VNTB- EVN ‘lỗ’: Quan chức nào của Bộ Công thương phải bị truy buộc trách nhiệm?

VNTB: Bài phân tích dưới đây của Thời báo kinh tế Sài Gòn một lần nữa cho thấy tập đoàn siêu độc quyền nhà nước EVN – dưới cơ chế chủ quản mòn rệu và khuất tất của Bộ Công thương – đã “ăn” đến mức nào để giờ đây kêu than lỗ lã và ép núi giá điện lên đầu hàng chục triệu người dân đóng thuế.

Tuy nhiên, không thể xem việc EVN kêu lỗ là đáng trung thực, khi nhiều thông tin cho biết qua 2 lần tăng giá điện trước đây, tập đoàn này đã vớt vát lại khá nhiều lợi nhuận từ công cuộc đầu cơ thu lỗ trong bất động sản, chứng khoán và bảo hiểm những năm trước.

Trong khi đó, hành vi EVN gian dối khi tống cả hạng mục sân tennis và bể bơi vào giá thành điện vẫn chưa được Thanh tra chính phủ có bất kỳ xử lý nào.

Chỉ cách đây ít ngày, một thứ trưởng của Bộ Công thương là ông Đỗ Thắng Hải còn công nhiên chống lệnh giảm mạnh giá điện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi tuyên bố “vẫn phải tăng giá điện”.

Nếu “không có gì thay đổi”, chỉ sau tết nguyên đán 2015, giá điện sẽ tăng vọt. Trong năm 2015 và cả 2016, được sự cổ vũ nhiệt tình hết sức bất thường của Ngân hàng thế giới và lãnh đạo ngành công thương, giá điện sẽ còn “bay cao hơn nữa”.

Quá nhiều hành vi cố ý làm lợi cho nhóm lợi ích EVN của Bộ Công thương đã đủ cấu thành tội trạng về “cố ý làm trái” chưa? Những quan chức lãnh đạo nào của bộ này cần phải bị truy buộc trách nhiệm đến nơi đến chốn trước khi EVN có thể phá sản vì không thể trả con số ít nhất 118.000 tỷ đồng nợ ngập đầu cho các ngân hàng?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải. Ảnh:TL


Ngành điện thắng lớn, trừ EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang đề xuất tăng giá bán điện thêm 9,5% so với giá bình quân của năm 2014 với lý do hiện đang bán điện dưới giá thành. Nhưng trong khi EVN kêu lỗ thì các công ty điện lực khác lại có một năm thắng lớn.

Buổi thuyết trình dự thảo báo cáo cuối cùng của Ngân hàng Thế giới (WB) về xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN và các đơn vị thành viên diễn ra vào đúng thời điểm các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ngân hàng Nhà nước đang thẩm định đề xuất của EVN tăng giá điện 9,5%. Nội dung chính của báo cáo là từ nay đến nửa cuối năm 2016 phải lập tức tăng giá điện, phải tăng kịch trần (10%) theo khung được quy định trong Quyết định 2165 của Thủ tướng Chính phủ, thì mới cải thiện được tình hình tài chính của EVN. Đó là một hậu thuẫn không nhỏ cho đề xuất của EVN.


Nếu chỉ căn cứ vào kết quả kinh doanh của EVN trong năm 2013 hoặc 2014 mà không xem xét đến các yếu tố như gánh nặng công ích, chu kỳ sinh lợi của các công trình mới đầu tư, hiệu quả quản lý kinh doanh của chính EVN… mà đã vội quyết định cho tăng giá điện thì sẽ không công bằng cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng điện. Ảnh: Minh Khuê

Nghịch lý của ngành điện lực

Cùng lúc đó, EVN công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014. Nếu nhìn vào những con số về tình hình tài chính không mấy lạc quan của EVN, chúng ta dễ dàng nhận thấy khuyến nghị của WB là rất thuyết phục và đề xuất tăng giá điện của EVN đúng là vấn đề cấp bách. Thế nhưng, trong tháng 1-2015 các doanh nghiệp sản xuất điện khác ở Việt Nam đồng thời cũng công bố kết quả kinh doanh của họ và nó hoàn toàn trái ngược với lời cảnh báo bi quan trong báo cáo của WB rằng nếu không tăng giá điện thì ngành điện không đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân.

Theo thông tin được công bố trên báo chí, trong năm 2014 EVN chỉ lãi 300 tỉ đồng, ít hơn rất nhiều so với mức lãi gần 5.000 tỉ của năm 2013. Đồng thời, khoản lỗ chưa hạch toán vào giá thành và còn “treo” lại tăng từ 8.800 tỉ trong năm 2013 lên gần 16.000 tỉ vào thời điểm cuối năm 2014. Khoản lỗ còn treo này bao gồm: 2.271 tỉ đồng chi phí tăng thêm do giá than tăng; 1.414 tỉ đồng do tăng giá khí trên bao tiêu (mua nhiều hơn mức cam kết mua); 1.504 tỉ đồng do tăng thuế tài nguyên từ 2% lên 4%; 1.019 tỉ chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn và các khoản tăng do phí môi trường, do chênh lệch tỷ giá…

Có thể nói 2014 là năm “đại thắng” với các doanh nghiệp ngành điện lực, trừ EVN.

