Việt Nam Thời Báo

VNTB – Dung Quất sẽ đóng cửa vì thiếu cạnh tranh, do nhận ưu đãi quá nhiều?

(VNTB) tổng hợp – Nhà máy lọc dầu Dung Quốc là một dự án kinh tế trọng điểm quốc gia đặt tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đây cũng là dự án nhận nhiều sự chỉ trích vì yếu tố địa điểm (Quảng Ngãi) mang tính chính trị hơn là kinh tế từ thời điểm lên dự án và nó đã cho thấy thấy hiệu quả mang lại ngày càng kém, trong bối cảnh sự cạnh tranh mở rộng theo chiều hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế. 

Gần đây, trong văn bản của Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Cục Thuế Quảng Ngãi được nhiều báo trong nước trích dẫn, công ty này khẳng định: “Nếu cứ tiếp tục với các chính sách trên [thuế giảm theo lộ trình hội nhập kinh tế cho các mặt hàng xăng dầu], thì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ không bán được hàng và phải đóng cửa trong thời gian tới”

Chính sách thuế mà Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn đang nói đến liên quan đến thông tư của bộ hướng dẫn mức thuế theo các hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc… trong đó có đặt ra mức thuế ưu đãi đặc biệt – thấp hơn mức Công ty Bình Sơn đang hưởng. Và theo tính toán của công ty này, mức chênh lêch thuế trên khiến năm 2015 sản phẩm của Bình Sơn có giá cao hơn sản phẩm nhập từ ASEAN tới 1.469 đồng/lít (với xăng A92)…

Cũng cần phải nhắc lại về những ưu đãi mà Chính phủ áp dụng cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, theo Quyết định số 925/QĐ-TTg, ngày 26/7/2012, công ty này được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm; được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên Công ty Bình Sơn có thu nhập chịu thuế từ Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ngoài ra, Công ty Bình Sơn được hưởng 3% – 7% tiền thuế nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm trong các năm từ 2012-2018 với cơ chế thu điều tiết đối với sản phẩm lọc dầu và hóa dầu tiêu thụ trong nước.

Cụ thể, theo Quyết định 925, sẽ thu điều tiết đối với toàn bộ sản phẩm lọc dầu (xăng, dầu, LPG) và sản phẩm hóa dầu do Công ty Bình Sơn sản xuất, chế biến tiêu thụ trong nước. Tỷ lệ thu điều tiết là chênh lệch giữa mức thuế suất thuế nhập khẩu của các sản phẩm lọc dầu và sản phẩm hóa dầu tại thời điểm tiêu thụ trừ mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán đối với xăng, dầu là 7%; LPG là 5% và sản phẩm hóa dầu là 3%. Nhưng nếu thuế nhập khẩu do Nhà nước quy định thấp hơn mức giá trị ưu đãi tính trong giá bán là 3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với LPG và 7% đối với xăng dầu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ phải bao tiêu sản phẩm cho Công ty Bình Sơn và đưa mức giá trị ưu đãi vào giá bao tiêu sản phẩm. Thời gian áp dụng thu điều tiết thực hiện từ năm tài chính 2012 đến hết năm 2018.

Những ưu đãi trên có thể được hiểu theo cơ chế đặc thù của khu kinh tế Dung Quất trong quyết định thành lập. Dù nó là chính sách của Chính phủ để thu hút đầu tư, đặc biệt với dự án đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, với ưu đãi và nhất là cơ chế bù giá theo thỏa thuận thì chính người dân đang phải chịu thiệt thòi với phần tiền thuế bị mất.

