Nguyễn Tường Thuỵ
(VNTB) – Bao giờ thì nhà nước thôi kỷ niệm 30/4 trong tâm thế ăn mày dĩ vãng?
Kỷ niệm 30/4 năm nay, tôi không định viết gì vì năm nào cũng viết rồi. Thế nhưng đã qua ngày 30/4, đây đó trên mạng xã hội vẫn còn những giọng miệt thị, giễu cợt đồng bào trốn chạy cộng sản đợt 30/4/1975.
Có mấy lý do cần chấm dứt chỉ trích nhằm vào đồng bào phải bỏ nước ra đi:
Việt Nam Cộng hòa là bên thua cuộc nhưng họ không có lỗi và càng không có tội. Dịp 30/4 năm nay, có ý kiến gọi là bên bỏ cuộc. Cách gọi này phản ảnh khá sát bản chất của vấn đề mong mọi người suy nghĩ thêm, nhưng trong bài viết xin cứ gọi theo chữ quen dùng là bên thua cuộc đã.
Việt Nam Cộng hòa thua cuộc nhưng không thể trách được họ trước một đối phương mạnh và đông hơn hẳn. Đội quân ấy lại được sự tiếp sức tiền của và phương tiện chiến tranh khổng lồ từ khối xã hội chủ nghĩa trong đó có 2 cường quốc cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc, trong khi VNCH bị Mỹ bỏ rơi từ sau Hiệp định Pa ri.
Sau 45 năm, có nhiều học giả nhìn nhận lại bản chất cuộc chiến tranh. Về cơ bản, đó là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do miền Bắc phát động. Hiệp định Pari bị xé bỏ thay vì thành lập Hội đồng quốc gia hoà giải và hoà hợp dân tộc.
Trong một cuộc chiến tranh, thua thắng có khi chỉ là nhất thời và tương đối. Bây giờ ý nghĩa của chiến thắng 30/4 như thế nào? Nhìn vào thực trạng đất nước 45 năm sau đã rất nhiều người ngộ ra.
VNCH đã xây dựng được một nền dân chủ cộng hòa đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội về nhân quyền, dân chủ mà Việt Nam ngày nay còn lâu mới đạt được. Tuy chưa phải là khuôn mẫu tiên tiến nhất nhưng đó là chế độ mà đa phần nhân loại đang theo đuổi.
Và điều quan trọng nhất là VNCH không gây nên cuộc chiến này.
Vì vậy, bên thắng cuộc chẳng có gì phải tự hào, kiêu hãnh cả, càng không có lý do để sỉ nhục phía bên kia.
*
Điều cần nói là việc hạ nhục bên thua cuộc không chỉ là dư luận viên. Nó được phát ra cả từ những kẻ có những lời chỉ trích chế độ. Việc này, giới xã hội dân sự gọi là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Giọng lưỡi từ những người này mới nguy hiểm. Thà rằng một bề bảo vệ đảng như những dư luận viên, trận tuyến truyền thông hai phía rõ ràng. Từ ngữ họ dùng để miệt thị phe thua trận thật là ghê tởm, rằng thua chạy te tua, chạy vãi cức, chạy tụt quần, không còn gì trong tay mà đòi này đòi nọ…
Thế nhưng đám DLV hai mặt chưa hẳn là những người có công với chế độ. Ngày 30/4/1975 có thể họ còn bé tí hoặc chưa sinh ra nhưng cũng tự nhận mình thuộc bên thắng cuộc để lên giọng kẻ cả, phát ra những lời tanh tưởi. Nó thể hiện một tâm địa hẹp hòi, bần tiện, vô nhân bản.
Số này còn ghê gớm hơn cả nhiều lãnh đạo cộng sản có công đầu trong công cuộc gọi là “giải phóng miền Nam”. Tại dinh Độc Lập ngày 2/5/1975 ông Trần Văn Trà nói với tướng Dương Văn Minh: “Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ”. Còn ông Võ Văn Kiệt nói trong dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.
Có thể ông Trà và ông Kiệt nói mang tính mị dân hoặc những ai nói ra được như hai ông này còn ít nhưng cũng nhằm xoa dịu bớt nỗi đau của bên thua cuộc. Vậy mà những DLV hai mặt là gì mà xúc phạm bên thua cuộc như vậy?
Đó là đám DLV hai mặt. Còn về phía nhà nước thì sao?
Cần xác nhận rằng gần đây, các hoạt động mừng ngày “giải phóng miền Nam” có giảm dần qua mỗi năm. Tuy vậy họ vẫn không bỏ được chuyện ăn mừng chiến thắng. Năm nay cũng vậy. Nhưng thông tin về hoạt động này tìm qua ở công cụ tìm kiếm cũng khoảng 80 tin bài. Điển hình là tin “Thành ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” để “ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Thấy có cả Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bay từ Hà Nội vào để dự, chắc là thay mặt đảng và nhà nước.
Bao giờ thì nhà nước thôi kỷ niệm 30/4 trong tâm thế ăn mày dĩ vãng. Bao giờ thì những từ “ngụy quân”, “ngụy quyền” thôi chấm dứt trên cửa miệng những người dân vẫn đang tiếp nhận và chỉ trung thành với thông tin một chiều? Bảo làm sao mà đến giờ vẫn chưa hòa giải, hòa hợp dân tộc được. Lòng người vẫn ly tán và chia rẽ sâu sắc.
Nếu vẫn cái kiểu tiểu nhân đắc chí như thế, chắc chắn số người vui giảm xuống, số người buồn tăng lên thậm chí tăng lên cả số người khinh bỉ, căm ghét và căm thù.
*
Nhắc đến hòa giải và hòa hợp dân tộc, người ta thường nhắc lại cách cư xử của bên thắng cuộc miền Bắc đối với bên thua cuộc miền Nam nhưng mà là chuyện của… nước Mỹ trong cuộc nội chiến 1861-1865.
Với Việt Nam, bên thắng cuộc phải cư xử sao cho nhân bản, đúng tư thế của người chiến thắng. Hãy cúi xuống mà nâng bên thua cuộc đứng dậy. Đừng làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của mình.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.