi của các yếu tố thị trường tới giá điện”. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy việc lập quỹ này sẽ bất ổn nhiều hơn khi người tiêu dùng phải tăng đóng góp.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đặt vấn đề: “Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tỏ ra kém hiệu quả và đang được xem xét để bãi bỏ, vậy việc lập quỹ này có cần thiết không? Quỹ này trích từ tiền điện của dân, nhưng trong cơ chế quản lý quỹ không hề có đại biểu của dân tham gia quản lý là thiếu dân chủ. Thực chất, quỹ này được trích lập từ giá điện cao hơn giá thành nhưng tách riêng để khi nào lỗ mới cho EVN sử dụng. Nếu vậy có hiệu quả gì hơn nếu để EVN tự hạch toán, tự bù lỗ không?”.
Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học về giá cả nhìn nhận: Nguồn hình thành quỹ phải từ cả hai phía, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Không thể bắt người tiêu dùng ứng trước như quỹ bình ổn xăng dầu. Đã là dự phòng rủi ro trong kinh doanh thì doanh nghiệp cũng phải trích ra từ lợi nhuận. Mặt khác, cơ chế hình thành quỹ bình ổn phải minh bạch: nguồn hình thành quỹ từ đâu, sử dụng và quản lý ra sao cho có hiệu quả.
Theo một chuyên gia về ngành điện, về bản chất, chính người dân phải góp tiền vào quỹ bình ổn, vì quỹ trích từ giá thành bán điện. Việc hình thành quỹ về cơ bản chỉ có ý nghĩa giảm lỗ cho EVN trong khi lỗ thì đã có quỹ gánh và làm tăng gánh nặng cho người dân.
EVN, từng được một tờ báo Anh vinh phong là “cậm ấm hư hỏng” do người mẹ đỡ đầu của nó là Bộ Công thương, là tiếp dẫn ngoan ngoãn vô song cho chiến dịch tiếp tay cho Trung Quốc đến mức phản bội dân tộc.
Thậm chí, EVN mua điện của Trung Quốc với giá cao ngay cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, vin vào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thái độ kinh doanh bất chấp này đã bất chấp một thực tế là trong thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều so với giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam. Nhưng bởi lối hành xử đầy khả nghi “dưới gầm bàn” về bao thư và cả những ẩn giấu chính trị, EVN đã cố tâm mua điện trong nước với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện rất khắt khe.
Chỉ mấy năm gần đây, giới chuyên gia phản biện độc lập mới không còn giữ nổi bình thản: một lượng lớn điện thương phẩm mua từ Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây đã làm méo mó quá nhiều thị trường điện.
Ở Việt Nam, EVN là một trong những dẫn chứng sống động và dối trá nhất để trục lợi. Trong điều kiện nền chính trị độc đảng, thủ đoạn lợi dụng càng trở nên thâm độc hơn. Độc quyền và đặc lợi cũng vì thế đồng nghĩa với tội đồ, đối với nền kinh tế và đời sống dân sinh.
Năm 2011, vào lúc nền kinh tế Việt Nam dợm chân vào suy thoái cùng sự đổ bể của hai thị trường chứng khoán và bất động sản, hàng loạt chiến dịch đầu tư trái ngành của EVN vào chứng khoán, bất động sản và bảo hiểm rốt cuộc đã tích đọng gánh nợ đến trên 30.000 tỷ đồng.
Trong suốt 5 năm qua, toàn bộ số nợ nần đó đã được EVN tuồn qua tuyến đại tràng để đổ lên đầu người dân đóng thuế.
Trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam ngập chìm khó khăn và suy thoái, bằng nhiều cách EVN vẫn đều đặn tăng giá điện như một chủ trương bất thành văn “bù lỗ vào dân”.
Vài năm trước, một báo cáo của ngành điện cho thấy nhờ vào việc tăng giá điện liên tục, EVN đã “xử lý” xong tới 37.000 tỷ đồng lỗ, chiếm 97% tổng lỗ. Tuy nhiên, lỗ cũ chưa dứt thì nay EVN lại tiếp tục lồi thêm khoản lỗ khủng chưa biết khi nào mới cân bằng được.
Một dự báo của chính ngành điện cho biết để kết lỗ, “vòi bạch tuộc” phải vươn dài đến năm… 2020 hoặc thậm chí lâu hơn.
Nhưng trong suốt nhiều năm qua, bất chấp những đợt tăng giá điện vô tội vạ của EVN, đã không có bất cứ cuộc kiểm tra nào được thực hiện tới nơi tới chốn.
Một vụ việc khủng khiếp mà đã hoàn toàn chìm xuồng là cú xả lũ đồng loạt của 15 nhà máy thủy điện của EVN ở miền Trung vào cuối năm 2013 đã “giết sống” đến năm chục mạng người nghèo nơi rốn lũ.
Nhưng cả EVN lẫn cơ quan chủ quản của nó là Bộ Công thương lại chưa phải chịu bất kỳ trách nhiệm hành chính hay pháp lý nào. Chính vào lúc người dân chết chìm trong nước lũ xả trắng mênh mông, Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng còn bận “công du” ở nước ngoài.
Bạo loạn xã hội?
Nhiều chuyên gia và người dân phản ứng: để tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính lại tính đến chuyện tăng thu với người tiêu dùng là điều không thể chấp nhận, trong bối cảnh số doanh nghiệp phải phá sản và ngừng hoạt động trong quý 1/2016 đã lên tới 20.000, tăng đến 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Còn bội chi ngân sách năm 2015 vẫn đội lên đến 6,1% GDP. Nhiều dự án bất chấp phản ứng ghê gớm của dư luận trong và ngoài nước, vẫn được chính quyền địa phương chúi đầu đục khoét.
Bội chi vượt mặt từ các dự án và công trình lãng phí cùng tham nhũng, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục tăng thuế đổ đầu dân như một trong những cách nhanh nhất gây bạo loạn xã hội.
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.