Có thể thấy, việc tăng giá than, khí thiên nhiên, thuế tài nguyên… không chỉ ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh của các nhà máy điện trực thuộc EVN, mà tác động đến tất cả các doanh nghiệp sản xuất điện khác. Hiện điện do EVN sản xuất chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện quốc gia và phần còn lại đến từ các nhà sản xuất trong nước khác. Hơn nữa, sản lượng điện sản xuất của các doanh nghiệp ngoài EVN chủ yếu đến từ nhiệt điện chạy bằng than và khí, nên dễ thấy là khối này sẽ chịu tác động nặng nề hơn. Nhưng kết quả kinh doanh của họ và EVN lại hoàn toàn trái ngược. Có thể nói 2014 là năm “đại thắng” với các doanh nghiệp ngành điện lực, trừ EVN.

Trước hết, hãy nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhiệt điện than, là những người chịu ảnh hưởng mạnh bởi giá than tăng. Doanh thu của Tổng công ty Điện lực Vinacomin (tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) năm 2014 là 11.371 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 432 tỉ và tăng 188% so với kế hoạch. Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại 11 tháng đầu năm 2014 lãi trước thuế 1.012 tỉ đồng, vượt 154% kế hoạch, trong đó chỉ có 360 tỉ đồng là lãi do chênh lệch tỷ giá nhờ đồng yen Nhật xuống giá.

Còn các doanh nghiệp nhiệt điện chạy bằng khí: Tổng công ty Điện lực Dầu khí năm 2014 lãi 1.662 tỉ đồng trên tổng doanh thu 25.996 tỉ đồng, tăng 167% so với kế hoạch. Nhiệt điện Dầu khí Nhơn Trạch 2 lãi tới 933 tỉ đồng trong khi kế hoạch lợi nhuận ban đầu đề ra chỉ có 8 tỉ đồng. Trong đó phần lãi do chênh lệch tỷ giá hơn 400 tỉ (nhờ đồng euro mất giá). Nhiệt điện Bà Rịa cũng có một năm thành công tương tự.

Các công ty thủy điện còn thắng đậm hơn với tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu từ trên 25% đến trên 50%. Cá biệt, Công ty Đầu tư điện Tây Nguyên có doanh thu 29,9 tỉ đồng nhưng lãi tới 28,7 tỉ đồng. Hoặc một doanh nghiệp nhỏ bé như Công ty cổ phẩn Thủy điện miền Trung, chỉ với doanh thu 641 tỉ đồng nhưng đã có lợi nhuận bằng hơn hai phần ba của một tập đoàn có doanh thu đến 196.000 tỉ đồng. Đây rõ ràng là một nghịch lý.

Vì sao EVN lỗ?

Nghịch lý này có thể xuất phát từ những nguyên nhân như: EVN kinh doanh quá kém cỏi do quản lý điều hành yếu, bộ máy nhân sự quá lớn và do khoản vay bằng đô la Mỹ chiếm tỷ lệ quá lớn; EVN chấp nhận mua điện của các doanh nghiệp bên ngoài với giá cao rồi bán lại cho người mua với giá thấp; gánh nặng công ích quá lớn, như cung cấp điện cho nông thôn, cho vùng sâu vùng xa và các đảo… là những mảng thị trường có chi phí lớn hơn doanh thu. Cuối cùng là do các dự án đầu tư lớn quá nhiều và vì đang trong quá trình xây dựng hoặc mới vận hành nên các dự án này còn đang trong chu kỳ lỗ.

Trong bốn nguyên nhân trên, gánh nặng công ích là khá rõ ràng. Mạng lưới điện nông thôn với đặc điểm là chi phí lớn nhưng mức tiêu thụ điện rất thấp hiện là khu vực mà chẳng doanh nghiệp tư nhân nào muốn nhảy vào. Đây là điều Nhà nước phải xử lý cho EVN.

Lợi nhuận kém vì nhiều công trình mới đầu tư cũng tương đối dễ dự đoán. Trong ba năm từ 2012-2014, EVN đã đầu tư gần 359.000 tỉ đồng cho các dự án nguồn, lưới điện… bằng 1,83 lần so với tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2014. Chắc chắn các dự án đầu tư này khó có thể mang lại lợi nhuận ngay. Nếu thuận lợi cũng phải mất một vài năm sau khi đưa vào vận hành mới có thể có lãi. Đó là điều rất bình thường.

Vì vậy, nếu chỉ căn cứ vào kết quả kinh doanh của EVN trong năm 2013 hoặc 2014 mà không xem xét đến các yếu tố như gánh nặng công ích, chu kỳ sinh lợi của các công trình mới đầu tư, hiệu quả quản lý kinh doanh của chính EVN… mà đã vội quyết định cho tăng giá điện thì sẽ không công bằng cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng điện.

(Theo Tấn Đức – TBKTSG)


***


Giá điện ngày càng công khai minh bạch

Điện là một loại sản phẩm đặc biệt, có ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế xã hội, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân, vì thế chính sách giá điện, cũng như sự công khai minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) điện luôn được cử tri cả nước quan tâm.

