(VNTB) – Lấy ý kiến dân mà dân không có quyền nói ý kiến cá nhân, bắt buộc 100% phải nhấn nút tán thành, tới khi sai lại giở bài cũ rằng “dân góp ý thì dân phải chịu trách nhiệm”
Một văn bản chỉ đạo của Uỷ ban tỉnh Sóc Trăng mới đây bị lộ ra cho thấy việc lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ là trò mị dân như thường lệ của CSVN. Văn bản do Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng ký ngày 17/5, trong đó chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh này phải “quán triệt” bắt buộc 100% đảng viên, công chức, đoàn viên, giáo viên, học sinh, sinh viên nhấn nút “Tán thành” dự thảo Hiến pháp mới qua app VNeID.

Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu báo đài, truyền thông tỉnh, huyện, xã và các cơ quan hành chính phải tuyên truyền, vận động tối thiểu 90% người dân phải bỏ phiếu “Tán thành” dự thảo Hiến pháp lần này.
Như vậy, chắc chắn số người dân “tán thành” sẽ nằm ở mức trên 90% như những lần bỏ phiếu bầu cử, khảo sát ý kiến trước đây. Có thể nói đây hoàn toàn là một biện pháp ép buộc người dân. Mất hết tất cả ý nghĩa của việc “lấy ý kiến”.

Cũng phải nói cho rõ là việc lấy ý kiến này ngay từ đầu là đã sai, vì đối với Hiến pháp dân chủ thì phải “phúc quyết” toàn dân, để người dân bỏ phiếu chọn ra bản Hiến pháp phù hợp nhất với lợi ích của họ. Trong khi đó, “lấy ý kiến” thì chỉ mang tính tham khảo. Chỉ tham khảo thôi mà đã bắt dân phải đưa ra ý kiến theo ý của Bộ Chính trị nữa thì lấy ý kiến để làm gì?
Nhìn rộng ra, văn bản này bị lộ ra từ Sóc Trăng, nhưng có thể hiểu là trên cả nước cũng vậy. Vì chủ tịch tỉnh Sóc Trăng cũng làm theo yêu cầu của Bộ Chính trị, đó là chỉ đạo chung, chứ chẳng lẽ Bộ Chính trị chỉ yêu cầu Sóc Trăng làm mà các tỉnh khác không làm?
Từ đó mới thấy lý do mà từ năm 1980 tới nay cứ khoảng 10 năm lại đổi hoặc sửa Hiến pháp một lần. Vì nó thực hiện theo ý chí cá nhân của một nhóm đang thắng thế trong hệ thống cầm quyền CSVN chứ không hề được phúc quyết toàn đân. Hỏi ý dân cho có lệ, ai trả lời sai ý đảng là lập tức bị chụp mũ phản động, bị bắt lên đồn tra tấn tinh thần.
Việc lấy ý kiến một cách xảo trá, gian dối như vậy chẳng những làm mất đi tiếng nói góp ý của người dân, mà còn tạo ra những hệ luỵ lâu dài về sau. Vì Hiến pháp là luật mẹ, luật gốc, từ đó là căn cứ để xây dựng các bộ luật chi tiết. Sửa đổi Hiến pháp thì kéo theo đó là những điều luật phía dưới như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Luật Giáo dục… cứ mãi phải sửa tới sửa lui. Mà Hiến pháp và pháp luật là nền tảng quốc gia, nếu nền tảng không ổn định thì làm sao xã hội có thể phát triển bền vững được? Làm sao dám mơ tới một kỷ nguyên vươn mình?
Chưa kể là những thế hệ học sinh, sinh viên bị ép buộc phải nhấn nút tán thành sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về mặt nhận thức; bị nhồi sọ rằng cứ mọi đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước là chân lý, cứ tán thành là đúng, còn cãi là sai, thế thì chẳng khác nào mất đi tư duy phản biện. Một đất nước mà “trên nói dưới phải nghe” răm rắp thì có khác nào thời phong kiến ngày xưa, tức là càng ngày Việt Nam sẽ càng đi thụt lùi so với tiến trình dân chủ mà thế giới đang đi tới.
Rồi tới chừng Hiến pháp, pháp luật có nhiều khuyết điểm thì CSVN lại đổ cho dân, lại giở bài cũ rằng “dân đã góp ý thì dân phải chịu trách nhiệm”. Mà thật sự dân có được góp ý theo quan điểm của dân đâu. Và cuối cùng lại là cái cớ để nhiệm kỳ sau đổi Hiến pháp, sửa luật nữa. Mỗi lần sửa Hiến pháp và pháp luật như vậy thì các sếp lớn lại gom được hàng tấn tiền, cứ vô tư lấy thuế của dân đóng vô, thiệt hại thì dân chịu, chứ các sếp cũng về hưu, hạ cánh an toàn hết rồi, biết tìm ai mà bắt đền?!