VNTB – EVFTA: sự hồ hởi của câu chuyện làm quà cho Tết con chuột

VNTB – EVFTA: sự hồ hởi của câu chuyện làm quà cho Tết con chuột

Triệu Tử Long

(VNTB) – Tiếng pháo khui Champagne có lẽ đã được Hà Nội nâng ly rượu mừng, khi Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA). Hiện tại thì điều này vẫn dừng theo đúng nghĩa đen của sự hồ hởi ở câu chuyện làm quà Tết con chuột.

Với những nhà hoạt động xã hội dân sự, chuyện INTA bỏ phiếu khuyến nghị phê chuẩn EVFTA trong bối cảnh còn khá mù mờ về vấn đề ‘tù nhân chính trị’, về nhân quyền ở Việt Nam…, là một tín hiệu kém vui, đặc biệt là với sự hy vọng khấp khởi của các gia đình ‘tù nhân chính trị’ đang mong mõi người thân của họ được trả lại quyền tự do ăn Tết. Yếu tố nhân đạo và sự mặc cả nhân quyền dường như không cùng nhịp với chuyện người Việt luôn mơ ước có được cái Tết đoàn viên; bởi, người ta có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để về vào ngày Tết…

“Nếu các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam triển khai tiếp cận EVFTA vẫn chậm trễ như triển khai CPTPP, thì tất cả những bài trình bày về cơ hội vẫn là trên giấy”. Đó là ý kiến bên lề ở hôm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức chương trình “Xuân quê hương 2020, chào đón kiều bào về quê ăn Tết”, với sự hiện diện của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Lợi ích cộng hưởng từ việc tham gia hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA, sắp tới có thể thêm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các FTA khác, mà nếu cộng đơn thuần theo một số tính toán dự báo thì có thể làm tăng GDP từ 13% – 16%. Nhưng khả năng hấp thụ đến đâu? Bởi nhiều FTA giống như nhiều thang thuốc bổ, nếu cơ thể đủ khỏe để hấp thụ thì rất tốt, nhưng nếu cơ thể yếu thì lợi bất cập hại.

Một báo cáo của Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho rằng, EU là thị trường lớn và hấp dẫn với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ chiếm 2,02% tổng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu, nên dư địa của thị trường rất lớn. Trong khi đó, việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu dệt may đang là thách thức lớn để đảm bảo quy tắc xuất xứ, hưởng ưu đãi. Thực tế có khoảng 90% nguyên phụ liệu của Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp.

“Ngành dệt may không được đánh giá là ngành hưởng lợi nhất trong tăng trưởng sản lượng hay tăng trưởng xuất khẩu sang EU. Nhưng là ngành hưởng lợi nhất từ phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, nên đó là động cơ để thúc đẩy đầu tư của trong nước vào nước ngoài” – báo cáo của Trung tâm WTO viết, và cho rằng để nâng cao giá trị gia tăng cho dệt may bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư vào dệt, nhuộm thì cần phải chú trọng vào thiết kế và các công đoạn khác.

Đánh giá chung của Trung tâm WTO (VCCI), là những cam kết trong EVFTA không chỉ giới hạn trong phạm vi loại bỏ thuế quan và tạo thuận lợi cho thương mại, mà sâu rộng hơn nhiều, với cam kết đằng sau biên giới bao gồm cách thức quản lý nhà nước, ban hành pháp luật, mối quan hệ giữa nhà đầu tư và nhà nước, vấn đề cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, quan hệ lao động,…

Và điều đó cho thấy sau khi EVFTA được ký, có lẽ giới xã hội dân sự nên tìm cách tập trung tác động vào chính quyền Việt Nam để cải thiện quyền công dân, hơn là vận động bên ngoài.

Lúc ‘chưa tạm mất quyền’ cầm bút, nhà báo Phạm Chí Dũng đã rất trung thành với cách nghĩ tìm kiếm việc cải thiện quyền công dân, qua các bài viết nhằm tới tác động chính quyền Việt Nam, như thúc đẩy cơ chế giám sát nghị trình EVFTA…

Người Việt có câu lắm ẩn tình: Ba mươi chưa phải là Tết. Mong những tiếng nói phản biện như nhà báo Phạm Chí Dũng sớm được ‘tái xuất’ để EVFTA thực sự mang đến những giá trị nhân bản thiết thực cho người dân Việt Nam.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)