VNTB – EVFTA không phải để “dạy đời” hay “tuyên bố hời hợt”

VNTB – EVFTA không phải để “dạy đời” hay “tuyên bố hời hợt”

Quang Thành 

(VNTB) – Tác giả Thục Quyên có bài viết đăng trên Việt Nam Thời Báo, Tiếng Dân, Boxitevn,.. liên quan đến “điểm mù” trong quan điểm của một số nhân sĩ đối với EVFTA.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh sau đó đã dẫn lại bài viết và nhận xét trong một chia sẻ ngày 9/10: “KHÔNG MÙ KHÔNG NGU CHỈ YẾU THẾ.  Nhưng tiếc là tác giả có những nhận xét quá chủ quan, thiếu hiểu biết về trong nước, nóng nảy và thậm chí ngạo mạn, lên mặt dạy đời.

Những người mà tác giả “dạy dỗ” không mù, không ngu, mà thường là yếu thế, thiếu thông tin, hoặc họ có cách nhìn, phương pháp đấu tranh riêng mà tác giả không biết, không hiểu nổi (chứ không dám nói là tác giả đã “mù”).”

Phải thừa nhận rằng, cách nhận xét của Blogger Nguyễn Hữu Vinh rất thẳng, đi vào trọng tâm vấn đề. Và có vẻ tính cách thẳng thắn này giống như tác giả Thục Quyên như đúc.

Thục Quyên là người theo sát tiến trình EVFTA, tiến trình mà rất ít người Việt lưu tâm và hiểu sâu, ngay cả trong giới hoạt động xã hội dân sự. Tính cách thẳng thắn của cô biểu lộ qua nhiều bài viết, và gần nhất là bài về đơn kiện Formosa tại Đài Loan mà cô cho rằng, nó có nhầm lẫn trong “khiếu nại” đối với Uỷ ban Nhân quyền LHQ – điều mà đến nay, ngoài tác giả Thục Quyên chỉ ra, vẫn chưa có một ai lên tiếng chính thức.

[https://www.facebook.com/143161805761870/posts/2278475938897102/?d=n]

Cách cô dẫn vấn đề liên quan đến EVFTA và “cây gậy” theo quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Quang A nên được xem là cảnh báo hơn là “dạy đời”. Bởi tiến trình cam kết nhân quyền với thương mại từ khi Việt Nam gia nhập WTO đang có dấu hiệu lặp lại tại EVFTA.

Điều này có thể nhận diện qua 2 vấn đề.

Một là cơ chế DAG (Nhóm Tư vấn Trong nước” (Domestic Advisory Group – DAG) – một hội đồng gồm đại diện của các tổ chức dân sự độc lập, nhóm họp để giám sát, tư vấn cho chính phủ về quá trình thực thi EVFTA), cũng được nhận diện là “đa số các tổ chức dân sự Việt Nam khó khăn trong tiếp cận”, lý do bởi “chính quyền là bên quyết định danh sách thành viên của nhóm tư vấn này, cũng như cấp kinh phí cho nó hoạt động.” Và điều này tiếp tục được nhắc lại trong bài viết ngày 09/12/2019 của tờ EU Observer, với tiêu đề “Zahradil ‘xung đột lợi ích’ đối với Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam.”

Hai là, Bộ luật Lao động (nội dung nổi bật cam kết nhân quyền của Việt Nam) được sửa đổi mới đây nhằm đáp ứng yêu cầu EVFTA được tác giả Lê Ngọc Anh đánh giá khá sâu sắc trên BBC Việt ngữ, [https://bbc.in/345KS9k] trong đó có nêu rõ chỉ mang tính chất “đối phó và mơ hồ.” Và điều này tiếp tục được đề cập bởi nữ Dân biểu Irina Von Weise thuộc Đảng Tân Tiến (Đức Quốc).

Những gì đang diễn ra trước khi hoàn tất EVFTA đã cho thấy “cây gậy” EVFTA ra sao, chưa kể hoạt động gia tăng bắt giữ về kết án dài hạn gần đây đối với những người thực hiện quyền tự do biểu đạt.

Trong bối cảnh thực tế như vậy, nếu cho đó “thiếu thông tin” thì không phải, nhưng “yếu thế” là đúng. Hiện tại ngoài lá thư chung kêu gọi “tạm hoãn ký kết” của 18 tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước vào tháng 1/2019 thì đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ một động thái nào tiếp theo.

