Nguyễn Nam
(VNTB) – Ngày thứ bảy 23-5, nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy đã bị bắt giữ hình sự, và di lý ông từ Hà Nội vào TP.HCM, trong một vụ án được cho là liên quan đến chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam, khởi tố từ tháng 11 năm ngoái.
Tại phiên họp của Quốc hội sáng 20-5-2020, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Theo thủ tục nội bộ của EU, bà Thịnh cho biết, EVFTA đã được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và Hội đồng Châu Âu phê duyệt.
Tuy nhiên, Hiệp định có một số nội dung trái với luật của Quốc hội, căn cứ khoản 14, Điều 70 Hiến pháp năm 2013 và điểm d, khoản 1, Điều 29 Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định phê chuẩn EVFTA. Chính phủ đề xuất trình Quốc hội xem xét phê chuẩn EVFTA tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Tờ trình do bà Thịnh trình bày cho biết trên cơ sở phê chuẩn của hai bên, Việt Nam và EU sẽ thống nhất về thời điểm Hiệp định chính thức có hiệu lực với cả hai bên. Do đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ thống nhất với phía EU thời điểm đưa EVFTA vào thực thi vào thời điểm sớm nhất, phù hợp với quy định của Hiệp định cũng như quy định pháp luật của mỗi bên.
Đối với Anh, Chính phủ kiến nghị Quốc hội khi phê chuẩn EVFTA thì cũng đồng ý áp dụng Hiệp định này với Anh (do Anh cũng là một bên tham gia ký kết EVFTA) cho đến hết giai đoạn chuyển đổi ngày 31 tháng 12 năm 2020 (có thể gia hạn đến 24 tháng).
Là Hiệp định quy định về bảo hộ đầu tư (bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư, EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.
Hiệp định EVIPA thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước Thành viên. Hiện nay, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định. Chính phủ đề xuất Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVIPA tại Kỳ họp thứ 9 mà không nhất thiết phải chờ toàn bộ các thành viên EU hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định.
Ngờ vực tiếp tục được đặt ra: nếu như nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bị bắt vì những bài viết liên quan lời kêu gọi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và Hội đồng Châu Âu không phê duyệt EVFTA đến khi nào Việt Nam thực sự có được quyền tự do ngôn luận, tự do hội đoàn, tự do biểu tình.
Giờ thì khi Quốc hội Việt Nam sắp ‘biểu quyết’ EVFTA và EVIPA, thì trong nước lại xảy ra một số vụ bắt bớ, câu lưu, đưa đến cảm giác dường như có phe nhóm quyền lực nào đó đang muốn khuyến cáo là dẫu EVFTA và EVIPA thông qua, thì chuyện tự do báo chí, tự do hội đoàn vẫn phải theo trình tự, được đảng chính trị đề ra, chứ không phải là chuyện thủ tục ở nghị trường.
Câu hỏi từng được đài BBC đặt ra trong một hội luận vào đầu tháng 7 năm ngoái: “Chế tài nào bảo đảm Việt Nam thi hành đúng EVFTA ký với EU?” (https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48874261)
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta), trao đổi trên BBC, rằng: “Theo thực tiễn mà từ trước đến này thực hiện các điều ước quốc tế, tôi chia sẻ một ý kiến rằng việc Việt Nam trước khi gia nhập một điều ước nào, thì đều có những cam kết liên quan vấn đề dân chủ, nhân quyền, nhưng khi đã ký kết xong thì dường như những vấn đề đó bị buông lơi và thậm chí không còn được thực thi.
Câu chuyện này trên thực tế có, nhưng ở đây vấn đề rất khó là thế này, là quan hệ giữa các quốc gia là quan hệ bình đẳng, quan hệ ở cấp Công pháp, do đó cho nên việc đàm phán để đặt quyền lực của quốc gia này, nhóm quốc gia này để kiểm soát quốc gia khác cũng rất khó.
Tôi xin nói ngay mấy Công ước quốc tế về nhân quyền, quyền dân sự chính trị, nó có hẳn cả một chương để giám sát thực hiện, nó có cả hẳn cơ chế, ví dụ như cơ chế Báo cáo Định kỳ phổ quát, cơ chế cử điều tra viên đến tận quốc gia, thế mà vi phạm vẫn là vi phạm thôi.Ở đây tôi nghĩ có lẽ đòn bẩy quan trọng nhất vẫn là kinh tế. Phải học tập ông Donald Trump. Hãy dùng những công cụ kinh tế để mà giám sát và chế tài.
Ví dụ như trong vấn đề nhân quyền, tôi được biết là nước Mỹ có đạo luật Magnitsky, và trong đó nói rõ là những cá nhân nào ở trung ương cũng như địa phương mà vi phạm chính quyền, thì chính quyền hành pháp phải báo cáo cho quốc hội và phải có lệnh trừng phạt bằng cách phong tỏa tài sản của những người đó ở nước ngoài.
“Theo tôi cách làm đó là hiệu quả nhất, thay vì những thỏa thuận, cam kết giữa quốc gia này, quốc gia khác. Tôi nhắc lại đến như Công ước về quyền dân sự, quyền chính trị, cả một cơ chế rất sát sao như vậy, vậy mà hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đâu có được cải thiện chút nào đâu?
Thế thì vấn đề ở đây, một lần nữa, công cụ mà quốc tế và những đối tác làm ăn với Việt Nam có thể sử dụng hữu hiệu nhất, đó là những công cụ kinh tế mà đặc biệt nhắm vào những cá nhân ban hành những chính sách, hoặc thực thi những hành động để bắt bớ những tù nhân lương tâm, cũng như là đàn áp những người biểu tình. Và những người đó thường là những người có tiền, có của và có tài sản ở nước ngoài, do đó dùng công cụ kinh tế thì có lẽ sẽ hữu ích hơn”.
Sau hội luận trên BBC đó, cho đến nay ông Hoàng Ngọc Giao vẫn không bị ‘làm khó dễ’ từ phía nhà chức trách. Đây cũng là điều không dễ lý giải, nhất là chỉ vài tháng sau, phía Hội nhà báo độc lập Việt Nam – một tổ chức hội đoàn thành lập không theo trình tự thủ tục hành chính, với các hoạt động phản biện ôn hòa, lại bất ngờ người dứng đầu hội này bị khởi tố vụ án hình sự theo Điều 117, Bộ Luật hình sự.
Rồi giờ đến lượt nhà báo tự do Nguyễn Tường Thụy cũng bị cáo buộc tội danh ấy ở trong cùng vụ án…