Việt Nam Thời Báo

VNTB – Gặp gỡ Tác Giả “Tôi Phải Sống”, linh mục Nguyễn Hữu Lễ

Đinh Hùng Cường, Ngọc Trâm

 

(VNTB) – Linh mục Nguyễn Hữu Lễ: Con người rồi sẽ chết, nhưng đấu tranh cho tự do, nhân quyền của người Việt Nam sẽ phải còn tiếp tục.

 

 

LTS: Linh mục Nguyễn Hữu Lễ chánh xứ họ đạo La Mã, Bến Tre, bị Cộng Sản bắt năm 1976 vì tội chống chế độ và bị đi tù suốt 13 năm trong đó 11 năm tại các trại tù miền Bắc, trong đó có trại trừng giới Quyết Tiến nằm sát biên giới Trung Quốc, thường được gọi là trại Cổng Trời! Ông xuất bản cuốn bút ký “Tôi Phải Sống” kể lại kinh nghiệm 13 năm trong lao tù CSVN và từ đó rút ra một bài học cho con đường dân tộc phải đi trong tương lai. Cuốn sách này đã được tái bản nhiều lần và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất (“best seller”) của cộng đồng người Việt hải ngoại, đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Hầu hết người Việt tỵ nạn ngưỡng mộ ông. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đang phục vụ tại Giáo Phận Auckland, New Zealand trong chức vụ Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, và là người đại diện của Phong Trào Quốc Dân Đòi Trả Tên Sài Gòn (*). Chúa nhật 30/10 ông từ Tân Tây Lan sang Hoa Kỳ và có cuộc găp mặt với đông đảo người ngưỡng mộ ông tại Maryland.

 

Tôi thân cha Lễ, không bởi đi tù trại Cổng Trời với Cha. Không bởi gan dạ, bất khuất vượt ngục như Cha, mà cũng không bởi là một con chiên ngoan đạo đến bên Cha. Mà tôi chính hiệu là một anh phật tử thương cha với lý do giản dị, tôi bạn học với anh Thụ từ thuở lớp nhì. Anh ruột của Thụ là dân biểu Tiếp, đi tù cùng trại Cổng Trời (Gate to Heaven). Anh Tiếp kiên cường, nhân cách và can đảm đã cùng Cha Lễ vượt ngục, nhưng không thoát. Tên Bùi Đình Thi, một con chiên Công Giáo, cũng bị đi tù, làm “ăng ten” cho VC, đã đánh chết dân biểu Tiếp và đánh gần chết Cha Lễ. Sự thật thì bọn Cộng Sản đã đánh gần chết những người tù; và tên Bùi Đình Thi đã tâng công đánh hôi thêm làm thiệt mạng dân biểu Tiếp. Cảm kích tấm lòng gan dạ và đồng chí hướng, Cha Lễ đã nhận ông Tiếp làm anh tinh thần, rửa tội cho ông. Vô tình, ông Thụ, hơn Cha một tuổi, cũng được làm anh tinh thần của cha Lễ. Và thằng tôi được dây máu ăn phần làm quen cha Lễ, một điều làm tôi hãnh diện. Cũng phải nói thêm cha Lễ là một nhà đấu tranh chống Cộng Sản đòi tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam, mà tôi cũng có phần nào đóng góp nên đã có duyên được biết ông….

…Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, lần đầu tiên cha Lễ đến nhà Thụ với những bạn tù, như đại tá chánh án toà án quân sự đặc biệt Nguyễn Cao Quyền, kỹ sư Dương Văn Lợi … Một ít kỷ niệm xa xưa trong buổi gặp gỡ lần đầu này, xin kể ra đây:

 

Đại tá Quyền đã tâm sự là Cộng Sản bỏ tù ông, bỏ đói ông đến mờ cả mắt. Một buổi chiều ông mệt mỏi, ngồi bên bờ suối, sau một ngày lao động bị Cộng Sản đày đọa xác thân, ông bỗng thấy một đàn kiến công kênh một hột đỗ. Đói quá, ông đã lấy một cái que nhỏ, khều những con kiến ra, nhặt hột đỗ bỏ vô miệng mà nhai. 