Ngoài nhà máy lọc dầu Dung Quất được ưu đãi ra, thì dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Tĩnh Gia – Thanh Hóa) với trị giá đầu tư lên đến 9 tỷ USD, được công bố từ năm 2008, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động năm 2017. Và vì cũng mang tầm quan trọng lớn đối với thị trường dầu khí nên ưu đãi thuế nhập khẩu đối với dự án này là 7% đối với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hóa dầu. Theo các chuyên gia của PVN, so với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, ưu đãi dành cho Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tốt hơn, bởi có ràng buộc rằng, nếu mức thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, LPG và lọc hóa dầu thấp hơn các mức trên, thì chủ đầu tư sẽ được Nhà nước bù phần thuế thiếu hụt này.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Trước đó,  trong bài viết của tác giả Phan Châu Thành đăng trên Dân Luận trước đây, đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý về gánh nặng mà nhà máy lọc dầu Dung Quất tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể: Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam do Tập đoàn PetroVietnam thực hiện trị giá hơn 3,5 tỷ USD đã phá mọi kỷ lục thế giới về tỷ suất đầu tư cao (gấp 3-4 lần suất đầu tư trung bình cho nhà máy lọc dầu tương đương của thế giới), về thời gian thực hiện kéo dài lê thê gần 20 năm (nếu tính cả nhà máy lọc dầu ở Tuy Hạ, Long Thành thì là gần 30 năm), và về số đối tác chính thay nhau tham gia thiết kế, thi công dự án (từ Total của Pháp, đến Zarubezneft của Nga rồi tổ hợp Technip-JGC của Pháp và Nhật), về vị trí vô lý phi kinh tế xa các trung tâm kinh tế công nghiệp vốn được chọn chỉ bằng ý chí chính trị… 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất được thiết kế để chế biến 100% là dầu ngọt Bạch Hổ (có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp), vốn không ăn mòn phá hủy thiết bị. (một trong những nguyên nhân bị nghi ngờ cháy hàng loạt xe máy thời điểm 2011).
Nhưng nay dầu Bạch Hổ đã giảm sản lượng, không đủ cung cấp cho nhà máy và sẽ nhanh chóng dần hết hẳn trong vài năm tới, nên PetroVietnam ngay từ năm đầu tiên đã và đang phải đi nhập dầu thô khác cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tuy nhiên, nhập dầu ngọt để chế biến rất khó, vì hiếm, không có nguồn nhập ổn định. Nếu nhập từ Trung đông về thì rất phi kinh tế. Bản thân dầu thô ngọt như dầu Bạch Hổ đã là hiếm và PetroVietnam chỉ bán cho các khách hàng (chủ yếu là Nhật) để dùng làm nhiên liệu (phát điện) với giá cao, vì không cần qua chế biến.
Cũng vì thế, nhập dầu ngọt về nhà máy Dung Quất để chế biến là rất đắt đỏ, nên không kinh tế. Nếu nhập dầu ngọt từ xa về chế biến thành các sản phẩm dầu của nhà máy Dung Quất sẽ bị lỗ hàng vài trăm nghìn đôla mỗi ngày. Với công suất hiện nay, khoảng 6,5 triệu tấn/năm hay gần 20,000t/ngày, nhà máy Dung Quất sẽ lỗ khoảng nửa triệu USD/ngày, lỗ vài trăm triệu USD mỗi năm.
Hiện nay dầu ngọt từ Bạch Hổ về không đủ và PetroVietnam đã phải nhập dầu chua từ nơi khác về pha trộn với dầu ngọt rồi chế biến để đảm bảo công suất và sản lượng được giao (và ép Petrolimex phải tiêu thụ vì Petrolimex có thể nhập dầu tốt hơn với giá rẻ hơn dầu Dung Quất), bất chấp hiệu quả kinh tế và rất nhiều rủi ro kỹ thuật, thêm vào đó là chất lượng các sản phẩm cuối cùng cũng của nhà máy lọc dầu Dung Quất không bảo đảm nên càng khó tiêu thụ.
Có nghĩa là, anh cả đỏ PetroVietnam đã bỏ ra 3,5 tỷ USD của nhà nước để đầu tư một nhà máy mà nếu khai thác nó đúng theo thiết kế và công suất, nhà nước ta sẽ phải chịu lỗ thêm 300-500 triệu USD/năm nữa! Nếu không có 500 triệu USD nữa hàng năm thì… hãy vất bỏ 3,5 tỷ USD đã đầu tư đi!?