Còn nếu cho đó là “phương pháp đấu tranh riêng” thì càng sai, vì “phương pháp” này càng khiến cho đấu tranh yếu thế hơn sau khi hoàn tất cam kết. Bởi các cam kết nhân quyền “mơ hồ, đối phó” cũng sẽ không khác như các điều luật liên quan đến an ninh quốc gia trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015, vẫn giữ nguyên các tội trạng liên quan an ninh quốc gia, mơ hồ và dễ dàng lách qua được theo ý chí nhà nước.

Phương pháp đấu tranh riêng” phải dựa trên luận cứ và thực tiễn, cho đến hiện tại, TS Nguyễn Quang A vẫn chưa đưa ra được tính cụ thể của “cây gậy” mà ông thường hay ám chỉ đến. Trong khi mong muốn hoàn tất EVFTA ngày càng lớn.

Đó có thể là lý do mà tác giả Thục Quyên đã viết nên bài “điểm mù”, nó khiến cho nhiều người nhận ra con đường mòn mà người Việt Nam bị dẫn dụ cách đây hơn 1 thập niên, khi Việt Nam vào WTO.

Do vậy, lắng nghe và phản biện là điều cần thiết hơn là phán xét “dạy đời”. Bởi “dạy đời” không làm nên một lợi ích chung nào cả trong vấn đề liên quan EVFTA.

Hãy nhìn vào thực tế nhân quyền, cơ chế DAG và nội dung chỉnh sửa Bộ luật Lao động để cho mình một câu trả lời.

Về ông Dũng và một hội viên

Ông Phạm Chí Dũng, đúng như tác giả Thục Quyên phản hồi trong bài nhận xét của Blogger Nguyễn Hữu Vinh: Ông Phạm Chí Dũng là người duy nhất lên tiếng đòi hỏi EU nhận trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ những giá trị đạo đức mà chính họ đã đưa vào làm nền tảng cho những hiệp định thương mại của họ. Ông Phạm Chí Dũng có cách lên tiếng, có quan điểm theo khẩu vị của không những tác giả mà hầu như tất cả các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế.

EVFTA chứ không đơn thuần chỉ là lá thư gửi đến EU. Ông cũng là người kiên quyết đòi hỏi nhân quyền phải gắn liền và cam kết thực thi thật nhân quyền trước khi đi đến hoàn tất thoả thuận. Quan điểm của ông Dũng cũng trùng khớp với nhiều tổ chức nhân quyền (FIFH, VETO!, HRW,..), một số đảng phái chính trị EU, nổi bật là Đảng Xanh.

Và hiện tại ông là người bị bắt giam.

Bài viết không dành phần này để đặc biệt hoá cá nhân ông Phạm Chí Dũng, và người lại ấn hồi chuông về sự quan tâm EVFTA mảng nhân quyền của người Việt. Bởi nếu có 100 hay 1.000 lá thư giống như ông Dũng, hay thậm chí 1.000 quan tâm và viết bài về EVFTA phân tích “thiệt-hơn” trong Hiệp định này thì mọi sự đã có thể bớt “yếu thế” hơn.

Bởi nếu tiếp tục “trôi theo dòng nước” với “cây gậy” không hề rõ ràng và dễ dàng bị lách qua thì có phải nhân quyền Việt Nam tiếp tục rơi vào trạng thái “sống mòn”, cái trạng thái mà “khổ thì vẫn vậy. Có điều người hiểu biết nhìn rõ cái khổ của mình” nhưng cuối cùng cũng chết vì “khổ.”!?

Câu chuyện EVFTA cũng gióng lên một khía cạnh khác về nhận thức và sự hời hợt. Khi mới đây, một thành viên của IJAVN lên tiếng ủng hộ EVFTA (mặc dù nhân danh “chúng tôi”) bằng những luận điểm thơ ngây và hời hợt. Cái ngôn ngữ ủng hộ kiểu này có thể gián tiếp làm suy yếu nhân quyền trong tương lai, và trở thành điển hình nhất của cái mà Nhà văn Nam Cao từng nhận xét: Kẻ dốt nát khổ nhưng không biết rằng mình khổ. Không biết rằng mình khổ thì không khổ.

Nhân quyền trong EVFTA sẽ chết không phải vì “thế yếu”, mà vì lương tâm và nhận thức bị biến dạng, trong sự “ngạo mạn” với phần “cả tin.”

 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar

    […] VNTB – EVFTA không phải để “dạy đời” hay “tuyên bố hời hợt” […]