Ông Kỹ sư Dương Văn Lợi (DVL), người tù trại Cổng Trời cùng cha Lễ; ông ở trong nhóm Quyết Tiến 48 người với dân biểu Tiếp, cha Lễ, ông Trần nhật Kim, v.v. Ông Lợi có tài, có óc tổ chức và đã lập mưu từ ở trong miền Nam mà đánh cắp một chiếc trực thăng của VC ngay tại sân bay Hà Nội. Ông đã bí mật móc nối được hai phi công VNCH bị VC bắt, sử dụng họ để dạy phi công VC lái trực thăng. Theo kế hoạch, hai người “pilot” VNCH sẽ mang bình điện tới nơi trực thăng đậu (VC cẩn thận tới độ, khi trực thăng nằm ụ, thì nó tháo bình điện ra cất vô kho, và cho lính gác trực thăng, mỗi khi bay huấn luyện là có lính Cộng Sản canh chừng trên trực thăng sợ phi công đào thoát).

Rất bất ngờ, hai người “pilot” đã vô hiệu hoá người lính gác Cộng Sản, tước súng. Gắn bình điện, quay máy và cất cánh. Trong khi nhóm ông kỹ sư Lợi, bí mật chuyển đồ ăn, thức uống và nhất là JP4 là loại xăng dùng cho trực thăng, giấu kỹ ở sân vận động, đúng 4 giờ sáng, nhóm người của ông Lợi di chuyển vô sân bay, có dẫn theo hai người tình của hai ông phi công. Toan tính hoàn hảo, khi cái trực thăng rọi đèn pha đáp xuống sân vận động đón người, thì một chuyện thật bất ngờ xảy ra, ngoài tất cả những tính toán của ông Lợi. Cái dân miền Bắc, nghèo khổ, không có cầu tiêu trong nhà, vì sống chen chúc, thường dạy rất sớm ra sân vận động bỏ hoang mà phóng uế. Bọn người ỉa lậu này, bỗng dưng thấy trực thăng nổ phành phạch đáp xuống, và lố nhố những người chuyển đồ, đổ dầu xăng vô trực thăng, họ biết ngay chuyện gì, thế là họ vác quần mà chạy đi báo công an. Bị lộ, nhóm ông Lợi bình tĩnh đổ xăng, chất đồ, chất người xong cất cánh. Hà Nội báo động đỏ, còi hụ hú vang cả thành phố, náo loạn như ngày nào B52 Mỹ còn dội bom. Chiếc trực thăng đã khôn ngoan, bay thật thấp tránh ra đa, và những phi cơ chiến đấu của Cộng Sản đã cất cánh lên tìm kiếm. Nhóm cướp máy bay của ông DVL đã bay qua được lãnh thổ Trung Cộng. Lúc đó Trung Cộng và Việt Nam đang hận thù chiến tranh, không cho dẫn độ, họ lấy cái trực thăng và trả tự do cho nhóm DVL. 

 

Tôi nhìn ông DVL người miền Nam nhỏ bé, mặt tái mét như người sốt rét kinh niên, thế mà tài ba gan dạ khôn lường, chơi qua mặt cả VC. Không riêng gì ông DVL, hầu hết những người đến chơi nhà Thụ, đều đã ở tù Cộng Sản quá lâu, ai cũng trông thiểu não xanh sao gày ốm. Riêng ông Cha Lễ thì tôi thấy mặt ông tươi rói, khoẻ mạnh. Tôi bỗng nghĩ ông không phải cựu tù nhân, vì nhất thời tôi nào đã biết ai là ai, tôi mon men chào Cha và hỏi là Cha từ bên Pháp và hướng dẫn phái đoàn qua đây? Cha Lễ đã vui vẻ khi biết tôi tìm cách làm quen. Cha bảo tôi, cha cũng là một trong anh em những người bạn tù đến đây, không phải trưởng phái đoàn. 

– Vậy sao trông cha vui vẻ, hồng hào tốt tươi, không giống các bạn của cha? Tôi hỏi.

– Tôi là người đem lại niềm vui, hy vọng cho cuộc sống của anh em bạn tù, mà tôi ảo não u sầu, thì làm sao tạo hy vọng cho đời sống tù đày của họ, Cha trả lời.

Sau đó Cha Lễ có kể cho tôi nghe một chuyện. Sau khi ở tù một khoảng thời gian lâu lắm, cả chục năm, bỗng dưng Cộng Sản kêu mười mấy ông Cha bị đi tù ra, thả hết. Chỉ trừ Cha Lễ là bọn chúng giữ lại. Ông Cường biết không, Cha nói:

– Đêm đó tôi về phòng, tôi khóc như cha tôi chết, tôi buồn thảm, sầu khổ cả đêm, rồi bỗng nhiên, trí tuệ tôi sáng ra. Tôi hiểu rằng, tôi không tiếp tục bị tù đày thêm nữa, mà ý Thiên Chúa muốn tôi ở lại đây, biết bao nhiêu con người còn bị tù đầy gian khổ. Thiên Chúa muốn tôi giúp đỡ họ. Từ suy nghĩ đó, tôi bỗng thấy mình vui hẳn lên, vì tôi còn bổn phận mà Đức Chúa đã giao cho tôi phải làm, là xoa dịu nỗi khổ đau cơ hàn của những người tù nhân… Đó là lý do và những kỷ niệm đầu tiên với cha Lễ. Cho đến bây giờ, tôi đã thân thiết với Cha Lễ cả mấy chục năm, tôi không còn xưng hô Cha Lễ, hay linh mục, mà tôi gọi ông là Cậu Bảy cho thân tình.

