Việt Nam Thời Báo

VNTB – Đừng để bị “thổi lỗ tai”

Hàn Lam

 

(VNTB) – Tin tức trên báo chí hiện nay đang có định hướng “làm đẹp”, do đó rất cần người đọc tỉnh táo.

 

Từ cuối tháng 11-2022, một số tờ báo bắt đầu đưa tin dạng, “Tết này, công nhân và người lao động trên cả nước sẽ cơ hội vay nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn chỉ bằng 50% thị trường và thủ tục đơn giản. Chương trình được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm đẩy lùi tín dụng đen, cho vay phục vụ và cải thiện nhu cầu đời sống công nhân”.

Theo đó, đã có hơn 1 triệu công nhân, người lao động tại 9 tỉnh thành gồm Đồng Nai, Nghệ An, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.HCM đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khoảng 10 ngàn tỷ này.

Đã vay thì phải trả, nhất là phía chủ nợ ở đây là một công ty tài chính của ngân hàng thương mại cổ phần; tức là mọi chuyện “thuần kinh doanh tiền” chứ không phải gói an sinh nào hết.

Nôm na, các nội dung kiểu “Người lao động phấn chấn dù phải cân mọi chi tiêu mùa cận tết” là cách mà nhà chức trách muốn tô hồng đời sống ở nhiệm kỳ 3 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng; bởi khi công nhân đang lâm cảnh thất nghiệp thì “vay thương mại” thay vì “hỗ trợ an sinh” là một bất nhẫn.

Dẫn chứng, ngày 28-11-2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết có khoảng hơn 200.000 lao động đang bị ảnh hưởng thu nhập, mất việc làm. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng sản xuất. Các doanh nghiệp ở Đồng Nai đang nỗ lực thực hiện các giải pháp như bố trí ngày nghỉ hàng năm, trả lương ngừng việc, thỏa thuận lại hợp đồng lao động…

Tuy nhiên trong góc nhìn khác thì từ chuyện quảng cáo “vay vốn với lãi suất chỉ bằng 50% thị trường theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước”, cho thấy lượng tiền trên thị trường có thể đúng là không thiếu, nhưng lại không được hấp thu, hay nói cách khác dòng vốn cho nền kinh tế lại bị thiếu vì có những điểm “nghẽn” đang chờ được tháo gỡ.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TP.HCM tại buổi làm việc mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay tính đến ngày 25-11, tổng số vốn TP.HCM đã giải ngân đạt 12.665 tỷ đồng trong tổng số 37.463 tỷ đồng vốn được giao (đạt tỷ lệ 34%) và thuộc nhóm giải ngân thấp nhất cả nước.

Lý giải về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, người đứng đầu UBND TP.HCM nhắc đến dịch Covid-19 nên việc chuẩn bị đầu tư các dự án trong năm 2021 bị ngưng trệ. Trong các tháng đầu năm 2022, thành phố phải tập trung đẩy nhanh các thủ tục nên tỷ lệ giải ngân cũng thấp.

Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều quốc gia nên việc nhập máy móc, thiết bị chậm, dẫn đến tiến độ các dự án thi công chậm nên không giải ngân được vốn.

Không chỉ riêng TP.HCM, báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy tính đến hết tháng 10, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của cả nước chỉ đạt 46,44% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch vốn giao cùng kỳ năm trước. Trong đó có 30 bộ và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 45%, thậm chí nhiều ngành dưới 30% như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Hà Giang, Phú Yên…

Thậm chí, tin tức cho hay gói hỗ trợ nền kinh tế 350.000 tỷ đồng đến nay ước tính mới thực hiện được khoảng 60.000 tỷ đồng, còn gần 300.000 tỷ đồng chưa thực hiện được. Và điều này là một trớ trêu khi con số hàng trăm lao động thất nghiệp hiện tại, họ cần đến gói hỗ trợ này để đỡ đần chuyện lãi suất, chứ không phải là “vay thương mại” từ các công ty tài chính tư nhân.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Thị trường chứng khoán Việt Nam trước áp lực chốt lời

Trương Thế Tử

VNTB – Nguồn vốn xã hội hóa: bức bình phong của tham nhũng?

Trương Thế Tử

VNTB – Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang vào hồi bế tắc…

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.