Tạp chí Chính sách đối ngoại, ngày 12/11/2016
(Bản dịch của Vũ Quốc Ngữ)
(VNTB) – Phỏng vấn Lindsey Ford, giám đốc an ninh châu Á tại Viện Chính sách Xã hội châu Á.
Trong nhiều năm qua, các đồng minh của Mỹ ở Đông Á và Đông Nam Á đã lặng lẽ chuẩn để ít phụ thuộc hơn vào Hoa Kỳ trong việc đảm bảo sự ổn định và an ninh khu vực. Sự thay đổi đó đã diễn ra mặc dù Tổng thống Barack Obama thực hiện chính sách xoay trục chiến lược đến châu Á, trung tâm của chính sách đối ngoại của chính quyền Obama và có khả năng sẽ được tiếp tục nếu ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 08/11 – dù trong chương trình vận động tranh cử bà tuyên bố đoạn tuyệt với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chiến thắng bất ngờ của Tổng thống đắc cử Donald Trump trong cuộc bầu cử tuần trước có thể sẽ làm thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực, và có thể buộc các nước trong khu vực đẩy manh việc tự tìm kiếm sự đảm bảo an ninh của mình.
“Người châu Á đã âm thầm dự đoán được rằng việc tập trung của Mỹ vào Trung Đông và khủng hoảng ngân sách kéo dài cuối cùng sẽ dẫn đến việc sụt giảm vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ,” theo Lindsey Ford, người đã khuyên các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng về chính sách châu Á trong hơn bốn nói năm dưới chính quyền Obama cho đến năm 2015.
“Trừ khi chính quyền mới của Trump hành động để dịu bớt những lo sợ, xu hướng này sẽ chỉ tăng lên,” Ford, hiện là giám đốc của An ninh châu Á tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, cho biết trong một tuyên bố ngay sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc hôm thứ Ba.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump cho biết ông sẽ kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều hơn về những chi phí trong hợp tác an ninh với Hoa Kỳ, và bày tỏ sự cởi mở với ý tưởng phổ biến vũ khí hạt nhân giữa các đồng minh của Hoa Kỳ. Obama đang chuẩn bị rời Nhà Trắng vào thời điểm căng thẳng gia tăng trong các tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông và Bắc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) đã phỏng vấn Ford để phác thảo một viễn cảnh mà đồng minh của Mỹ ở Đông Á và Đông Nam Á nên mong đợi.
Cuộc phỏng vấn này, được thực hiện qua email, đã được cô đọng lại và chỉnh sửa.
FP: Ví dụ nào đáng chú ý nhất của các đồng minh châu Á trong việc chuẩn bị cho một sự hiện diện ít hơn của Hoa Kỳ trong khu vực?
LF: Một trong những ví dụ đáng chú ý nhất là hành động cân bằng cẩn trọng mà chúng ta đã nhìn thấy ở Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong một thời gian khá lâu. Điều này bao gồm đa dạng hóa quan hệ kinh tế và quân sự của họ với Mỹ và Trung Quốc. Hai cuộc viếng thăm Trung Quốc gần đây của Tổng thống Philippines và Thủ tướng Malaysia là những ví dụ tuyệt vời. Chúng ta cũng đã nhìn thấy những hành động cân bằng này diễn ra nhiều lần trong vùng Biển Đông, nơi nhiều quốc gia ASEAN đã cố gắng để tránh thân thiết quá với Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.
FP: Điều đặc biệt mà Trump có thể làm để xoa dịu những nỗi sợ hãi là gì?
LF: Tổng thống đắc cử Trump có thể bắt đầu bằng việc công khai khẳng định rằng các cam kết của Mỹ – chiếc ô hạt nhân của nó – vẫn còn hiệu lực. Đề nghị trước đó của ông rằng các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc có lẽ nên tìm kiếm những sức mạnh hạt nhân của riêng họ đã thực sự làm các đối tác của Hoa Kỳ ở châu Á hoảng sợ. Trong khi ông ta có thể không muốn đi ngược lại những tuyên bố trước đây, ông cần phải làm cho rõ ràng rằng phổ biến vũ khí hạt nhân không mang lại lợi ích tốt nhất cho nước nào và rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đầu tư để bảo vệ các đồng minh của mình khỏi bị tấn công hạt nhân hoặc khiêu khích.
FP: Đối tác của Hoa Kỳ như Nhật Bản và Philippines đang tìm cách tăng cường hơn nữa khả năng quân sự của mình – những nỗ lực đó có thể là gì?
LF: Theo Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã dần dần phát triển lực lượng quân đội của mình sau Thế chiến 2. Cho đến nay, Nhật Bản đã tương đối thận trọng trong giải nghĩa về cụm từ “tự vệ” và vai trò thích hợp cho các lực lượng quân sự của mình. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể được tăng tốc nếu Nhật Bản thấy rằng nước này không thể dựa vào chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ. Chúng ta có khả năng thấy Nhật Bản tăng chi tiêu quân sự lên mức 1% của tổng sản phẩm trong nước. Chúng ta có thể thấy chính phủ của Abe đẩy manh việc xem xét lại hoặc xóa bỏ Điều 9 của Hiến pháp, cho phép Nhật Bản xây dựng một lực lượng quân đội có sức mạnh hơn. Việc này có thể gây lo lắng cho các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc.
FP: Việc xóa bỏ TPP có ý nghĩa an ninh?
LF: Từ góc độ an ninh, việc xóa bỏ TPP có thể là suy giảm uy tín của Mỹ ở châu Á. Nếu các đồng minh và đối tác của chúng ta xem thất bại của nước Mỹ thông qua các vấn đề như TPP và Syria là bằng chứng cho thấy Mỹ sẽ không thực hiện tốt cam kết của mình, nó sẽ làm suy giảm đáng kể sự tin tưởng vào các cam kết an ninh và sự lãnh đạo của chúng ta. Điều này có thể làm cho nước Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc xây dựng các liên minh về bất kỳ vấn đề an ninh gai góc nào, chẳng hạn như việc chống lại Nhà nước Hồi giáo và răn đe các hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên.
FP: Nhiều đời tổng thống Mỹ đã thất bại trong việc đàm phán ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Cách tiếp cận Trump có thể sẽ như thế nào? Có manh mối gì không?
LF: Đối phó với tình hình Bắc Triều Tiên có lẽ là vấn đề lớn nhất về an ninh châu Á tại thời điểm này, và là một trong những vấn đề mà tổng thống mới sẽ cần phải đối mặt. Có rất ít dấu hiệu cho thấy Donald Trump đã phát triển các kế hoạch này, hay ông ta đánh giá cao chính sách thất bại đối với Bắc Triều Tiên của các tổng thống tiền nhiệm. Trong các tuyên bố ngắn về vấn đề này cho đến nay, ông ta chỉ đơn thuần nói với Trung Quốc “đây là vấn đề của bạn.” Cách tiếp cận này gần như chắc chắn sẽ thất bại. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng trong những tháng tới, ông sẽ tiếp cận, như ông đã nói để thu hút tư duy sáng tạo về vấn đề này và các vấn đề khác.
FP: Liệu Đài Loan có đối mặt rủi ro cao hơn dưới thời Trump?
LF: Quá sớm để suy đoán về ý nghĩa của nhiệm kỳ tổng thống Trump đối với Đài Loan. Đài Loan đã thường được sự ủng hộ của cả hai đảng mạnh trong Quốc hội Hoa Kỳ, nhưng cũng giống như phần còn lại của châu Á, Taipei sẽ cần phải mất thời gian để làm quen với ban lãnh đạo mới và xem mọi việc thế nào.