 

Tôi đến nhà Thụ, trong cái cảnh tranh sáng tranh tối của một buổi chiều nhá nhem. Cha Lễ đang nằm ở sofa thấy tôi, ngồi bật dậy. 

– Tôi giật mình hỏi là cha đang ngủ à. 

Cha trả lời là:

– Không. Đến đây giờ giấc trái chiều nhau, nên tôi hơi mệt nằm nghỉ đợi ông bà Cường đây. 

 

Tôi ôm cha nồng nàn mừng rỡ. Cuộc hội ngô ngoài sự mong ước của tôi. Sáu năm truớc đây, tôi và Thụ đã qua New Zealand thăm Cha Lễ. Thấy Cha tuổi tác và nhất là mắc bệnh chóng mặt khi lên tàu bay, thì tôi nghĩ ngày Cha trở lại nuớc Mỹ sẽ xa vời. nhưng hôm nay người thu hết sức lực qua Mỹ thăm lại bạn bè cố nhân trước khi vĩnh viễn nghỉ hưu và từ giã cuộc đời. 

 

Bà Thụ đã làm ba bát mì cho tôi, Thụ và cậu Bảy (Cha Lễ). Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện, trong khi Trâm và chị Thụ ở trong bếp tâm tình to nhỏ. 

 

Mục đích cha Lễ đến Mỹ kỳ này ân tình nhiều hơn công việc, cho dù sức khỏe yếu kém. Với cậu Bẩy, ân tình trên hết. Có một số ân nhân bằng hữu của cậu Bẩy ở Cali đã ghé qua. Rồi chuyện đấu tranh, cậu Bẩy cũng đã gặp một số anh em, đồng chí hướng để bàn bạc công việc cho những ngày sắp tới. Bây giờ qua DC. Cậu Bẩy cần ghé nhà, gia đình của người anh tinh thần của ông là dân biểu Tiếp tức là nhà ông Thụ. Việc quan trọng nhất ở đây là phải thăm giáo sư Đào Thị Hợi, phu nhân của cố giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. Sau đó thăm mộ anh Bích.Thăm anh Trần Nhật Kim, anh Nguyễn Cao Quyền, v.v. 

Tôi đã bỏ nguyên ngày 26 tháng mười để đưa cậu Bẩy đến tư gia anh Bích gặp chị Hợi. Thật tình cờ lại gặp vợ chồng anh Nguyễn Mậu Trinh ở đây. Thế là tất cả kéo ra thăm mộ anh Bích, rồi nơi nghĩa trang yên nghỉ của anh Bích, có bào huynh của anh là giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, hai mộ cùng nằm gần nhau trên một ngọn đồi. Một công ba việc, Cha Lễ đã đốt nhang cho anh Linh và anh Bích. Cha không quên ghé thăm ngôi mộ của mẹ Trâm, cụ Phùng Thị Nhật đã quá vãng với tuổi đời 104. Mẹ Trâm cũng an nghỉ tại đây sau khi đã sống trên cõi đời trần thế, trên cả luật định cuộc đời là 100 năm trong cõi người ta. Câu chuyện nơi nghĩa trang của cậu Bẩy nói tình cờ nhưng vô tình lại thành một chuyện linh thiêng. Khi ở mộ anh Bích, trời xầm xì từ sáng, bầu trời nặng trĩu với hơi nước, mây đen, nhưng không mưa. Đến khi cha Lễ đốt’ tuần nhang, cúng anh Bích, thì cơn mưa đổ ào, ụp xuống. Anh Nguyễn Mậu Trinh nhanh tay dìu cha Lễ ra xe; và Cha kể câu chuyện cha viết về anh Bích khi anh vừa nằm xuống, trong cuốn “Nguyễn Ngọc Bích Tấm Lòng Cho Quê Hương” trang 244, “Cập Thời Vũ Nguyễn Ngọc Bích.”

