(VNTB) – Trong bốn tháng đầu năm nay có khoảng 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường khoảng 89.900 doanh nghiệp.
Giây phút âm thầm, lặng lẽ tháo bảng hiệu sau bao nhiêu thời gian ấp ủ, nung nấu những tâm huyết. Những cửa hàng đóng cửa im lìm sau chuỗi ngày kinh doanh, buôn bán ế ẩm. Một thời vàng son, dường như đã dần chìm vào quên lãng…
“Tôi quan sát thấy, lúc trước chợ đông đúc lắm. Còn bây giờ, nhiều ki-ốt đóng cửa, ngoài đường thì bán sale, xả lỗ trả mặt bằng, khắp nơi thì cho thuê mặt bằng, cho thuê làm nhà xưởng, cho thuê đất trồng trọt hoặc bán hẳn mặt bằng. Nhìn cảm thấy vừa buồn vừa lo, cuộc sống dường như đang càng lúc càng khó khăn”, bà nội trợ Út Thu chia sẻ.

Số liệu ghi nhận từ Cơ quan thống kê quốc gia, Cục Thống kê – Bộ Tài chính, chỉ trong tháng 01/2025 có hơn 58,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó có 52,8 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 90,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,2%); 3,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (chiếm 6%, giảm 55,2%) và 2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (chiếm 3,5% và giảm 8,3%).
Tính riêng tháng 4, có hơn 15.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,5% so với tháng trước nhưng tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, gần 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 63,6% so với tháng trước, và gần 8.990 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 83,5%.
Và trong bốn tháng đầu năm nay khoảng 96.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, cao hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp gia nhập thị trường khoảng 89.900 doanh nghiệp.

Là người bị ảnh hưởng bởi buôn bán khó khăn, từng có thời gian làm tiểu thương ở ngôi chợ bậc nhất tại Sài Gòn, giờ chuyển sang buôn bán lề đường, bà Hồng Phượng chia sẻ trong nước mắt: “Hai mươi bốn thì chị cũng thấy chật vật, bán cũng, số lượng nó không bằng năm hai mươi ba, còn năm hai mươi là dịch rồi, hai mươi mốt bán nó cũng hơi là tương đối thôi, hai mươi hai thì bán cũng ô-kê. Giờ khó khăn lắm em, chứ không có phải như là hồi xưa. Ngày xưa đó, em dễ kiếm. Ví dụ đi, hồi đó chị bán, ra chợ Bến Thành chị bán đó, bưng cái gì ra ngoải bán cũng hết. Nói chung là hồi xưa chị buôn bán ở chợ Bến Thành, chị bán quần áo ngoài đó, rồi sau một cái dịch qua đi, chị mới ra đây chị bán cái này”.
Đồng cảnh ngộ với bà Phượng, song, mặc dù tình hình buôn bán có phần khó khăn, nhưng ông Ba Dũng, tiểu thương một ngôi chợ ở miệt biên giới, vẫn cố gắng gượng: “Mấy này hồi xưa, người ta đi chợ này, nói chung là cái lúc mà trước năm 2010 đổ về trước, là chợ này đông lắm. Lúc đó giao thương ít, cái chỗ khác ít, người ta đổ về đây nhiều. Từ năm 2010 tới giờ, cũng có đi, nhưng mà chẳng hạn cái lượng còn chừng 50% à. Còn mấy ngày xưa, trước 2010, người ta đi dữ lắm. Người ta đi chật hết, chỗ này không có đường đi nữa. Giờ buôn bán không có bằng hồi trước. Giờ bán rào rào vậy chứ không có được bao nhiêu”.
Nửa năm 2025 đã đi qua, bức tranh kinh tế đời sống dường như vẫn còn đó nhiều khó khăn. Song, nói như lời ông Ba Dũng: “Dẫu khó khăn, tiểu thương cũng gắng gượng, cố đến khi nào không thể thì buông tay. Bởi, đó không chỉ là truyền thống của gia đình mà còn là “chén cơm manh áo” hằng ngày…”