Giá điện theo cơ chế thị trườngTrên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri các tỉnh Hải Dương, Lâm Đồng, Kiên Giang, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh về chính sách ổn định giá điện, tăng cường tính minh bạch trong lộ trình tăng giá và tạo lập môi trường cạnh tranh với nước ngoài gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII của Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới Bộ Công Thương vào tháng 12/2014. Với vai trò là Bộ được giao quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng nói chung, trong đó có điện năng, Bộ Trưởng Bộ Công Thương đã có văn bản số 875/BCT-KH ngày 26/01/2015 trả lời cử tri với các nội dung nêu trên vào tháng 1/2015. Báo Công Thương xin tóm lược một số nội dung quan trọng.

Ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2165/QĐ-TTg, phê duyệt khung giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân giai đoạn này tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh. Việc điều chỉnh giá không được thấp hơn mức tối thiểu và cao hơn mức tối đa của khung giá theo cơ chế điều chỉnh giá bán điện tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg có hiệu lực từ 10/01/2014, giá điện sẽ được thực hiện theo cơ chế thị trường, nghĩa là trong năm tài chính, giá điện bình quân được xem xét điều chỉnh tăng hoặc giảm khi thông số đầu vào cơ bản gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát…có biến động so với cơ sở tính giá trước đó.

Bên cạnh đó, hàng năm căn cứ kết quả kiểm tra, tính toán giá thành SXKD điện năm tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và tình hình kinh tế xã hội, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh giá bán điện bình quân; Thời gian điều chỉnh giá giữa hai lần liên tiếp tối thiểu là 6 tháng với nguyên tắc công khai minh bạch. Trường hợp cần thiết, Nhà nước sử dụng Quỹ bình ổn giá và các biện pháp theo quy định để bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Như vậy, giá bán điện bình quân các năm 2013-2015 sẽ được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg và trong phạm vi khung giá quy định tại Quyết định số 2165/QĐ-TTg, tuy nhiên thời điểm điều chỉnh và lượng điều chỉnh sẽ được căn cứ vào tình hình kinh tế – xã hội của từng thời kỳ.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong một lần trả lời chất vấn tại Quốc hội


Công khai minh bạch

Trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã thực hiện công khai minh bạch đối với hoạt động SXKD điện thông qua việc ban hành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán điện; cơ cấu biểu giá; quy định về kiểm tra và công khai giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm; các thông tư quy định về cơ chế giá điện các khâu phát điện, truyền tải, quản lý ngành; quy định về thị trường phát điện cạnh tranh.

Ngoài ra, thực hiện quy định về kiểm tra, công bố giá thành SXKD điện theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ năm 2011 Tổ công tác liên ngành gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN đã triển khai công tác kiểm tra giá thành SXKD điện của EVN từ 2010-2013. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Công Thương đã họp báo công bố công khai các nội dung về giá thành SXKD cũng như tình hình hoạt động (lỗ/lãi) của EVN cho từng năm.

Để tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch hoạt động SXKD điện, ngày 22/4/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 11/CT-BCT quy định chi tiết, cụ thể về các nội dung, hình thức, phương thức, thời gian cần công khai, phân công cụ thể đơn vị thực hiện việc công khai, địa chỉ tra cứu, truy cập thông tin các nội dung công khai minh bạch với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu với 3 nội dung chính gồm (1) Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các cơ chế chính sách giá, cơ chế quản lý điều hành giá điện để tạo cơ sở giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội nắm được các quy định pháp luật về quản lý giá, hiểu và giám sát việc quản lý điều hành, điều chỉnh giá điện có tuân thủ hay không các quy định của Pháp luật.; (2) Nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng và xã hội có thông tin, số liệu để dễ dàng giám sát các hoạt động quản lý, SXKD điện như yếu tố cấu thành giá điện, phương án điều chỉnh giá điện gồm kế hoạch, cơ cấu sản xuất cung ứng điện, các định mức chi phí làm căn cứ tính toán giá, tỷ lệ tổn thất, biến động đầu vào, thông tin về hoạt động kinh doanh của EVN (báo cáo quyết toán có kiểm toán, tiền lương, thù lao, thưởng của từng viên chức quản lý doanh nghiệp); (3) Tổ chức thực hiện trên cơ sở phân công cụ thể trách nhiệm của các đơn vị trong Bộ Công Thương và doanh nghiệp trong việc thực hiện tuyên truyền, công bố thông tin; phương tiện, thời gian và tần suất công bố các thông tin theo quy định, đảm bảo thông tin thống nhất, thường xuyên, liên tục tới người tiêu dùng và xã hội…

Ngoài các nội dung nêu trên, từ ngày 01/06/2014, Bộ Công Thương đã triển khai công bố thông tin theo Chỉ thị 11/CT-BCT tại chuyên trang công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện trên website của Bộ tại địa chỉ http://minhbach.vecita.gov.vn

(Theo Đình Dũng – Công Thương)

CATEGORIES
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)