 

Cha Lễ rất thích nhân vật đời nhà Tống có 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Trong đó có một người tên Tống Giang, tự là Tống Công Minh. Người tài đức, nhân hậu, lúc nào cũng sẵn sàng ra tay giúp đỡ mọi người; ông không từ chối ai bao giờ. Để tỏ lòng thương mến biết ơn, người đương thời tặng cho ông danh hiệu “Cập Thời Vũ”; nghĩa là mưa đúng lúc. Từ đó người đời gọi ông Tống Công Minh là Cập Thời Vũ. Và bây giờ cha Lễ dùng điển tích này để gọi anh Bích là “Cập Thừa Vũ Nguyễn Ngọc Bích”. Phải chăng vì thích danh hiệu này mà khi cha Lễ tới thăm, anh Bích đã xin cho trời mưa ngay. Mưa đúng lúc để cảm ơn cha Lễ, người có lòng nghĩa tử là nghĩa tận, đã từ New Zealand, đường xa vạn dậm đến viếng mộ anh. Cha Lễ cũng còn có một trí nhớ phi thường. Khi cha ghé mộ mẹ Trâm, đốt nén hương và đã khấn rằng cảm ơn cụ Phùng Thị Nhật. Cụ đã cho Cha Lễ một kỷ niệm khó quên, là mỗi khi đến D.C, Cụ Nhật đều nấu cho cha ăn món bún ốc, ngon tuyệt vời. Cha nhớ cụ và không quên món ăn ngon đó. Thật đúng với câu ca dao, miếng ngon nhớ lâu!

 Trên đường trở về, chị Bích nhất định đãi Cha Lễ một bữa cơm trưa. Thật may mắn là trong bữa ăn kỷ niệm đó, Cha Lễ đã gặp ngay hai người mà ngài muốn gặp. Anh Trần Nhật Kim, một người tù ở trại Cổng Trời cùng trong nhóm Quyết Tiến 48 người. Cha Lễ cũng gặp anh Chu Lynh, một nhà văn, một nhà quay phim, từng thành lập hãng phim chung với anh Bích. Thế chỉ trong một buổi sáng, Cha Lễ đã gặp đủ tất cả những người mà cha muốn gặp. Tôi đã đùa, nói với Cha là hôm nay cậu Bảy hên quá, ra ngõ gặp giai. Cha phì cười bảo tôi: ông Cường phải nói cậu Bảy ra ngõ gặp trai (con trai) mới đúng. Chỉ còn một người nữa là hoàn thành sứ mạng của tôi, là đưa cha lên Potomac gặp anh Nguyễn Cao Quyền là cha hả lòng. 

Chúng tôi đến nhà anh Quyền sau buổi trưa. Anh Quyền đã tuổi ngoài 90. Người ốm yếu nhưng tinh thần còn cực kỳ minh mẫn. Từ ngày anh lui cui đi vô phòng tắm một mình và bị ngã một cú như trời giáng, chị Quyền cấm cung anh ở trên gác, không cho xuống dưới nhà. Biết tính chị Quyền cẩn thận, vợ chồng tôi và Cha Lễ đều đeo khẩu trang trước khi bước lên lầu. Sự xuất hiện bất ngờ của Cha Lễ làm anh Quyền vui mừng quá sức. Anh cố gắng ngồi dậy, chuyển sang cái “Arm Chair” (ghế bành, chú thích của Ban Biên Tập) nói chuyện với Cha. Lời cha lễ vô cùng cảm động:   

Anh Quyền, tôi từ đường xá xa xôi, với lòng quý mến đặc biệt. Tôi đã đến đây thăm anh và nói lời từ biệt. Vì rồi đây, sau này anh em mình còn có dịp gặp nhau nữa không? Xin anh coi đây như lần chót tôi đến thăm anh. 

Ông Quyền nhăn mặt; ý không muốn chấp nhận lời nói của Cha. Nhưng ông cũng tỏ ra vô cùng cảm động, chìa tay ra bắt tay Cha. Một cái bắt tay thông cảm sâu xa im lặng của hai người cựu tù nhân làm vợ chồng chúng tôi ngồi đó mà muốn rơi lệ.

 

Cha Lễ nhắc lại kỷ niệm xưa khi nhóm tử tù của ông kéo về từ trại Cổng Trời và anh dũng tổ chức một cuộc vượt ngục vô tiền khoáng hậu. Cha Lễ kể chuyện cuộc vượt ngục thất bại vì tính toán sai giờ giấc. Từ cái chỗ cầu tiêu đào ra ngoài, quá chật hẹp, chỉ có anh Tiếp và Cha Lễ có thể thay nhau lách vô làm việc thôi. Một người chui xuống, cố nậy từng viên gạch. Nhưng sau đó, đám gạch thẻ này đã ăn cứng với xi-măng không biết bao đời, vô cùng khó khăn để gỡ ra từng viên. Bên phòng này, cha Lễ và anh Tiếp gỡ gạch. Bên phòng kia, anh Quyền và đám tù nằm im nín thở, hồi hộp nghe từng tiếng động tĩnh bên. Rồi bỗng nhiên, cả trại tù nghe một tiếng ầm âm vang rất lớn. Sau đó im bặt. Mọi người không hiểu. Cho đến bây giờ, ông Quyền cũng không hiểu tại sao có tiếng kêu vang to thế. Cha Lễ mới giải thích là cuộc đào gạch phá tường quá chật vật, không đủ thì giờ kiên nhẫn mà moi từng cục gạch, nhìn trời đã gần sáng, không thể chờ đợi thêm nữa, toán tù vượt ngục cùng chung sức bứng nguyên cái cửa mà thoát ra ngoài, bất kể tiếng động. Cuộc đào thoát thất bại, đưa tới cái chết của dân biểu Tiếp, và mạng sống của Cha Lễ như mành treo chuông. 

 

Câu chuyện lan man đến sau buổi trưa. Chúng tôi từ giã anh chị Nguyễn Cao Quyền ra về. Hai người bạn tù già nua, bịn rịn rời nhau. Chúng tôi bước xuống thang để lại anh Quyền, một mình trong căn buồng trống vắng. Tôi nghĩ tới anh Quyền, tôi nghĩ tới cuộc đời, tôi nghĩ tới nhà Phật. Từ một ông chánh án quyền uy của toà án đặc biệt, một tiếng gõ búa của anh có thể đem tự do cho con người, mà cũng một tiếng gõ búa của anh cũng lấy đi mạng sống con người, vì toà án đặc biệt này chỉ có hai án lệnh, tự do hay tử hình. Rồi nước mất nhà tan, anh Quyền lại bị VC bỏ tù. Và rồi đây, chính cái tuổi già lại một lần nữa giam anh nơi bốn bức tường. Sức khoẻ đã lấy đi sự tự do đi lại của anh. Cuộc đời chỉ còn lại ngày quanh quẩn bên sự chăm sóc của người vợ hiền. Phải chăng đời là bể khổ? Đời là vô thường (emptiness)? Còn Cha Lễ, với mái tóc bạc phơ, rồi đây ông cũng sẽ không thoát khỏi luật tạo hoá bất di bất dịch. Sớm muộn ông cũng phải rơi vào bánh xe định mệnh là sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng vốn tự cho mình một thiên chức là cứu khổ và xoa dịu niềm đau cho cuộc đời, ông vẫn lạc quan. Tôi hỏi Cha:” Một người sống như Cha, lấy đời sống ân tình làm trọng, nhìn việc làm của Cha hôm nay, tôi rất ngưỡng mộ, và là tấm gương sáng cho tôi theo. Nhưng thưa Cha, sau chuyện này sẽ là chuyện gì? Cha lễ đã trả lời:”

Con người rồi sẽ chết, nhưng đấu tranh cho tự do, nhân quyền của người Việt Nam sẽ phải còn tiếp tục. Trong mấy năm qua, tôi đã nhờ nhiều người, tìm cách chuyển ngữ cuốn sách “Tôi Phải Sống” qua tiếng Anh để phổ biến, tố cáo tội ác vô cùng dã man của bọn Cộng Sản. Bọn chúng đã biến những người tù thành những con vật; đối xử tàn bạo, độc ác vô chừng. Tôi muốn thế giới phải nhìn thấy điều này. Hiện nay, cuốn sách “Tôi Phải Sống” đã nằm trong tay một nhà xuất bản bên Anh Quốc. Năm nhân vật then chốt, đã chia nhau đọc cuốn sách của tôi. Sau cùng họ đã họp lại và thống nhất 5 người đều đồng ý là phải in cuốn sách “Tôi Phải Sống” bằng tiếng Anh. Họ đã gửi hợp đồng cho tôi ký, và trong 241 ngày nữa cuốn sách sẽ ra đời. Nhân loại sẽ nhìn thấy bộ mặt kinh tởm cũa những người Cộng Sản Việt Nam. Từ đó, hy vọng sẽ có một luồng gió mới, thức tỉnh những người trẻ VN

Đinh hùng Cường, Ngọc Trâm

(*)http://saigon4saigon.blogspot.com/2007/08/vi-hng-tiu-s-linh-mc-nguyn-hu-l.html


 

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.