Việt Nam Thời Báo

VNTB – GDP 7% và vận nước đang lên?

A.H.
(VNTB) – Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ‘vận nước đang lên’, có thật thế không?
Những lần tự hào lịch sử
Đầu tiên, chúng ta là dân tộc phát minh thứ vĩ đại thứ ba của nhân loại, không phải lửa hay kim khí, mà chính là “làm chủ tập thể.”
Tiếp đó, chúng ta thực hành nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ duy nhất chỉ tồn tại tại các quốc gia cộng sản hiếm hoi, và hàng năm ngân sách quốc gia vẫn dành cho một Hiệp hội của riêng Đảng cộng sản nghiên cứu và làm rõ.
Kế theo, chúng ta có một mô hình doanh nghiệp chủ đạo nhà nước, nhưng thực hành kinh doanh là lấy lỗ làm nguyên tắc, kế hoạch. Hình thành nền tảng ‘lỗ theo kế hoạch’ và ngân sách quốc gia tiếp tục được chi ra nhằm bù đắp ‘lỗ’ vô hạn này.
Và, sau 70 năm hình thành nhà nước và gần 1 thế kỷ hình thành đảng cầm quyền. Chúng ta vẻ vang đón nhận thông tin, dưới thời kỳ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyền lực ‘vĩ đại’. Chúng ta đã tự hào tuyên bố: lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ.
Trong bài phát biểu của người đứng đầu đảng và nhà nước Việt Nam, có thể nhanh tìm thấy cụm từ ‘lịch sử’, ‘lần đầu tiên’, ‘cơ đồ’, ‘vận nước’… Những cụm từ thường được nghĩ đến trạng thái chìm trong men say chiến thắng, của cái thời kỳ ‘chiến thắng hai đế quốc to’.
‘Cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay’. Đúng, nhưng chúng ta thấy gì một ý chí ‘mãnh liệt tinh thần Việt’ mức khó tin. Chúng ta thừa tự tôn, thừa tự hào, và thừa vĩ đại.
Thành tựu nhưng có bền vững, phát triển?
Trong bài phát biểu báo cáo thành tựu, tốc độ tăng trưởng GDP là 7% và lạm phát giữ mức 3%. Tuy nhiên, con số này rất khó để đánh giá được tính chính xác của nó, trong khi, cảm quan vật giá leo thang khiến 3% lạm phát không còn đứng vững.
Tình trạng Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ, kèm việc điều chỉnh xuống tiêu cực triển vọng tín dụng của Việt Nam đã là một nỗi lo cần đánh giá đúng. Bởi ngay những ngày cuối năm, Bloomberg đã cho biết, nếu không cải thiện thứ hạng đánh giá này, thì hoặc sẽ ‘theo Trung Quốc dẫn đến một cuộc khủng hoảng nợ, hoặc giảm quy mô cho vay doanh nghiệp.’ Điều này đồng nghĩa, Đại hội XIII của ĐCSVN sẽ khởi đầu cho những biến cố tệ hơn trong 6 năm tiếp theo (2021-2026).
Đối với ngành sản xuất trong nước, vẫn chưa xuất hiện một ngành công nghiệp chủ lực. Vingroup đang cố gắng bứt tốc ra khỏi đầu tư bất động sản, lấn sân vào các ngành sản xuất và nghiên cứu công nghệ, tuy nhiên, có vẻ tập đoàn này vẫn dừng ở mức ‘gia công’ và tận dụng lợi thế chính sách thuế hơn là tập trung một một mảng ngành thực sự. Câu chuyện gần nhất liên quan đến mảng sản xuất – công nghệ là Vingroup và Viettel sản xuất của thiết bị 5G. Thế nhưng với một tập đoàn mới bắt đầu như Vingroup vẫn cần đặt nghi vấn, bởi đây là tập đoàn mạnh về tiền, bạo về PR nhưng lại thiếu lịch sử trong sản xuất. Trong khi sản xuất thiết bị 5G là phức tạp đến mức chỉ có 5 nước trên thế giới sản xuất được. Lần tuyên bố sản xuất thiết bị 5G này làm gợi nhớ sản phẩm điện thoại mà Vingroup từng tự hào made in Vietnam (Vsmart Live) là phiên bản đổi tên của điện thoại Trung Quốc Meizu 16XS (!?).
Điều quan trọng, đến nay, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa đã được đặt ra từ 2 thập niên về trước.
Ngay cả khi con số tăng trưởng 7% là thật, thì đó cũng không thể hiện được rằng, Việt Nam đang phát triển.
Trong một phản hồi trên BBC Tiếng Việt, Facebooker Cafe Ku Búa diễn giải vì sao ngay cả khi tăng trưởng GDP nhưng sẽ không phản ánh được mặt phát triển. Và nếu không có phân biệt rạch ròi, thì dễ dẫn đến ‘bị lạm dụng’, hay ‘đánh đồng là một’.
‘Tăng trưởng là khi đất nước có sự gia tăng về GDP, vốn đầu tư, việc làm hay lương. […] Phát triển là sự gia tăng của tiêu chuẩn đời sống, môi trường sống, sức mua của thu nhập và uy tín quốc gia.’
‘Việt Nam có mức tăng trưởng GDP 7%, thuộc hàng top, nhưng cùng lúc nợ công cũng gia tăng ở mức tương tự hoặc hơn. Một con nợ vay tiền mua nhà, bỗng nhiên có thêm tài sản, thì có được coi là giàu có về giá trị hơn không?‘
‘Đất nước đang thu hút vốn đầu tư quốc tế và ngày càng nhiều doanh nghiệp vào kinh doanh hoạt động. Nhưng song song là môi trường xuống cấp, giao thông ùn tắc và lao động bị bóc lột.
Người dân thì có việc làm nhưng với đồng lương rẻ mạt. Thu nhập tăng nhưng không đuổi kịp giá nhà và hàng hoá.‘
Và theo Facebooker này, chỉ được coi là ‘phát triển’ khi
‘một công nhân đi làm vẫn có thể nuôi gia đình. Một bà mẹ sinh đẻ có thể an tâm về chất lượng y tế và sinh viên ra trường an tâm sẽ có việc làm.’
Điều đó cho thấy rằng, thành tựu Việt Nam đạt được trong năm 2019 là không phủ nhận. Tuy nhiên, đánh giá chưa chính xác và đúng với những gì mà nó phản ánh.
7%
GDP 7% nhưng người dân vẫn đối mặt với cảnh không đủ tiền chạy giá tăng bất động sản hàng ngày. Chiến thắng tại Seagame cũng không thể khiến cho hàng xuất đi Trung Quốc tránh tắt nghẽn. Trừng phạt tham nhũng vẫn chú trọng ‘đoái tiền chuộc tội’ khiến khả năng răn đe trong quốc nạn này bị suy giảm nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí đến mức làm suy kiệt giống nòi ở miền Bắc đang nuôi dưỡng mầm mống xung đột xã hội trong tương lai. Và như thế, không thể gọi tên ‘lịch sử’ hay miêu tả ‘vận nước đang lên’ được. Bởi như thế khác gì tìm cách đội vội vàng trên đầu vòng nguyệt quế để làm đẹp tình hình kinh tế – xã hội trước khi Đại hội Đảng diễn ra, dù rằng tình hình chưa hề đến mức đó.

Tin bài liên quan:

VNTB – Văn tế Nguyễn Phú Trọng

Do Van Tien

VNTB – Nguyễn Phú Trọng nguy kịch, Tô Lâm chính thức nắm quyền tổng bí thư

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Ông Trọng

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo