VNTB – Ghi nhanh: Đua ghe ngo ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

VNTB – Ghi nhanh: Đua ghe ngo ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Long Đức 

Các đội đua ghe ngo tranh tài  trên đoạn kênh tính từ Đại học Vạn Hạnh hồi trước năm 1975 đến cầu Công Lý hôm 23-4-2023.

Đua nghe ngo được xem là “môn thể thao vua” của vùng sông nước Nam Bộ, và hội đua ghe ngo luôn là sự kiện hấp dẫn nhất trong lễ hội của cộng đồng người Khmer đang sinh sống tại miền Nam Việt Nam.

Lễ hội nằm trong chuỗi sự kiện mừng Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer và Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4).

Lễ hội đua ghe Ngo diễn ra trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (đoạn từ cầu Công Lý đến cầu Lê Văn Sỹ) với sự tham gia của 9 đội đua đến từ TP.HCM, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Dương và Tây Ninh.

Lễ hội đua ghe Ngo nhằm góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ; đồng thời quảng bá hình ảnh về du lịch của Sài Gòn/ TP.HCM sau 48 năm biến cố 30 tháng tư.

Các vận động viên đến từ 9 đội thi đã mang đến những phần thi sôi động, đầy mãn nhãn.

Đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức đua ghe ngo, và chủ nhà có 2 đội tham gia là đội quận 3 và đội chùa Candaransi.

Một bữa tiệc giao lưu ẩm thực Việt – Khmer – Chăm – Hoa – Tày cũng diễn ra ở khu vực đua ghe ngo trong khuôn viên chùa Candaransi phía đường Hoàng Sa.

[ads_color_box color_background=”#f5f2f2″ color_text=”#444″]

“Tuk Ngô” (ghe Ngo) có kết cấu khởi thủy là thuyền độc mộc, làm bằng cây sao. Thuở xưa rừng châu thổ sông Mêkông ngút ngàn gỗ quý. Tuy nhiên, để tìm được một thân cây sao bằng hai người ôm thì không phải là chuyện dễ. Người ta phải tổ chức cho một nhóm người vào rừng tìm cây thích hợp bất chấp thú dữ, rắn rít. Khi tìm được cây đúng tiêu chuẩn thì người ta phải làm lễ cúng thần giữ rừng (Neak ta Prey ph’nôm) để được bình an vô sự rồi mới đốn cây. Họ phải dùng sức trâu hoặc voi kéo cây xuống sông, kết thành bè rồi thả theo dòng nước. Cây sao đem về phải cưa, đục, đẽo, khoét thành chiếc ghe độc mộc. Sau này ghe được cải tiến nối thêm đầu và đuôi đều cong người Khmer gọi là Tuk Ngô (Tuk là ghe, Cong là ngô – đọc trại thành Ngo).

Theo nguyên tắc, chiếc ghe Ngo dài 27 mét, hình tựa con rắn, mình thon thon, thoai thoải về phía trước, đầu uốn cong và hơi thấp hơn sau lái một chút. Ghe Ngo có nhiều khoang, trên mỗi khoang đóng nhiều thanh cây ngang dài 1,2m làm băng ngồi vừa đủ 2 người ngồi bơi thoải mái theo từng cặp song song gồm 24 đôi. Ghe Ngo có dầm riêng, làm theo nhiều kích cỡ tùy theo từng vị trí người bơi. Đặc biệt, nghe Ngo có hai cây kềm chịu lực, thường là thân cây tràm vì cây này có độ dẻo, hai cây kềm chịu lực này giúp cho ghe nhún nhảy và phóng nhanh đồng thời giúp giữ chặt ghe không bị gãy đôi. Hai cây này có đường kính 0,2m. Một cây kềm dài suốt lòng ghe, một cây kềm lái (từ giữa thân thân ghe về phía sau) gọi là Đon Sonh-Tuôch (cây cần câu).

Thân ghe được chà đi chà lại cho thật trơn bóng và sơn màu đen. Trên be sơn một lằn trắng hoặc vàng tùy ý thích của sư cả trụ trì. Hai bên be vẽ hình các con vật, như rồng, cọp, hổ… hay hoa lá cách điệu. Ở hai bên mũi ghe vẽ hình biểu tượng của ghe và ghi tên chùa. Khi xây chùa, người ta chọn một con vật làm biểu tượng và khi đóng ghe, con vật này cũng là biểu tượng của chiếc ghe.

Ngày nay, những thân cây sao bằng 2 người ôm hầu như không còn nữa nên ghe Ngo hiện đại được đóng bằng ván cây sao. Có lẽ do kết cấu của ghe ngày nay mỏng và nhẹ hơn ghe truyền thống nên nhiều người nhận định rằng ghe ngày nay lướt nhanh hơn ghe độc mộc ngày xưa.  Ghe Ngo bao giờ cũng được bảo quản trong một mái nhà để ghe trong khuôn viên chùa. Mái che, dàn đà cao chắc chắn để che mưa nắng, phòng mối mọt. Nhà ghe là nơi thiêng liêng, ngày xưa phụ nữ không được đến gần, đây là điều cấm kỵ.

Trước đây, người ngồi mũi (nhân vật số 1 của đội bơi) phải là người khá giả, có uy tín trong phum sóc. Được bình chọn ngồi mũi, người ấy phải lo lễ cúng, lo nuôi “con dầm” ăn, tập dợt, lo chi phí cho cuộc đua. Ngày nay nhiều sóc vẫn còn giữ lệ này.
Sau người ngồi mũi là những cặp ngồi trên băng ghế. Cặp ngồi kế mũi là “s’ma tưm”. Cặp này phải có kỹ thuật bơi thật nhanh (theo đúng nhịp cồng hoặc còi), làm chuẩn mực cho người ngồi phía sau. Kế tiếp là “kôn Chro va” gồm 6 người ngồi bơi. Tiếp theo là “Kô lich” gồm 28 người quỳ bơi, khi ghe bơi gần đến đích, 28 người này nhất tề đứng lên, một chân làm trụ, một chân dùng hết sức cánh tay đẩy ghe phóng nhanh, lao thẳng về đích. 8 người nhún bơi gọi là “sroong dôn”. Sau cùng là 3 tay lái. Lái chính đứng sau cùng, 2 lái phụ đứng trước ở 2 bên phải trái.

Vì chiếc ghe Ngo được tạo dáng như con rắn dài, đầu và lái đều cong. Khi bơi, nếu động tác phối hợp không nhịp nhàng, ghe dễ bị mất thăng bằng và lật chìm. Vì thế, các tay bơi phải ra sức tập cho thuần thục. Người được chọn bơi phải là trai tráng khoẻ mạnh, được tập dợt theo từng vị trí của mình. Trước hết là tập bơi trên cạn: tất cả tay dầm, đứng theo vị trí của mình tại điểm tập bơi (thường là trước sân chùa). Tập theo tiếng cồng (ngày nay có khi dùng tiếng còi thay thế) của huấn luyện viên cho thật đều và thật nhịp nhàng. Kế đó là tập bơi trên dàn gỗ dưới ao hay là trên sông gần chùa nhằm luyện sức cánh tay và sức bền thể lực. Sau cùng là tập bơi trên ghe Ngo để hoàn chỉnh cuộc tập dợt. Khổ luyện sức, kỳ công luyện kỹ thuật, luyện cho tất cả nhập sức làm một nhịp chèo, đưa ghe lướt về đích.

[/ads_color_box]


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)