Do nhà máy được thiết kế hoàn toàn chỉ cho dầu ngọt, lại phải dùng để chế biến dầu chua (vốn có hàm lượng lưu huỳnh cao) nên vấn đề vận hành, khai thác nhà máy “mới tinh” hiện nay đã trở nên rất nguy hiểm về kỹ thuật và an toàn, dù nhà máy mới đi vào khai thác hơn một năm.
Chỉ một thời gian ngắn, toàn bộ các hệ thống van, bơm, đường ống và các thiết bị khác đã và sẽ bị lưu huỳnh trong đầu chua phá hủy từ bên trong, khiến chi phí khai thác, bảo dưỡng nhà máy lên rất cao.
Thực chất, nhà máy Dung Quất cần phải được hoán cải nâng cấp để có thể chế biến dâu thô chua (thì mới kinh tế và an toàn), nhưng vì PetroVietnam đã đầu tư quá lớn, khoảng 3,5 tỷ USD cho nhà máy công suất chỉ 6,5 triệu Tấn dầu thô ngọt/năm (trong khi, theo Petromines, suất đầu tư trung bình hiện nay trên thế giới chỉ là khoảng 1,2 tỷ USD cho nhà máy 10 triệu tấn/năm), nên PetroVietnam không thể có lý do gì để xin tiền chính phủ cho việc hoán cải năng cấp rất cần thiết mà khó nói ra này, chỉ vì PetroVietnam đã đầu tư sai nhà máy trị giá 3,5 tỷ USD mà vẫn không thể khai thác hiệu quả!
Thay vì đối diện sai lầm trên để xử lý vượt qua, dân ta chỉ thấy PetroVietnam báo công rầm rộ với đảng với dân rằng nhà máy lọc dầu Dung Quất mới 1 năm nay đã có doanh thu khủng là… (PetroVietnam tính luôn giá dầu thô đầu vào trong doanh thu của NM Dung Quất để báo cáo, trong khi doanh thu thuần của nhà máy lọc dầu chỉ là giá gia công dầu thô, chừng 20-30 USD/tấn cho sản lượng 6,5 triệu tấn/năm chỉ là khoảng 180 triệu USD/năm, chưa đủ cho PetroVietnam trang trải chi phí vận hành nhà máy).
Để cứu vãn tình hình, Tập đoàn kinh tế hùng mạnh nhất VN ta – anh cả đỏ PetroVietnam đang cố gắng “đẩy nhanh” nhà máy sang giai đoạn II mở rộng công suất nhà máy lên thành 10-12 triệu tấn/năm vốn dự kiến sau ít nhất 5-10 năm khai thác nhà máy giai đoạn I công suất 6,5 triệu tấn/năm hiện nay – hòng có tiền cho việc hoán cải nâng cấp cần thiết trên. Nếu dự án mở rộng được vẽ ra là cần 1-2 tỷ USD nữa thì còn phải cộng thêm 0,5-1,0 tỷ USD cho hoán cải nâng cấp thiết bị ngọt thành chua nữa. 
Nhưng nếu không mở rộng nhà máy Dung Quất gấp thì sao? Thì nó sẽ sụp! (hoặc sẽ nổ tung!). Vì thiết bị nào cũng có những cái vòng bi, gioăng đệm cao su, sắt thép, hợp kim… chỉ chịu được dầu ngọt Bạch Hổ thôi. Khi làm việc với dầu chua chúng vận hành “xì xụp” thì khả năng sẽ gây ra cháy nổ và các loaị sự cố rất cao… Giống như nhà máy nước ngọt Thủ Đức vốn lấy nước ngọt sông Đồng Nai đem lọc và khử tạp chất rồi cung cấp cho Tp.HCM nay lại phải lọc nước ngọt từ nước biển Vũng Tàu vậy – mọi thứ sẽ bị han rỉ nhanh chóng vì nước biển, và chuyện sẽ xảy ra tương tự như đang xảy ra ở nhà máy lọc dầu Dung Quất của PetroVietnam, nhưng tất nhiên ở Dung Quất nguy hiểm hơn nhiều.
Thực tế “Từ tháng 9/2014, phương án tổng thể về mở rộng nâng cấp Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trình Chính phủ. Theo đó, sau khi nhà máy mở rộng sẽ có quy mô khoảng 8,5 – 9 triệu tấn dầu thô đầu vào/năm so với 6,5 triệu tấn dầu thô/năm hiện tại. Với cấu hình công nghệ được đề xuất lựa chọn như hiện nay, quy mô đầu tư nâng cấp mở rộng sẽ nằm trong khoảng 1,8- 2,0 tỷ USD.”

Tin bài liên quan:

Nhà máy gần 1.900 tỷ đồng ở Dung Quất đóng cửa

Phan Thanh Hung

Thị trường VLXD ế ẩm trong “tháng ăn chơi”

Phan Thanh Hung

VNTB – Nối tiếp “thành công của đảng và chính phủ”: Bauxite Tây Nguyên tiếp đà lỗ năm 2015

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.