Hà Nguyên
(VNTB) – Bộ Công an có văn bản gửi nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, yêu cầu rà soát, kiểm tra và cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các “chuyến bay giải cứu”.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an mới đây có văn bản yêu cầu nhiều tỉnh, thành phố đã tiếp nhận các “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19, rà soát, kiểm tra và cung cấp tiếp thông tin, tài liệu để phục vụ công tác điều tra.
Ngoài thành phố Hà Nội, một số địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam cũng nhận được văn bản của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an liên quan đến “chuyến bay giải cứu”.
Trong vụ án đang tiếp tục mở rộng điều tra đó, theo một phát ngôn hồi giữa năm nay, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết mỗi chuyến bay giải cứu người Việt từ nước ngoài về sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về đến vài tỷ đồng, mà có tới gần 2.000 chuyến bay.
Các “chuyến bay giải cứu” theo cách diễn giải của nhà chức trách Việt Nam bấy lâu nay, được hiểu là dành cho hành khách có hoàn cảnh đặc biệt theo thứ tự ưu tiên như “Lao động hết hạn hợp đồng, mất việc, không còn thu nhập mà nước sở tại không có điều kiện hỗ trợ; Học sinh dưới 18 tuổi; Sinh viên đã hoàn thành khóa học gặp khó khăn về nơi ở/ gia hạn lưu trú; Doanh nhân, trí thức, công dân xuất cảnh ngắn hạn bị ‘mắc kẹt’ vì Covid-19, gặp khó khăn do không có nơi ở, không còn khả năng tài chính; Người trên 60 tuổi mắc bệnh lý nền; Khách du lịch, thăm thân nhân, công tác, khám chữa bệnh, hết hạn visa và bị mắc kẹt”.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 ngày 1-12-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu “tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu. Hành khách trên mọi chuyến bay về nước thì đều phải được cách ly 14 ngày.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cụ thể cùng với Bộ Y tế về việc cách ly các tổ bay, các tiếp viên của các hãng hàng không một cách nghiêm túc, đúng quy định, không để tình trạng lỏng lẻo như vừa qua”.
Từ mệnh lệnh trên, kể từ đó các “chuyến bay giải cứu” đã một mình, một chợ trong việc đưa người Việt từ nước ngoài trở về quê nhà để lánh dịch như cách của bảo hộ công dân.
Khi ấy có ý kiến rằng chính mệnh lệnh “tạm dừng các chuyến bay thương mại” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với yêu cầu khác nữa cũng của ông Nguyễn Xuân Phúc về chuyện “nơi cách ly bắt buộc 14 ngày” đối với những hành khách “giải cứu” này đã gián tiếp là nguyên nhân của vụ án “chuyến bay giải cứu” đang mở rộng điều tra với bước đầu rất nhiều viên chức chính phủ đã vướng vòng lao lý; trong đó có cả trợ lý của Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, song lại chưa thấy có chút bóng dáng nào về “dàn tham mưu” lúc ông Nguyễn Xuân Phúc còn ngồi ghế Thủ tướng.
Một lưu ý là trước khi có mệnh lệnh “dừng chuyến bay thương mại” thì việc “bay giải cứu” đã được báo chí hết mực ngợi ca về “công đầu” trong vấn đề nhân đạo này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Xin trích một nội dung tụng ca đó: Từ đầu tháng 7-2020, ngay sau khi nhận được những thông tin đầu tiên về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong nhóm công nhân Việt Nam đang làm việc tại Dự án Nhà máy Thủy điện Sendje ở Guinea Xích đạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam đã gửi công văn tới Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Guinea Xích đạo; báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19… tạo điều kiện để doanh nghiệp đưa lao động về nước theo nguyện vọng của người lao động.
Việc tổ chức chuyến bay cứu hộ này vừa đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động, vừa thể hiện tính nhân đạo của Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Chỉ vài ngày sau đó, với tinh thần bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tổ chức ngay chuyến bay cứu hộ công dân tại Guinea Xích đạo.
Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tổ chức chuyến bay hồi hương cho đến khi máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài, thời gian chưa đến 3 tuần, có thể nói đây là một chiến lược “thần tốc” trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” …