Chu Hồng Quý
(VNTB) – Hệ thống giao thông xuyên Việt hiện nay chưa đến mức quá tải trong điều kiện đường bộ cao tốc đang từng bước hoàn thành, đường Hồ Chí Minh còn thưa thớt.
Định không viết gì về đường sắt cao tốc. Vì xưa nay chính phủ có bao giờ biết lắng nghe, chỉ đến khi thất bại mới lò dò sửa sai. Nhưng thấy một vài kỹ sư, nhà văn, nhà báo, tuy không hiểu về đầu tư cũng đầy ngạo nghễ ủng hộ làm đường sắt cao tốc để hy vọng tự hào sáng ăn phở Hà Nội, trưa ăn cơm hến Huế, tối chén bún mắm Sài Gòn. Các ý kiến ủng hộ này đều chưa tính tới hiệu quả kinh tế và cũng không tính tới giá trị hiện tại của tiền tệ (Present Value), cũng chẳng dự báo được xu thế phát triển của công nghệ hiện đại.
Vậy nên cũng xin có đôi lời.
- LÀM ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC GÂY LÃNG PHÍ VỀ NGÂN SÁCH.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt cao tốc rõ ràng là chi phí cao hơn nhiều lần so với vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy hay hàng không mà nhiều người đã phân tích cặn kẽ. Ở đây tôi không muốn nhắc lại.
Chỉ lưu ý rằng, một vài ý kiến cho rằng, vì là công trình thế kỷ nên ngay từ đầu, đã nốt công làm thì làm hẳn cái đường ray là “phần cứng” (ý nói là phần chi phí cố định/ chi phí bất biến) xịn sò tốc độ 350km/h, thậm chí 500km/h luôn đi, sau này đỡ phải đầu tư lắt nhắt. Còn “phần mềm” (ý nói là chi phí biến đổi/chi phí khả biến) là các con tàu thì giao cho các hãng khai thác vận tải, tùy vào nhu cầu thị trường mà đầu tư cho phù hợp.
Đến đây, tôi lại nhớ tới chuyện làm nhà của một anh công nhân lương 5 triệu/tháng. Mỗi tháng anh ta bỏ ra 1 triệu đồng, mua xi măng, sắt thép… Góp mãi tới lúc nghỉ hưu vẫn chưa đủ xây nhà, đất thì chưa mua được, xi măng để mấy chục năm thì đông cứng thành đá, sắt thép han gỉ…
Chi phí đầu tư vào đường ray của đường sắt cao tốc 350km/h mà chỉ chạy tàu 150km/h là lãng phí, ngân sách đầu tư đó là khoản tiền chết, không đẻ được ra tiền. Chưa kể, mấy chục năm sau, khi có điều kiện thực hiện chạy tàu tốc độ 350km/h thì cái đường ray kia liệu có còn phù hợp với công nghệ hiện thời. Rồi còn chi phí bảo trì, bảo dưỡng hàng năm…
Đây là công thức tính lãi kép cơ bản
A = P x (1 + r)^n
Trong đó:
A = FV (Future Value – Giá trị tương lai) là số tiền bạn sẽ trả trong tương lai nhận được.
P = PV (Present Value – Giá trị hiện tại) là số tiền ban đầu bạn đầu tư.
r là lãi suất hàng năm.
n là số chu kỳ lãi kép.
Bà con thử tính coi, số tiền 70 tỷ USD bỏ ra đầu tư ban đầu sẽ có giá trị bằng bao nhiêu ở thời điểm nhiều chục năm sau?
Chính phủ có nghĩ, đường bộ cao tốc Bắc – Nam đang xây dựng, đường Hồ Chí Minh hoàn thành nhiều năm rồi vẫn vắng phương tiện giao thông. Giờ đã có nguy cơ quá tải chưa mà phải xuất hiện nhu cầu làm đường mới? Chưa khai thác hết, chẳng phải là một sự lãng phí nữa sao?
- ĐƯỜNG SẮT KHÔNG PHẢI LÀ XU THẾ CỦA LOGISTICS HIỆN ĐẠI.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, trong phong trào xây dựng hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, từ nhiều hợp tác xã cấp thấp nhập lại thành một hợp tác xã cấp cao. Triển khai đồng loạt nhập bờ vùng bờ thửa, một thửa ruộng là phải rộng mênh mông thẳng cánh cò bay như cánh đồng lúa mỳ bên Ukraine (Liên Xô). Các hợp tác xã được cung cấp máy cày, máy bừa nhập khẩu từ Ukraine và từ Minsk (Belarus). Khi thao tác trên đồng ruộng, những tảng đất cày lên to tổ chảng như cái thùng phuy, làm bật cả lớp đất sỏi sạn nằm sâu bên dưới vốn không có lợi cho cây trồng. Vì vậy mà năng suất cây trồng không cao. Chưa kể, máy cày chỉ thao tác được khoảng giữa ruộng, các “đầu trốc vát” ở góc ruộng vẫn phải cũng cuốc để làm bằng tay. Kết quả chỉ sau 3 vụ thì chẳng còn cái máy cày nào chạy trên đồng ruộng miền Bắc nữa, tất cả lại trở về như cũ, lấy lỗ đít trâu làm thước ngắm. Ngày nay, những chiếc máy cày thao tác bằng tay, nhỏ gọn lại rất hiệu quả.
Thất bại đó đã không giúp chúng ta rút ra bài học cho hôm nay. Cái gì cũng phải làm hoành tráng cho to lớn khổng lồ mà không nghĩ tới hiệu quả sử dụng.
Thương mại điện tử thúc đẩy hình thức mua bán trực tiếp, từ nhà sản xuất đến thẳng người tiêu dùng. Hãy nhìn những đoàn người giao hàng (shipper) rải đi khắp hang cùng ngõ hẻm của cả nước để biết rằng, vận chuyển hàng hóa bằng ô tô sẽ phù hợp hơn nhiều so với tàu hỏa – Đó là sự nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả cao.
Máy bay không người lái là xu thế phát triển của Logistics trong thời đại công nghệ. Trong khi thế giới đã và đang triển khai giao hàng bằng UAV thì Việt Nam còn lưu luyến với tàu hỏa.
- LÀM ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC SẼ ĐƯA QUỐC GIA ĐẾN TÌNH TRẠNG PHỤ THUỘC TÀI CHÍNH NƯỚC NGOÀI.
Dù nếu không vay trực tiếp nước ngoài mà chỉ huy động trong dân và phát hành trái phiếu quốc tế thì cũng bị phụ thuộc tài chính vào chủ nợ. Phát hành trái phiếu về bản chất cũng là một hình thức vay nợ. Thậm chí, khi phát hành trái phiếu, bên đi vay còn khó kiểm soát nợ vay hơn so với vay nợ trực tiếp. Các tổ chức, các chính phủ nước ngoài sở hữu trái phiếu chính phủ, ngoài mục đích kiếm lời, họ còn dùng trái phiếu như một thứ vũ khí để gián tiếp kiểm soát và khống chế bên vay. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế chính trị thế giới và tùy vào quan hệ giữa hai nước mà họ có thể tiếp tục nắm giữ hay bán trái phiếu ra trên thị trường chứng khoán. Lúc đó, sẽ có biến động đến tỷ giá hối đoái gây bất lợi cho quốc gia đi vay mà chính phủ không thể chủ động điều tiết được. Biến động tỷ giá sẽ tác động tới cán cân thương mại và ảnh hưởng đến việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, và cuối cùng là dẫn tới bất ổn xã hội.
Khi không làm chủ được chính sách tài chính, nền kinh tế sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ.
Chúng ta đã phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong chuỗi cung ứng toàn cầu, để họ quyết định làm cái gì và bán cho ai trên thị trường trong nước (xem bài dưới phần bình luận). Bây giờ mà phụ thuộc tài chính nữa thì đất nước liệu có còn chủ quyền? Lãnh thổ, đất đai của mình, con người là của mình nhưng mình hoàn toàn chịu sự chi phối của nước ngoài thì có phải là độc lập?
Hãy biết “liệu cơm gắp mắm”. Hệ thống giao thông xuyên Việt hiện nay chưa đến mức quá tải trong điều kiện đường bộ cao tốc đang từng bước hoàn thành, đường Hồ Chí Minh còn thưa thớt. Vận chuyển hành khách đã có hàng không cho hành khách nhiều tiền và ô tô giường nằm, tàu hỏa thông thường cho hành khách bình dân. Vận chuyển hàng hóa quốc tế tới các thị trường châu lục khác đã có hàng hải, hàng không. Đường sắt cao tốc Bắc – Nam chủ yếu phục vụ trao đổi hàng hóa với thị trường Trung Hoa Đại lục. Giờ chưa có đường sắt cao tốc mà Bắc Kinh đã nhiều lần dùng trò bẩn để nông sản dồn ứ ở cửa khẩu dẫn đến hàng ngàn con lợn chết, hàng vạn tấn hoa quả thối khi không được thông quan kịp thời. Nếu có thêm đường sắt cao tốc, chỉ giúp thêm một vũ khí cho chính quyền Bắc Kinh gây sức ép trong các mưu đồ chính trị của họ.
________________________
Nguồn: Facebook Chu Hồng Quý